VnReview
Hà Nội

Các công ty Mỹ cảnh báo: An ninh quốc gia có thể bị đe dọa do lệnh cấm Huawei của ông Trump

Lệnh cấm Huawei có thể làm chậm quá trình nghiên cứu và phát triển, gây hại cho công nghệ quân sự của Mỹ,… đó chỉ là một trong số ít những tác động của lệnh cấm Huawei mà các hãng công nghệ Mỹ muốn chính phủ xem xét.

Theo tờ South China Morning Post, các công ty công nghệ Mỹ mới đây đã lên tiếng yêu cầu Bộ thương mại Mỹ cần nghiêm túc xem xét lại lệnh cấm với Huawei. Các hãng công nghệ cho biết, lệnh cấm có thể gây tổn hại đáng kể đến lợi nhuận và làm chậm quá trình phát triển, cải tiến công nghệ mới, bao gồm cả những thứ mà quân đội Mỹ cần đến.

Hiện tại có nhiều công ty đang mong muốn Bộ thương mại Mỹ sớm cấp giấy phép miễn trừ lệnh cấm với Huawei sau khi lệnh gia hạn hết hiệu lực vào tháng 8 tới.

Theo Hiệp hội công nghiệp bán dẫn, Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới và là nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu. Hãng cũng là công ty tiên phong triển khai mạng 5G trên quy mô toàn cầu. Đó là chưa kể, Huawei còn là hãng đứng thứ ba về số lượng chip mua từ Mỹ.

Tuy nhiên, sau lệnh cấm đưa ra hồi giữa tháng 5, Huawei sẽ không thể mua được bất cứ linh kiện và phần mềm nào từ các công ty Mỹ, mặc dù Bộ thương mại Mỹ đã gia hạn lệnh cấm thêm 90 ngày, tức tới gần cuối tháng 8 mới có hiệu lực. Theo quy định của Bộ thương mại Mỹ, các công ty Mỹ vẫn có thể hợp tác được với Huawei nhưng kèm điều kiện là phải xin được giấy phép miễn trừ.

Hầu hết các công ty chủ yếu là nhà sản xuất chip đều viện dẫn những khó khăn, tác động tài chính từ việc dừng hợp tác với Huawei. Mất đi một đối tác như Huawei khiến các hãng kinh doanh chip mất đi một nguồn thu lớn. Đặc biệt nó còn khiến Huawei và nhiều công ty Trung Quốc khác dè chừng và bớt phụ thuộc vào nguồn cung chip của Mỹ. Thay vào đó, họ sẽ chuyển hướng mua chip từ các bên thứ ba.

Một số hãng sản xuất chip lập luận rằng, doanh thu suy giảm do mất mối làm ăn với Huawei sẽ khiến các chi nhánh của họ buộc phải cắt giảm hoạt động R&D, dẫn tới làm chậm quá trình phát triển các dòng chip máy tính mới. Chưa dừng lại ở đó, lệnh cấm sẽ gây tổn hại lớn tới công nghệ quân sự của Mỹ bởi vốn dĩ lâu nay vẫn phụ thuộc chủ yếu vào công nghệ chip. Cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ thậm chí sẽ đứng trước những nguy cơ bị tấn công vì công nghệ chip máy tính lỗi thời.

Hiện tại không rõ đã có công ty nào đạt được giấy phép miễn trừ của Bộ thương mại Mỹ hay chưa nhưng khả năng từ chối yêu cầu là rất cao. Từ trước đến nay, hiếm có công ty Mỹ nào xin được giấy phép miễn trừ đối với một công ty đã bị liệt vào danh sách đen do lo ngại an ninh quốc gia của Bộ thương mại Mỹ. Nhưng tất nhiên vẫn có trường hợp ngoại lệ, ví dụ như ZTE.

Mới đây, Google - hãng phần mềm rút giấy phép Android và cắt đứt quan hệ với Huawei đã lên tiếng khẳng định, lệnh cấm của chính phủ Mỹ sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Nguyên nhân bởi Huawei sẽ tự phát triển một hệ điều hành mới. Do không nhận được cập nhật bảo mật từ Google nên nó sẽ tiềm ẩn nguy cơ bị hack và ngầm thu thập dữ liệu của người dùng Mỹ khi liên hệ với người dùng sử dụng smartphone Huawei.

Không rõ sau khi lệnh gia hạn kết thúc, Huawei có thể tìm được hướng hóa giải vấn đề hay không. Nhưng có lẽ như lời ông Trump từng chia sẻ, mọi thứ sẽ chỉ có thể giải quyết được trên bàn đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Giới chuyên gia nhận định, việc đưa Huawei vào danh sách đen thực chất chỉ là một nước cờ cao tay của ông Trump nhằm gây áp lực lên chính phủ Trung Quốc và tạo lợi thế trong đàm phán thương mại.

Theo tổ chức GSMA, nếu Châu Âu nghe lời Mỹ và cấm Huawei, lệnh cấm sẽ khiến khu vực này tốn thêm khoảng 62 tỷ USD để phát triển mạng 5G và thời gian triển khai mạng thậm chí có kéo dài thêm gần 2 năm nữa.

Tiến Thanh

Chủ đề khác