VnReview
Hà Nội

Tham vọng ‘Hợp chủng quốc Facebook’ của Mark Zuckerberg

Từ lâu người ta đã ví Facebook là một vương quốc tỉ dân và Mark Zuckerberg là Vua. Với việc cho lưu hành đồng tiền điện tử Libra vào năm tới, dường như tham vọng trở thành một quốc gia của Facebook rõ ràng hơn bao giờ hết.

Facebook có 2,7 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới, tính đến hết quý I/2019. ‘Dân số' lớn nhất trên Facebook là từ Ấn Độ với hơn 270 triệu người dùng, theo sau là 210 triệu người từ Mỹ. Doanh thu 15,8 tỷ USD quý I/2019 (giảm so với 16,91 tỷ USD của quý trước đó), chủ yếu đến từ quảng cáo.

Sự phát triển của Facebook trong thập kỷ qua đã dẫn đến sự thay đổi lớn về chính trị và xã hội. Từ lâu, Mark Zuckerberg và lãnh đạo Facebook đã ngụ ý về một ‘quốc gia' Facebook nhưng chúng ta không ai để ý (hoặc không tin) điều đó.

Mark Zuckerberg

Mark Zuckerberg, CEO Facebook

Hồi năm 2017, trong bài viết "Facebook's war on free will" (tạm dịch: Cuộc chiến của Facebook chống lại ý chí tự do) về cách công nghệ đang làm cho tâm trí của con người trở nên dư thừa đăng trên báo Anh Guardian có trích lời CEO Facebook Mark Zuckerberg rằng: "Theo rất nhiều cách, Facebook giống như một chính phủ hơn là một công ty truyền thống. Chúng tôi có cộng đồng lớn này, và hơn cả các công ty công nghệ khác, chúng tôi thực sự thiết lập các chính sách".

Điểm đầu tiên dễ nhận thấy nhất khi so sánh Facebook của Zuckerberg với một chính phủ là Facebook rất mạnh trong lĩnh vực riêng của mình. Thực sự, dưới góc độ nào đó, Facebook giống như một quốc gia có chủ quyền. Nó có thể nâng/ hạ mô hình kinh doanh của các công ty phụ thuộc vào nó hoặc thay đổi hoàn toàn cách người dùng cá nhân liên quan đến nhau - mà không cần họ nhận ra điều gì đã xảy ra.

Trong ‘quốc gia' Facebook, mã nguồn máy tính là luật. Ngày nay, mã nguồn Facebook thiết lập các quy tắc quan trọng, theo đó, hơn 2 tỷ người trên thế giới và hàng triệu doanh nghiệp tương tác trực tuyến. Điều này có nghĩa là Facebook là một chủ quyền mạnh mẽ và Mark Zuckerberg là nhà lập pháp chủ chốt.

Mới đây nhất, ‘quốc gia' Facebook đã dần hoàn thiện hơn với việc công bố tiền điện tử Libra. Người dùng có thể tới các cửa hàng tiện lợi để nạp bằng cách chuyển đổi nội tệ của mình thành Libra và sau đó lưu trữ nó trên ví điện tử Calibra (do Facebook lập ra). Người dùng có thể chuyển tiền cho nhau, mua sắm trao đổi trên Facebook bằng Libra.

Trong dịp này, ông David Marcus, cựu giám đốc Paypal và đang là người đứng đầu ngành blockchain tại Facebook giải thích cái tên "Libra" hay "Thiên Bình" được lấy cảm hứng từ phép cân trọng lượng La Mã, một ‘cung' trong chiêm tinh học phương Tây mang nghĩa công lý, và trong tiếng Pháp còn có nghĩa là tự do.

"Tự do, công lý và tiền bạc, đó chính xác là những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở đây", ông nói.

Libra

Tất nhiên, ở một số góc độ khác thì so sánh Facebook với một quốc gia là không chính xác. Bởi vì cho đến nay Facebook không có quyền đánh thuế, và chắc chắn không có khả năng sử dụng bạo lực thể xác để buộc mọi người tuân thủ các yêu cầu của Facebook.; Và không giống các nhà lãnh đạo quốc gia, không có sự kiểm chứng và cân bằng quyền lực ở Facebook. Mark Zuckerberg là lãnh đạo công ty do ông sáng lập ra, không được những người dân ông ta cai trị bầu cử.

Nhưng khi Facebook ra mắt tiền điện tử Libra thì lại khác. Mặc dù Facebook tuyên bố hãng chỉ thu phí rất nhỏ trên mỗi giao dịch và các khoản thu từ quảng cáo, khẳng định "không tạo ra với mục đích thay thế các ngân hàng trung ương lớn", nhưng nó đã dấy lên mối quan ngại từ nhiều chính phủ. Đơn giản, vì dù thế nào Libra cũng do Facebook lập ra, và gắn liền với đồng tiền là chủ quyền quốc gia. Điều gì sẽ xảy ra nếu như đồng tiền Libra được giao dịch rộng rãi? Viễn cảnh đó là nó có thể đặt dấu chấm hết cho ngành ngân hàng truyền thống, tạo ra một đơn vị tiền tệ chung đầu tiên trên toàn thế giới, và làm suy yếu quyền lực của các chính phủ và các ngân hàng trung ương đối với nền kinh tế.

Chính vì vậy, lúc này các nhà lập pháp Mỹ và châu Âu đã yêu cầu phải giám sát, thậm chí là "đóng băng" dự án tiền ảo của Facebook. Chỉ vài giờ sau khi Facebook công bố thông tin, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire đã dội ngay gáo nước lạnh vào thông tin này. Le Maire cho biết: "Libra trở thành một đồng tiền hợp pháp, điều này là không thể và không được xảy ra". Nhóm các nước G-7 bao gồm Pháp, Anh và Mỹ đang tiến hành mở một diễn đàn để xem xét các đồng tiền số như Libra gây nguy hại đến nền tài chính truyền thống ra sao. Dự kiến, ngày 16/7 ông David Marcus sẽ đại diện Facebook tham gia phiên điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ để làm rõ về dự án đồng tiền Libra cũng như mọi quan ngại về bảo mật dữ liệu.

Các quốc gia sẽ ứng xử như thế nào với đồng tiền Libra chưa rõ, nhưng với xu hướng hiện nay Facebook chỉ ngày càng lớn hơn và mạnh mẽ. Bên cạnh các vấn đề như can thiệp bầu cử, quyền riêng tư, tin tức giả, thì còn có điều gì đó quan trọng hơn. Facebook sẽ lớn đến cỡ nào? Và phạm vi quyền lực của nó sẽ vươn đến đâu? vẫn là những câu hỏi đang bị bỏ ngỏ.

Tuyên Quang

Chủ đề khác