VnReview
Hà Nội

Điều gì sẽ xảy ra với các công ty thách thức lệnh cấm Huawei của Mỹ?

Cho đến lúc này, Microsoft vẫn chưa cho biết họ sẽ phản hồi ra sao trước lệnh cấm.

huawei

Trong 2 tuần qua, Huawei đã mất hầu như mọi đối tác kinh doanh quan trọng bởi lệnh cấm của Mỹ, bao gồm nhiều "ông lớn" như Google, Corning, và ARM, khiến hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc lún sâu vào một cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ. Nhưng một vài đối tác lớn của Huawei vẫn tỏ ra im lặng – đáng chú ý nhất chính là Microsoft, khi mà hãng này vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về lệnh cấm. Microsoft từng âm thầm gỡ bỏ các laptop của Huawei khỏi website của hãng, cho thấy ý định ngừng cung cấp dịch vụ đối với Huawei, nhưng chúng ta vẫn chưa rõ gã khổng lồ phần mềm liệu có kế hoạch nào lớn hơn trong việc thực thi lệnh cấm hay không?

Microsoft là một trong những đối tác phần mềm lớn nhất của Huawei, đảm nhận việc cấp giấy phép và duy trì hệ điều hành Windows trên một lượng lớn các laptop của Huawei vốn phải được cấp phép và cập nhật trực tiếp bởi công ty Mỹ này. Khả năng khá cao là Microsoft sẽ chỉ im lặng bởi mức độ nhạy cảm của tình hình, nhưng chính sự im lặng này của họ làm chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: nếu Microsoft (hay bất kỳ công ty nào khác) thách thức chỉ thị của Bộ Thương mại và tiếp tục kinh doanh với Huawei, họ sẽ phải đối mặt với những hình phạt gì?

Hầu như cả ngành công nghiệp công nghệ đều cho rằng Microsoft sẽ làm theo cách của Google và các hãng khác, bởi lý do đơn giản là họ có muốn không làm cũng không thể được. Có một loạt các hình phạt sẵn sàng giáng xuống các công ty thách thức lệnh cấm xuất khẩu, từ các án phạt dân sự đến các lệnh cấm nhằm đặt ra những giới hạn cụ thể liên quan những thứ mà công ty vi phạm có thể xuất khẩu, tất cả đều nằm trong tay các điều tra viên chuyên thực thi các quy định pháp lý liên quan xuất khẩu.

Nếu vi phạm của một công ty diễn ra một cách trắng trợn, họ có thể phải lãnh án phạt hình sự, như một vụ diễn ra hồi tháng 5, trong đó một người đàn ông ở New Jersey (Mỹ) bị kết án thông đồng trong xuất khẩu vũ khí sang Ukraine. Nhưng xét việc Microsoft phụ thuộc khá nhiều vào các bản hợp đồng chính phủ và quốc tế, công ty này hẳn sẽ hứng chịu thiệt hại rất lớn, trước khi các cá nhân trong công ty phải hứng chịu các hình phạt tù.

huawei

Không chỉ riêng các công ty Mỹ mới cần cẩn thận về các hình phạt có thể xảy ra. Theo các công ty luật, bất kỳ ai cấp giấy phép công nghệ trên đất Mỹ đều phải tuân thủ những giới hạn đó, có nghĩa nếu không muốn rắc rối, chỉ có một con đường cho họ: cắt đứt quan hệ đối tác với Huawei. Một công ty luật giải thích như sau: "Ví dụ, công nghệ không công khai, có nguồn gốc từ Mỹ, cần để sản xuất bàn chải đánh răng, sẽ không thể được cung cấp cho Huawei bởi một công ty bên ngoài nước Mỹ nếu không có giấy phép BIS", ngay cả khi bản thân chiếc bàn chải đó được sản xuất bên ngoài nước Mỹ. Điều này giải thích tại sao các công ty như ARM, vốn có trụ sở ngoài nước Mỹ và cung cấp các kiến trúc chip chứ không tự mình sản xuất, vẫn nhanh chóng tìm cách tránh xa Huawei.

Như vậy, việc Microsoft chưa lên tiếng chính thức có lẽ chỉ là một cách câu giờ của công ty này. Bản thân Trump từng gợi mở rằng các giới hạn xuất khẩu có thể sẽ được gỡ bỏ nếu hai bên đạt được thỏa thuận thương mại, và thỏa thuận này sẽ phải đợi cho đến khi các khoản thuế mới phát huy tác dụng vào ngày 25/6 mới có thể được thảo luận. Nếu thỏa thuận thực sự diễn ra, im lặng và tránh xa tâm bão có lẽ là một nước đi cực kỳ khôn khéo – nhưng đồng thời nó cũng là một cú đặt cược đầy mạo hiểm.

Minh.T.T

Chủ đề khác