VnReview
Hà Nội

Bạn có biết: Nhiều dịch vụ VPN hàng đầu nằm trong quyền kiểm soát của các công ty Trung Quốc

Theo một nghiên cứu của công ty bảo mật và riêng tư VPNpro, gần một phần ba (30%) các nhà cung cấp mạng riêng ảo (VPN) thuộc sở hữu bí mật của 6 công ty đến từ Trung Quốc.

Những VPN đứng top đầu đều thuộc quyền sở hữu bí mật của các công ty Trung Quốc

Nghiên cứu này chỉ ra rằng 97 VPN đứng top đầu được điều hành bởi 23 công ty mẹ, nhiều trong số đó có trụ sở đặt tại các quốc gia lỏng lẻo về luật riêng tư. Và 6 trong số những công ty này lại ở Trung Quốc và sở hữu đến 29 dịch vụ VPN khác nhau. Dù vậy, các thông tin về công ty của những dịch vụ này lại bị ẩn và người dùng khó có thể tìm thấy chúng.

Các nhà nghiên cứu tại VPNpro đã cùng ngồi lại với nhau nhằm tìm kiếm thông tin những chủ sở hữu này thông qua danh sách công ty, dữ liệu định vị vị trí địa lý, sơ yếu lý lịch của nhân viên cùng nhiều tài liệu khác.

Khi thử tìm hiểu những thông tin này, VPNpro xác định rằng có một số công ty con của những công ty mẹ này đứng tên cho các VPN khác nhau. Ví dụ, công ty Innovative Connecting đến từ Trung Quốc sở hữu 3 doanh nghiệp cung cấp ứng dụng VPN khác nhau, bao gồm Autumn Breeze 2018, Lemon Cove và All Connected. Tổng cộng, Innovative Connecting có đến 10 sản phẩm VPN chẳng có gì liên quan đến nhau.

Dù việc một công ty sở hữu nhiều dịch vụ VPN không phải là bất thường, thế nhưng, VPNpro lo ngại rằng nhiều dịch vụ này được đặt ở những đất nước có luật riêng tư lỏng lẻo hoặc thậm chí là không tồn tại.

Một ví dụ điển hình, 7 trong số những dịch vụ VPN đứng top đầu đều thuộc sở hữu của Gaditek, đặt trụ sở tại Pakistan. Tại đây, chính phủ Pakistan có thể truy cập bất kì dữ liệu nào một cách hợp pháp mà không cần giấy phép và những dữ liệu này cũng có thể bàn giao cho các tổ chức nước ngoài khác một cách tự do.

Nhóm nghiên cứu cho hay, với khả năng truy cập toàn bộ dữ liệu mà những nhà cung cấp VPN nắm giữ, chính phủ hoặc nhiều tổ chức khác có thể xác định được người dùng cũng như quá trình hoạt động trực tuyến của họ. Điều này khiến cho nhiều nhà hoạt động nhân quyền, những người ủng hộ quyền riêng tư hay các nhà báo điều tra hoặc người tố giác gặp nguy hiểm. Trong bài nghiên cứu cũng lưu ý, việc thiếu đi sự riêng tư này có thể mở rộng đến những người dùng thông thường vốn đã và đang chịu sự giám sát cực kì gắt gao từ chính phủ.

"Chúng tôi không cáo buộc bất cứ công ty nào trong số này làm điều gì bất chính. Tuy nhiên, chúng tôi lo ngại rằng rất nhiều nhà cung cấp VPN đã không minh bạch về việc công ty nào sở hữu họ và đặt trụ sở tại đâu", Laura Kornelija Inamedinova – một nhà phân tích nghiên cứu tại VPNpro – cho hay.

"Nhiều người dùng VPN sẽ sốc khi biết được rằng dữ liệu của họ trên đó có thể bị chính phủ tại một số quốc gia lấy ngang nhiên một cách hợp pháp, ví dụ như Trung Quốc và Pakistan."

"Chúng tôi khuyên mọi người tìm hiểu kĩ về VPN dự định sẽ sử dụng, bởi tất cả chúng không hoàn toàn giống nhau và nên biết lưu ý với một vài VPN có thể không đảm bảo được sự riêng tư hay bảo mật cho người dùng."

Những VPN đứng top đầu đều thuộc quyền sở hữu bí mật của các công ty Trung Quốc

Cách hoạt động của VPN

VPNpro còn xác định thêm 4 công ty nữa, bao gồm Super VPN & Free Proxy, Giga Studios, Sarah Hawken và Fifa VPN, đều cùng sở hữu 10 dịch vụ VPN và điểm đặc biệt là công ty mẹ hoàn toàn bị ẩn đi một cách cực kì kín đáo.

Hồi tháng 02/2019, hai Thượng nghị sĩ Mỹ đã đặt ra mối lo ngại về vấn đề này cùng mối đe dọa tiềm tàng đối với người dùng và các cơ quan chính phủ. Họ đã kêu gọi Bộ An ninh Nội địa Mỹ cần phải điều tra các khả năng liên quan đến việc các VPN có thể cung cấp những thông tin giá trị đến một số quốc gia đối thủ khác.

Trong bức thư, Ron Wyden thuộc Đảng Dân chủ và Marco Rubio thuộc Đảng Cộng hòa đã yêu cầu Giám đốc Cơ quan an ninh cơ sở hạ tầng và an ninh mạng (CISA) Christopher Krebs thuộc tổ chức DHS, cần phải thực hiện việc đánh giá mối đe dọa đến từ các VPN nhằm xác định mức độ rủi ro tiềm ẩn ảnh hưởng đến chính phủ Mỹ.

Theo nhóm bảo vệ tự do dân sự và riêng tư Big Brother Watch cảnh báo, các nhà cung cấp VPN có khả năng nhận diện được mọi hoạt động của người dùng trên internet, "nhưng nhiều VPN trả phí đều cho thấy rằng họ không thu thập bất kì những gì trong quá trình sử dụng của người dùng".

Big Brother Watch cũng khuyên người dùng nên tranh sử dụng các VPN miễn phí bởi chúng có thể không an toàn và có thể bị theo dõi.

"Nếu bạn muốn chắc chắn rằng các hoạt động trực tuyến của mình vẫn được bảo vệ ở chế độ riêng tư, hãy đảm bảo rằng VPN bạn chọn hoàn toàn không theo dõi quá trình trực tuyến của bạn trên internet. Không phải tất cả mọi VPN đều giống nhau. Hãy chắc rằng mình đã tìm hiểu kĩ về chúng trước khi sử dụng", Big Brother Watch cho hay.

Minh Hùng

Chủ đề khác