VnReview
Hà Nội

‘High Tech’ nhưng Facebook nhiều lần công bố tin xấu theo cách "càng ít người đọc được càng tốt"

Đầu tháng 5, Facebook tuyên bố kiện công ty Rankwave (Hàn Quốc), do vi phạm sử dụng dữ liệu người dùng.

'Mỗi khi tiết lộ thông tin, Facebook luôn cố gắng cung cấp ít nhất có thể'

Scandal mới mà Facebook vừa vướng phải có những điểm tương đồng với vụ bê bối với Cambridge Analytica (Anh). Mặc dù vậy, vụ kiện lần này lại không nhận được nhiều sự quan tâm ngay cả khi các trang báo lớn đưa tin – một phần bởi đây chính là ý đồ của mạng xã hội này. Facebook tuyên bố vụ kiện khoảng 6 giờ tối (theo múi giờ miền Đông) thứ Sáu ngày 10/5, vào lúc nhiều nhà báo đã rời khỏi văn phòng, đa số độc giả nghỉ cuối tuần và khi các thị trường chứng khoán lớn chuẩn bị đóng cửa ít nhất hai ngày. Kết quả? Tất cả những ai quan tâm đến Facebook đều bỏ lỡ tin này.

Công bố tin vào tối thứ Sáu, giữa một biển tin tức quốc gia, vào những khoảng thời gian kỳ cục và không thích hợp là chủ ý của Facebook. Với mỗi tin tức dạng này, Facebook hòng thể hiện sự minh bạch khi chắc rằng số lượng người sẽ theo dõi là ít nhất.

Ngày 18/4, rơi vào thứ Năm trước ngày nghỉ cuối tuần và ngày phát hành báo cáo Mueller đang rất được mong đợi, Facebook đã cập nhật một số dòng tin trên một bài viết cũ để chính thức, và cũng rất lặng lẽ, tiết lộ việc hãng vô tình lưu trữ hàng triệu mật khẩu Instagram ở dạng văn bản không được mã hóa. Thông tin mới được cập nhật trên một bài đăng từ tháng trước có nội dung thừa nhận Facebook đã mắc một lỗi bảo mật tương tự với 600 triệu mật khẩu Facebook.

Vài tháng trước, Facebook phát hành một báo cáo được chờ đợi từ lâu, thừa nhận thất bại trong việc ngăn chặn nền tảng của hãng được sử dụng để kích động bạo lực gây chết người ở Myanmar. Mặc dù thừa nhận là việc cần làm, nhưng Facebook lại lên tiếng vào đêm hôm trước ngày diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018, thời điểm mà hầu hết nhà báo và những người theo dõi tin tức bị phân tâm.

Cuối tháng 11, một ngày trước Lễ Tạ ơn, Giám đốc điều hành Facebook, Sheryl Sandberg và Giám đốc truyền thông, Elliot Schrage, đã đăng một bài viết thừa nhận việc họ thuê Definers, một công ty quan hệ công chúng cánh hữu. Facebook vấp phải nhiều lời chỉ trích vì hợp tác với Definers sau khi bị tờ New York Times tiết lộ mối quan hệ giữa hai bên cùng nỗ lực nhằm chỉ ra mối liên kết giữa các đối thủ của Facebook với nhà tài chính tự do George Soros, một tỷ phú là mục tiêu của những vụ bôi nhọ bài Do Thái.

Ban đầu, Sandberg cho hay bà không biết việc Definers được Facebook thuê, nhưng lại nói ngược lại trong tin được tung ra trước Lễ Tạ ơn.

Vụ việc Definers không phải là lần đầu tiên Facebook công bố tin xấu gần thời điểm diễn ra một ngày lễ lớn. Một năm trước, ngay trước Lễ Tạ ơn, Facebook đã công bố kế hoạch ra mắt một tính năng cho phép người dùng kiểm tra xem họ có thấy nội dung do người Nga tạo và phát tán nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến chính trị Hoa Kỳ hay không. Sau đó, Facebook đã phát hành công cụ này vào thứ Sáu, ngay trước Giáng sinh.

Lời thừa nhận về các lỗi của Facebook trên mục Newsroom của trang web thường được đưa vào các bài đăng với tiêu đề không ấn tượng như ‘Bảo vệ mật khẩu' và ‘Áp dụng Chính sách thực thi nền tảng' cho thấy dường như Mạng xã hội này đang thông báo tin tốt thay vì thừa nhận sai lầm của mình.

Facebook bác bỏ ý kiến hãng cố tình gây ra sự ‘chậm trễ nhân tạo' khi tung ra các thông báo. Trong khi đó, một phát ngôn viên cho biết Facebook luôn luôn ‘cố gắng chia sẻ thông tin với công chúng ngay khi có thể'.

"Thực tế là chúng tôi luôn làm việc hết sức có thể để minh bạch nhất có thể. Chúng tôi là một công ty toàn cầu và công bố tin tức vào bất kỳ thời điểm nào trong tuần. Chúng tôi không cố tình đưa tin vào ngày Thứ 6, có rất nhiều minh chứng cho điều đó",;một phát ngôn viên của Facebook cho biết.

‘Chiến lược rõ ràng là để đưa ra một thông điệp mà họ có thể kiểm soát'

Facebook chỉ ra một số ví dụ, trong đó có sự kiện năm ngoái hãng đưa thông báo xóa hơn 10.000 tài khoản vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng vào thứ Ba trong tháng 6, thông tin đóng một số ứng dụng do tần suất sử dụng thấp, cùng nhiều thông báo được công bố không phải vào thứ Sáu và ngày lễ khác. Tuy vậy, hầu hết các ví dụ này lại không liên quan đến các vấn đề chính như quyền riêng tư, thông tin sai trái hoặc hành động pháp lý.

Các nhà phê bình trong đó có Jason Kint, Giám đốc điều hành của Hiệp hội thương mại truyền thông Digital Content Next, không hoàn toàn bị thuyết phục với nhận định Facebook không cố tình phát hành thông cáo báo chí theo ý mình.

"Chiến lược rõ ràng là để đưa ra một thông điệp mà họ có thể kiểm soát và đảm bảo rằng họ ít bị chú ý nhất", Kint cho hay.

Kint cũng nghĩ rằng loại hành vi này là ‘đặc trưng của những công ty quyền lực'.

"Bạn có thể nhìn ra 2 đường thẳng song song giữa cách mà họ phản ứng với báo chí và cách họ ứng phó với các phiên điều trần", Kint nói sau khi xem xét phản kháng của Facebook khi đối chất cơ quan lập pháp. Mặc dù cuối cùng Facebook đã nhượng bộ các yêu cầu và tham gia vào một số phiên điều trần, sau những phản kháng ban đầu, hãng đã từ chối thỏa mãn yêu cầu Zuckerberg phải có mặt.

Cho dù phát hành thông tin vào thời điểm đang có rất nhiều các tin tức quan trọng khác là một chiến lược truyền thông, nhưng việc Facebook sử dụng chúng nhằm giảm nhẹ những sai lầm của mình là hành động trái với ‘cam kết minh bạch' của chính Facebook.

Đông Mai (Theo Mother Jones)

Chủ đề khác