VnReview
Hà Nội

Nhật Bản siết "vòng kim cô" với Hàn Quốc, Samsung, LG, SK Hynix sẽ bị ảnh hưởng

Ngay sau khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tạm lắng xuống, ngành công nghệ lại sắp chứng kiến một cuộc đấu đá mới, lần này là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Theo nhật báo Sankei Shimbun của Nhật, chính phủ đất nước mặt trời mọc có vẻ sắp ban bố lệnh hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu dùng trong ngành sản xuất màn hình và chế tạo chip cho Hàn Quốc. Căng thẳng có nguy cơ leo thang sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết các hãng Nhật, bao gồm Nippon Steel và Mitsubishi, phải trả tiền bồi thường cho các nạn nhân người Hàn Quốc bị lao động cưỡng bức trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Nhật Bản và Hàn Quốc; căng thẳngvì vấn đề lao động cưỡng bức trong chiến tranh thế giới thứ hai

Phía Nhật Bản cực lực phản đối phán quyết này, cho rằng vấn đề đã được giải quyết vào năm 1965, trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Họ nói rằng đây là một phán quyết "không thể tưởng tượng được". Theo đó, để trả đũa, chính phủ Nhật có thể ban hành hạn chế xuất khẩu với một số vật liệu trong ngành sản xuất màn hình và bán dẫn, gồm polyimide có chứa flo, chất cản quang và khí hydro florua (HF) có độ tinh khiết cao.

Vật liệu polyimide có chứa flo được dùng để chế tạo nên màn hình TV và smartphone. Còn chất cản quang (resist) và khí HF được dùng trong tiến trình bán dẫn quang khắc, sản phẩm là các con chip. Các công ty Nhật Bản nắm 90% thị trường vật liệu polyimide chứa flo và chất cản quang toàn cầu, và 70% thị trường khí HF. Nhìn chung, nếu động thái này được đưa ra sẽ gần giống như Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm cho Nhật, hay Mỹ hạn chế bán linh kiện cho Huawei.

Bên trong một nhà máy chế tạo tấm nền của Samsung Display

Các công ty Hàn Quốc chịu ảnh hưởng sẽ bao gồm Samsung, LG, SK Hynix, họ phải tìm nguồn thay thế không từ Nhật Bản. Ngành công nghiệp màn hình và bán dẫn của xứ kim chi phụ thuộc lớn vào các công ty Nhật, như vật liệu, máy móc,... nên lệnh hạn chế xuất khẩu khiến họ lo lắng và đang theo dõi sát sao tình hình. "Chúng ta cần chờ xem Nhật Bản đưa ra thông báo như thế nào. Nhưng nếu bài báo là đúng, nó sẽ tác động tiêu cực về dài hạn đối với hai ngành công nghiệp màn hình, bán dẫn" - một quan chức giấu tên cho biết.

Một người khác làm trong công ty bán dẫn nói rằng các công ty đều đã mua dự trữ trước một lượng nhất định, nhưng nó chỉ đủ duy trì trong ngắn hạn. Nếu lệnh được thực thi sẽ gây cản trở việc sản xuất và các kế hoạch mở rộng trong tương lai, nhất là với thị phần thống trị của Nhật Bản, khó có thể tìm mua nguồn cung khác thay thế hoàn toàn. Một quan chức khác cũng lo ngại không kém, vì các hãng Hàn Quốc đều phụ thuộc lớn vào nguyên liệu từ Nhật.

Và cũng theo nhật báo, không chỉ áp chế tài hạn chế xuất khẩu các vật liệu quan trọng, chính phủ Nhật còn quyết định loại Hàn Quốc ra khỏi một danh sách ưu tiên xuất khẩu. Đây là danh sách được miễn xin giấy phép khi yêu cầu xuất khẩu vật liệu công nghệ cao. Có 27 quốc gia nằm trong này gồm cả Mỹ và Anh, Hàn Quốc được đưa vào đây năm 2004. Khi bị loại, các doanh nghiệp Nhật sẽ cần phải xin phép chính phủ bất cứ khi nào muốn xuất khẩu các vật liệu quan trọng, bao gồm ba loại kể trên. Quá trình cấp phép có thể tốn đến 90 ngày.

Nhật Bản siết "vòng kim cô" với hai ngành công nghiệp có tầm quan trọng quốc gia với Hàn Quốc

Đây rõ là động thái cảnh cáo Hàn Quốc khi nhắm trực tiếp vào hai ngành công nghiệp quốc gia: màn hình và bán dẫn. Tuy nhiên, một quan chức trong ngành bán dẫn lại cho rằng chính phủ Nhật không dễ hiện thực việc này, bởi trong chiều ngược lại, các hãng Samsung, LG và SK Hynix đang mua một lượng lớn vật phẩm từ Nhật, đem đến nguồn thu lớn. Việc hạn chế xuất khẩu một mặt khiến họ lao đao vì nguồn cung sản xuất khan hiếm, nhưng mặt khác cũng tác động đến lợi ích kinh tế của các doanh nghiệp Nhật.

Hồi đầu năm, Nhật Bản đề nghị thảo luận về vấn đề lao động cưỡng bức nhưng Hàn Quốc từ chối. Tại sự kiện G20, thủ tướng hai nước đã không gặp gỡ nhau bên lề hội nghị. Cuối cùng, nhật báo cho biết vào thứ Hai, chính quyền Nhật Bản sẽ có thông báo chính thức về việc kiểm soát hoạt động xuất khẩu.

Ambitious Man

Chủ đề khác