VnReview
Hà Nội

Cuộc chiến Nhật-Hàn đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu, Samsung nguy cơ gặp 'quả đắng'

Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang đe dọa các nhà sản xuất chip Samsung, SK Hynix, làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu, từ việc sản xuất chip nhớ đến các linh kiện quan trọng khác trong các thiết bị được sử dụng rộng rãi.

Trong khi thế giới tập trung vào cuộc chiến của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Huawei và Trung Quốc, thì một cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia láng giềng giàu có của Bắc Kinh cũng có ảnh hưởng mạnh với việc sản xuất mọi thứ từ iPhone của Apple đến máy tính xách tay của Dell. Ngành công nghiệp này hiện đang mắc kẹt trong tình thế Nhật Bản viện dẫn những căng thẳng kéo dài và chưa được giải quyết đã đưa ra những hạn chế đối với việc xuất khẩu sang Hàn Quốc ba loại vật liệu quan trọng để sản xuất chất bán dẫn và màn hình.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In (bên phải) trong một cuộc họp

Tình thế đó đặt Samsung vào trung tâm của cơn bão lửa và một lần nữa nhấn mạnh bản chất toàn cầu của việc sản xuất, liên quan tới hầu hết các thiết bị trên thế giới. Không chỉ sản xuất chip nhớ mà Samsung còn là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất.

Theo Bloomberg, Samsung đã mất khoảng 16 nghìn tỷ won (13 tỷ USD) giá trị thị trường trong tháng này, trong khi Hynix giảm 1,5 nghìn tỷ won. Hai công ty - cùng chiếm 60% công suất sản xuất chip bộ nhớ thế giới – đều từ chối bình luận.

Chưa rõ Samsung đang nắm số lượng bao nhiêu vật liệu, song theo nguồn tin nội bộ, Samsung chỉ còn lượng vật liệu trung bình chưa đủ cho 1 tháng sản xuất. Samsung và SK Hynix đang lo lắng tìm nguồn cung ứng thay thế, nhưng không tiết lộ cụ thể vì liên quan vấn đề chính trị nhạy cảm. Hai người khổng lồ Hàn Quốc đảm bảo với khách hàng họ sẽ cố gắng giảm thiểu tác động đến sản lượng, nhưng Samsung, đang chuẩn bị cắt giảm sản lượng hoặc thậm chí dừng sản xuất nếu tình hình vẫn không thay đổi.

Đó là lý do tại sao nhà lãnh đạo tập đoàn Hàn Quốc, Jay Y. Lee, đã lên máy bay đến Tokyo vào cuối tuần qua để dự cuộc họp khẩn cấp với các nhà cung cấp Nhật Bản. Chưa rõ tác động của nỗ lực đó thế nào – vì còn phụ thuộc nhiều vào việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In có thể đưa ra một thỏa hiệp hay không. Nhưng trong trường hợp xấu nhất, màn hình linh hoạt cho iPhone và các thiết bị di động khác có thể "xôi hỏng bỏng không", trong khi chip bộ nhớ trong mọi thứ từ máy tính xách tay của HP đến máy chủ của Amazon đều bị giảm sản lượng.

Căng thẳng đã tràn vào cả các phương tiện truyền thông xã hội. Người Hàn Quốc, tức giận vì động thái của Nhật Bản, đã lên Instagram và các nền tảng khác kêu gọi tẩy chay các sản phẩm tiêu dùng và du lịch Nhật Bản.

Nhật Bản đang nhắm vào bộ ba vật liệu, mà những người ngoài ngành ít biết đến, nhưng lại rất quan trọng trong sản xuất hàng điện tử. Chính phủ nói những vật liệu này cũng có các ứng dụng quân sự nhạy cảm. Trong lĩnh vực công nghệ, polyimide fluoride rất cần thiết trong sản xuất các tấm panel có thể gập lại - chẳng hạn như những tấm panel được dùng trong Samsung Galaxy Fold – và nhiều thứ khác. Trong khi đó, chất photoresist là chìa khóa trong sản xuất chip, và hydro florua cần thiết cho cả sản xuất chip và màn hình.

