VnReview
Hà Nội

Liệu hệ điều hành Hongmeng có được chấp nhận ngoài Trung Quốc?

Huawei đang chuẩn bị phát hành hệ điều hành smartphone riêng, phòng trường hợp mất quyền truy cập vào HĐH Android của Google và các ứng dụng phổ biến. Vấn đề là, dù các chuyên gia đồng ý rằng nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc biết cách xây dựng một hệ điều hành riêng, song liệu nó có được chấp nhận trên toàn cầu hay không mới là vấn đề. Hay đúng hơn, liệu hệ điều hành của Huawei có bắt kịp với thị trường toàn cầu hay không?

Google rút giấy phép sử dụng Android của Huawei, buộc dùng bản nguồn mở không có các dịch vụ của; Google

Việc điện thoại Huawei chạy hệ điều hành Android được bán trên thị trường thế giới được truy cập các bản cập nhật mới nhất, nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Google là điều rất quan trọng đối với Huawei. Điều đó đang gặp nguy hiểm sau động thái hạn chế smartphone Huawei của chính phủ Mỹ.

Đối với Huawei, thách thức trong xây dựng hệ điều hành riêng – một phần mềm cốt lõi điều khiển phần cứng và phần mềm của thiết bị - không chỉ là kỹ thuật. Công ty phải giành được người dùng quốc tế và các nhà phát triển ứng dụng trong bối cảnh lo ngại về bảo mật.

"Xây dựng một hệ điều hành cần rất nhiều nỗ lực về mặt kỹ thuật", Philip Levis, phó giáo sư khoa học máy tính và kỹ thuật điện tại Đại học Stanford nói. "Một trong những khó khăn là các mẫu điện thoại không hề giống nhau. Chẳng hạn, màn hình smartphone không đơn giản là một hình chữ nhật, mà nó còn là tích hợp máy ảnh hoặc các thiết bị ngoại vi khác. Điều này có thể dễ dàng hơn nếu hệ điều hành đó chỉ dành cho điện thoại Huawei".

Nhưng việc xây dựng một hệ điều hành di động chỉ hoạt động với các thiết bị của riêng mình sẽ không có ý nghĩa gì với Huawei, vì để thành công trên toàn cầu trong lĩnh vực này đòi hỏi sản phẩm phải có một sức hấp dẫn nhất định. Điều đó có nghĩa là phải xây dựng một hệ sinh thái đủ lớn và thu hút đủ ứng dụng để sử dụng với nó. Đây là một thử nghiệm mà Microsoft, BlackBerry và nhiều hãng khác đã thất bại.

Android Inc. đã chào mời các nhà đầu tư từ năm 2004 và được Google mua lại vào năm 2005. Hệ điều hành này đã được công bố vào năm 2007 và thiết bị đầu tiên chạy nó được phát hành vào năm 2008. Nếu Huawei đã phát triển "Kế hoạch B" từ năm 2012, có thể hy vọng công ty sẽ phát hành một chiếc trong năm nay.

Nhưng để cạnh tranh với Android, Huawei phải khiến các nhà phát triển viết lại các ứng dụng cho HĐH của họ và sau đó đưa hàng triệu ứng dụng vào cửa hàng ứng dụng. Một trong những lý do lớn nhất khiến Microsoft từ bỏ hệ điều hành của riêng mình - Windows Phone - vào năm 2017 là vì các nhà phát triển không ủng hộ nền tảng này.

Hệ thống Symbian của Nokia và BlackBerry OS cũng gặp rắc rối tương tự. Cả hai hệ điều hành di động độc quyền này đều không thể có đủ lực kéo thuyết phục các công ty phát triển và duy trì ứng dụng dành riêng cho họ và cuối cùng cả hai đều buộc phải dừng lại, giống như Windows Phone.

Do chi phí viết lại một ứng dụng và di chuyển nó sang một sang một hệ điều hành mới khá cao, nên nhiều người tin rằng HĐH của Huawei - được đặt tên là Hongmeng - sẽ được xây dựng trên hệ thống Android nguồn mở.

Xây dựng nó trên hệ thống Android hiện tại có lợi thế là nó sẽ giúp các nhà phát triển hiện tại chạy ứng dụng của họ trên đó dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một cấu trúc hoàn toàn mới có thể cho phép Huawei cải thiện rất nhiều thứ. Tuy vậy, Huawei lại gặp lỗ hổng lớn nếu họ xây dựng một hệ thống hoàn toàn mới, đòi hỏi phải viết lại ứng dụng: đó là mối quan hệ của họ với các công ty công nghệ quan trọng nhất của Trung Quốc.

