VnReview
Hà Nội

Sếp Huawei: Chúng tôi thừa sức giải quyết vấn đề mà chẳng cần phải trông chờ vào chính phủ

Người đứng đầu Huawei tin rằng, hãng này đủ năng lực để vượt qua sóng gió mà chẳng cần trông chờ vào sự giúp đỡ từ phía chính phủ.

Mỹ đã áp đặt một loạt các hạn chế đối với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei trong thời gian qua và đỉnh điểm là sắc lệnh cấm các công ty Mỹ hợp tác với Huawei.

Nhưng bất chấp lệnh cấm đó và những hy vọng mọi thứ có thể "êm xuôi" sau khi đại diện Mỹ và Trung Quốc ngồi xuống bàn đàm phán thương mại để tìm hướng giải quyết tốt nhất, Huawei vẫn muốn tự lực cánh sinh.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với kênh CNBC, CEO Nhậm Chính Phi đã lên tiếng khẳng định, công ty có thể tự mình đối phó với lệnh cấm mà không cần tới sự trợ giúp của chính phủ Trung Quốc.

Cuộc phỏng vấn trên diễn ra không lâu sau khi Huawei cho biết, doanh thu của công ty có thể sẽ mất khoảng 30 tỷ USD trong năm 2019 và 2020 do lệnh cấm của Mỹ. Tuy nhiên ông Nhậm cho biết, công ty đã có giải pháp nhằm đối phó với hậu quả của lệnh cấm sau năm 2020 và sẽ trở lại mạnh mẽ hơn từ năm 2021.

Ông chủ Huawei nhận định, vị trí của công ty trên thị trường smartphone nội địa vẫn còn rất lớn. Đó là lý do khoản lỗ 30 tỷ USD không nhằm nhò gì so với doanh thu dự báo có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm 2019 này.

Vấn đề mà Nhậm Chính Phi lo ngại thực tế nằm ở doanh số bán smartphone tại thị trường quốc tế. Tại các thị trường này, Huawei sẽ bắt buộc phải có hệ điều hành Android và các dịch vụ Google đi kèm thì mới mong có thể thu hút khách hàng.

CEO Nhậm Chính Phi cho biết, hãng vẫn có thể mua được linh kiện từ các công ty Mỹ với điều kiện được chính phủ Mỹ chấp nhận hoặc họ sẽ tìm một giải pháp khác. Ông cũng đồng thời khẳng định, việc chính phủ Mỹ đơn phương cấm Huawei có thể tác động tới cả hai nước, bao gồm cả việc Google bị mất lợi nhuận.

Phát biểu trước đó trong cuộc đối thoại cùng hai chuyên gia công nghệ Mỹ, ông Nhậm Chính Phi cho rằng, xã hội loài người sẽ không thể phát triển nếu chúng ta cứ mãi áp dụng luật rừng. Thay vào đó, mọi thứ chỉ có thể phát triển khi cân bằng được lợi ích hợp tác giữa đôi bên. Câu nói trên của ông Nhậm hàm ý về việc Mỹ đang sử dụng "áp lực" để bắt nạt Huawei.

Hiện tại các đồng minh của Mỹ như Úc, New Zealand và Nhật Bản đã cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G. Trong khi đó tại Mỹ, nhiều công ty công nghệ nước này cũng đã dừng hợp tác với Huawei như Google, Microsoft, Intel, Qualcomm,…

Mặc dù vậy, hiện tại Bộ thương mại Mỹ vẫn đang gia hạn lệnh cấm tới cuối tháng 8. Thậm chí một quan chức Nhà Trắng mới đây đã kêu gọi chính phủ gia hạn lệnh cấm thêm ít nhất 2 năm để các công ty của hai bên có thời gian để thích ứng với sự thay đổi.

Mai Huyền

Chủ đề khác