Tìm kiếm các sản phẩm thay thế không dễ dàng: các tập đoàn Hàn Quốc hiện phụ thuộc vào Nhật Bản với hơn 90% chất polyimide fluoride, và 44% nhu cầu hydro florua, theo ước tính của Hiệp hội Genere. Trớ trêu thay, nếu tranh chấp kéo dài, các nhà cung cấp hóa chất Nhật Bản - các công ty từ JSR Corp đến Shin-Etsu Chemical Co., cũng có thể bị ảnh hưởng.

Thị phần của các công ty Samsung, SK Hynix sụt giảm trong tháng này

"Đây có thể là một yếu tố tiêu cực đối với nền kinh tế thế giới", ông Huh Nam-Kwon, Giám đốc điều hành tại Shinyoung Asset Management Co, cho biết. "Tất cả những gì chúng ta cần làm là chờ đợi và xem tình hình diễn biến như thế nào. Chỉ cần một từ của ông Abe có thể quyết định bất cứ điều gì. Nhưng rất khó đoán".

Tác động đáng kể nhất sẽ xảy ra với các sản phẩm tiếp theo của Samsung: màn hình có thể gập lại cũng như chip có đường kính 7 nanomet. Điều đó đặt ra rủi ro cho mục tiêu đầu tư 116 tỷ USD của Samsung để trở thành số 1 trong ngành kinh doanh chip vào năm 2030. Nếu không có nguồn vật liệu của Nhật Bản, Samsung có thể gặp khó trong phát triển và sản xuất chip nhớ tiên tiến.

Các đối thủ của Samsung có thể nhân cơ hội nhảy vào lấp đầy khoảng trống. Micron Technology Inc., nhà sản xuất chip nhớ đang hưởng lợi. Hãng bán dẫn Đài Loan có thể dẫn đầu, nới rộng khoảng cách với Samsung trong sản xuất chip theo đơn đặt hàng, hớt ;các khách hàng của Samsung như Qualcomm và Nvidia.

Heungchong Kim, một nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc cho biết, cả hai phía đều phải chịu tác động từ tình hình hiện nay.

Trước mắt, các công ty lớn của Hàn Quốc chưa hẳn sẽ chuyển sang các nhà cung cấp linh kiện khác do chi phí chuyển đổi cao và thời gian xử lý chất lượng lâu dài. Tuy nhiên, nếu bị thiếu hụt nguồn nguyên liệu chính từ Nhật Bản, không thể loại trừ tổn thất các hãng Nhật Bản sẽ bị thị phần tiềm năng.

Công ty hóa chất Nhật Bản Sumitomo là nhà cung cấp chính nguồn nguyên liệu polyimide. Tuy nhiên, nhà phân tích David Hsieh của IHS Markit cho biết, ngoài Sumitomo Chemical, SKC - một chi nhánh của Tập đoàn SK khổng lồ - hay Kolon Industries là những công ty Hàn Quốc khả thi, có thể thay thế các công ty Nhật Bản.

JSR là một nhà sản xuất chất photoresist. Còn với thị trường hydrogen floruide toàn cầu, các hãng Kanto Denka Kogyo, Showa Denko KK và Daikin Industries Ltd đang thống lĩnh thị trường, theo nghiên cứu của hãng Isaiah có trụ sở tại Đài Bắc. Daikin cho biết các hạn chế sẽ không tác động đến nguồn hydrogen floruide của hãng bởi vì các vật liệu này được sản xuất tại Trung Quốc, trong khi Công ty Công nghiệp hóa chất Morita đang xây dựng một nhà máy ở đó và sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào năm tới.

"Mặc dù  nguồn nguyên liệu tồn kho có thể chưa đẩy các doanh nghiệp Hàn Quốc vào thế khó ngay, nhưng thời gian sẽ không ủng hộ họ" nhà kinh tế học Jin-Wook Kim và Johanna Chua của Citigroup cho biết. "Việc thay thế chip cũng như nguyên liệu sản xuất sẽ phá vỡ  nguồn cung ứng toàn cầu vì xây dựng các nguồn thay thế cần có công nghệ và chi phí lớn".

Hoàng Lan

Chủ đề khác