Nhưng để đạt được số lượng lớn các ứng dụng quan trọng, Huawei có thể cần một cú hích lớn từ chính phủ Trung Quốc. Các sự kiện gần đây đóng vai trò như một lời nhắc nhở người dân và chính phủ Trung Quốc về sức mạnh và sự thống trị của Mỹ trong công nghệ. Trung Quốc phải suy nghĩ lại về chiến lược của mình để trở nên ít phụ thuộc hơn. Một cách để trở nên độc lập hơn là tất cả các nhà sản xuất di động của Trung Quốc đều sử dụng một hệ điều hành mới, trong nước, chẳng hạn như hệ điều hành của Huawei.

Thị phần hệ điều hành di động toàn cầu. Nguồn: IDC

Nếu tất cả các thương hiệu Trung Quốc phát triển và sử dụng một hệ điều hành hợp nhất, họ sẽ có cơ hội cạnh tranh với Android và iOS tốt hơn nhiều so với việc chỉ điện thoại Huawei sử dụng nó. Bởi vì, để đạt được mức độ ảnh hưởng và thị phần toàn cầu tương tự như iOS và Android, Huawei không chỉ cần "thống trị thị trường Trung Quốc" mà còn phải xâm nhập vào các quốc gia khác.

Đây chính là nơi Huawei có thể phải đối mặt với một rào cản lớn, vì công ty chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về bảo mật hệ thống của mình.

"Không dễ để Huawei trấn an người dùng và nhà phát triển ứng dụng về sự an toàn của nền tảng của họ. Rốt cuộc, Huawei là một công ty di động, không phải là một công ty phần mềm", các nhà phân tích nói. Tất cả các điện thoại Android đều được Google kiểm tra tính năng bảo mật thường xuyên. Nếu không có Google đóng vai trò là bộ điều khiển bảo mật cho hệ điều hành mới của mình, Huawei có thể gặp khó khăn trong việc giành được sự tin tưởng của khách hàng quốc tế.

Không nghi ngờ gì nữa, HĐH Huawei sẽ thành công ở Trung Quốc. Nhưng còn ở thị trường nước ngoài thì sao? Không chắc lắm!

Ngay cả khi Huawei vượt qua các thách thức trên, vẫn còn một mối lo ngại lâu dài với hệ điều hành của hãng: chipset.

Kiến trúc thiết kế chip của Arm, công ty bán dẫn thuộc sở hữu của Tập đoàn SoftBank Nhật Bản, có trong 90% bộ xử lý di động trên thế giới, bao gồm cả những bộ vi xử lý được Huawei sử dụng. Tuy nhiên, tuần trước, Arm cho biết họ đang tuân thủ các chính sách mới nhất của Mỹ với Huawei.

Một phần mã của hệ điều hành là dành riêng cho chipset. Hệ điều hành mà Huawei đang phát triển sẽ dành riêng cho chipset mà hãng hiện đang sử dụng, nói cách khác, đó là chipset ARM.

Nếu ARM lại cấm Huawei tiếp cận thiết kế chip của mình, đây sẽ là một trở ngại rất lớn.

Hai chipset chính trên thị trường hiện nay là x86 của Intel và ARM v8. Huawei có thể thay thế ARM bằng RISC-V, đây là kiến ​​trúc mở và do đó không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm của Mỹ. Nhưng đó có thể không phải là một giải pháp lý tưởng,  RISC-V đã đạt được rất nhiều động lực, nhưng vẫn chưa sẵn sàng.

Theo Wu Hequan, một học giả tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, Huawei đã được cấp phép vĩnh viễn công nghệ ARM v8 và có thể sản xuất và cập nhật chipset dựa trên công nghệ v8 hiện có nếu cần, mà không cần sự trợ giúp của ARM.

Theo nhận xét của các nhà phân tích trên trang Nikkei, chipset là một vấn đề khó giải quyết hơn hệ điều hành. Nhưng nó sẽ không ảnh hưởng đến hệ điều hành của Huawei trong ngắn và trung hạn.

Hoàng Lan theo Nikkei

Chủ đề khác