VnReview
Hà Nội

CEO Slack: Chúng tôi không sợ sự trỗi dậy của Microsoft Teams

CEO Slack so sánh bộ công cụ Microsoft Teams giống như những gì Google đã làm với dịch vụ Google+.

Microsoft cấm nhân viên sử dụng Slack, "không khuyến khích" dịch vụ đám mây Amazon và Google Docs

Tuần trước, Microsoft tiết lộ rằng bộ công cụ Microsoft Teams của hãng đã có 13 triệu người dùng, dấu mốc cho thấy ứng dụng của Microsoft đã vượt qua đối thủ chính là Slack. Mặc dù vậy, số lượng người dùng hoạt động không thể nói lên tất cả. Microsoft đã tích hợp Teams vào gói dịch vụ Office 365 của hãng cung cấp cho các doanh nghiệp, và chiến lược này đã chứng minh được tính hiệu quả của nó.

Nhà sáng lập kiêm CEO Slack, ông Stewart Butterfield hai năm trước đã "chiếm" nguyên một trang quảng cáo trên thời báo The New York Times hơn hai năm trước, với nội dung "chào mừng" đối thủ từ Microsoft và cho rằng Slack cảm thấy hơi "lo lắng" về nỗ lực của gã khổng lồ phần mềm. Và giờ đây, khi Microsoft đã bắt kịp và thậm chí còn vượt qua Slack về số lượng người dùng sử dụng, nhưng Butterfield vẫn cho biết ông không hề lo lắng về tốc độ phát triển chóng mặt của Microsoft Teams. "Nếu Teams chỉ dựa vào sự phổ biến của Office 365 để phát triển, thì tôi nghĩ đó không phải là một mối đe dọa lớn đối với chúng tôi," Butterfield phát biểu tại một hội thảo kinh doanh vào thứ hai vừa qua và được trang tin tức CNBC dẫn lại.

Butterfield đã phủ nhận nỗ lực của Microsoft và so sánh với những nỗ lực thất bại của Microsoft nhằm giúp dịch vụ tìm kiếm Bing cạnh tranh với sự thống trị của Google. "Hàng tỷ USD đã được đổ vào [công cụ tìm kiếm] đó và tôi không biết thị phần của Bing hiện tại là khoảng bao nhiêu – có lẽ là khoảng 9% hoặc đại loại như vậy," Butterfield cho hay. Thậm chí, Butterfield còn đi xa hơn bằng cách so sánh Teams với sự thất bại của Google+, bất chấp việc gã khổng lồ tìm kiếm cố gắng tích hợp mạng xã hội này vào tất cả hệ sinh thái dịch vụ của họ.

Slack tập trung vào khía cạnh tâm lý con người khi thiết kế sản phẩm của mình, để đảm bảo mọi người dùng đều thích sử dụng ứng dụng của họ. Đây là chìa khoá then chốt trong trang quảng cáo của Slack năm xưa, qua đó cảnh báo Microsoft rằng họ phải làm cho người dùng "yêu" sản phẩm của mình và "chọn một cách thức tiếp cận hoàn toàn khác để hỗ trợ và hợp tác với người dùng, từ đó giúp họ thích nghi với cách làm việc mới mà Microsoft cung cấp."

Microsoft không hoàn toàn tập trung vào khía cạnh trải nghiệm người dùng của Microsoft Teams nếu so với Slack, và bạn phải sử dụng cả hai ứng dụng trong một thời gian dài thì mới có thể nhận ra sự khác biệt. Microsoft Teams được tích hợp chặt chẽ với bộ ứng dụng văn phòng Office, công cụ gọi điện video trực tuyến Skype, cũng như các dịch vụ đám mây của Microsoft. Tuy vậy, Teams vẫn còn thua kém xa Slack về khả năng tích hợp các ứng dụng của bên thứ ba, cũng như chất lượng và sự "chuẩn chỉnh" của sản phẩm. Còn ở bên kia chiến tuyến, Slack tỏ ra yếu thế hơn về tính năng gọi điện video, do Microsoft đã tích hợp rất sâu Skype và nhờ đó, bạn có thể dễ dàng tổ chức các cuộc hội họp trực tuyến và ghi hình các buổi họp này ngay trong ứng dụng Teams.

Những khác biệt này cho thấy hai dịch vụ này tập trung vào các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau. Microsoft có rất nhiều khách hàng doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào phần mềm và dịch vụ của công ty, trong khi Slack vẫn đang loay hoay tìm cách thâm nhập vào thị trường này, bằng cách tiếp cận và thuyết phục các doanh nghiệp nhỏ, các startup sử dụng phần mềm của mình. Thách thức lớn nhất đối vơi Slack là làm thế nào để thuyết phục mọi người trả tiền để sử dụng dịch vụ của mình, còn đối với Microsoft là làm thế nào để khiến người dùng yêu thích sản phẩm của công ty. Slack hiện có hơn 88.000 khách hàng trả phí, tuy nhiên họ lại có hơn 500.000 tổ chức đang sử dụng gói miễn phí của mình.

Microsoft gần đây đã có những nỗ lực rất đáng kể nhằm thuyết phục các doanh nghiệp sử dụng Teams dưới dạng một phần của gói thuê bao Office 365. Động thái hôm thứ Hai vừa qua của hãng này là một minh chứng rất rõ nét. Microsoft tổ chức hội thảo đối tác Inspire tại Las Vegas, và trong bài thuyết trình mở đầu hội nghị, Microsoft đã đề nghị hàng nghìn người tham dự tải về ứng dụng Microsoft Teams trên thiết bị di động để đổi lấy một cốc cà phê Starbucks miễn phí. Microsoft trước đó đã khiến cho nhiều đối tác tức giận khi thay đổi các điều khoản cấp phép phần mềm; và ngay sau đó hãng đã thu hồi quyết định, đồng thời mời các đại biểu một cốc cà phê Starbucks "Microsoft Inspire Cloud Macchiato" miễn phí thay cho lời xin lỗi.

Những báo cáo gần đây cũng cho thấy đội ngũ bán hàng của Microsoft đang tập trung thuyết phục người dùng sử dụng Teams trong năm tới. Điều này có nghĩa rằng sự cạnh tranh giữa dịch vụ của Microsoft và Slack sẽ trở nên gay gắt trong tương lai không xa.

Microsoft hiện đã vượt qua Slack về số lượng người dùng, tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc người dùng sẽ cảm thấy thoải mái và thích thú với Teams hơn, hoặc họ sẽ sử dụng ứng dụng này từng ngày, từng giờ. Microsoft đã phạm sai lầm khi bỏ qua các doanh nghiệp nhỏ chưa có điều kiện sử dụng Office 365 ngay từ đầu, và phải đến năm ngoái, hãng mới sửa sai bằng việc tung ra một phiên bản miễn phí của dịch vụ này.

Chìa khoá của Microsoft Teams ở thời điểm hiện tại là làm thế nào để thu hút những cộng đồng người dùng (cả mới và cũ) của chính họ sử dụng dịch vụ này, thay vì chỉ tập trung vào đối tượng khách hàng đang sử dụng bộ công cụ văn phòng Microsoft Office. Nếu không, Slack sẽ tiếp tục len lỏi và chiếm lĩnh "thế hệ" người dùng tiếp theo, những người không sinh ra trong thời đại của Microsoft và không biết đến những dịch vụ cốt lõi của gã khổng lồ xứ Redmond. Những người dùng ấy sẽ cảm thấy hài lòng với việc sử dụng bộ công cụ G Suite của Google cùng với Slack để xây dựng môi trường kinh doanh kỹ thuật số thế hệ tiếp theo.

Quang Huy

Chủ đề khác