VnReview
Hà Nội

Apple đang làm mọi cách để tránh thông tin về iPhone 12 bị rò rỉ

Trước nguy cơ rò rỉ thông tin sản phẩm đang ngày càng phức tạp và tinh vi, Apple đang làm hết sức để tránh nguy cơ rò rỉ thiết kế iPhone 2020, model iPhone đáng chờ đợi nhất với việc hỗ trợ 5G và thay đổi ngoại hình.

Theo The Information, Apple đã sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến bảo vệ thông tin cho iPhone 2020. Để làm được điều này, Apple đã đưa ra nhiều biện pháp siết chặt hơn các đối tác cung ứng linh kiện và đơn vị lắp ráp sản phẩm.

Mặc dù các sản phẩm của Apple luôn dễ bị rò rỉ nhưng mức độ nghiêm trọng đã giảm dần từ cách đây 6 năm trước. Đó là vào mùa hè năm 2013, chỉ vài tháng trước khi Apple cho ra mắt iPhone 5c, hàng ngàn vỏ điện thoại iPhone 5c đã bị một nhân viên Trung Quốc đánh cắp và tuồn ra ngoài.

Người giúp đỡ cho nhân viên này đánh cắp số vỏ điện thoại trên là một nhân viên bảo vệ của nhà máy lắp ráp iPhone. Đây cũng là vụ rò rỉ tồi tệ nhất của Apple vì hình ảnh chiếc iPhone 5c bị rò rỉ quá sớm đã phá hỏng buổi ra mắt iPhone mới vào năm đó, bởi Apple muốn màn ra mắt iPhone 5c phải đầy bất ngờ.

Vụ việc đã buộc Apple phải mua lại 19 ngàn vỏ iPhone 5c bị đánh cắp để tránh những nguy cơ rò rỉ sau đó. Tuy nhiên chỉ với những nỗ lực đó là chưa đủ khi nhiều bộ phận và thiết kế của iPhone đã bị rò rỉ trên mạng.

Sự ra đời của nhóm bảo mật và nỗ lực ngăn chặn rò rỉ thông tin sản phẩm của Apple

Nhận thức được sự việc ngày càng nghiêm trọng, Apple sau đó đã thành lập một đội chuyên trách có nhiệm vụ bảo vệ thông tin cho sản phẩm mới. Đội này có tên New Product Security (Nhóm bảo mật sản phẩm mới) hay NPS. Nhóm với thành viên chủ yếu là các cựu quân nhân và tình báo Mỹ, chuyên giám sát an ninh tại các nhà cung cấp trên toàn cầu của Apple nhằm ngăn chặn các rò rỉ từ trong trứng nước.

Thành công từ sự ra đời của nhóm NPS đã giúp ích rất nhiều cho Apple. Vào năm 2014, Apple tiết lộ có 387 vỏ iPhone bị đánh cắp nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 57 vỏ vào năm 2015 và sau đó chỉ còn 4 vào năm 2016.

Những bộ phận quan trọng hay hình ảnh thiết kế iPhone mới sau khi bị đánh cắp sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Đầu tiên người đánh cắp chúng có thể đăng ảnh và chia sẻ lên mạng để nổi tiếng hoặc họ có thể bán cho các nhà sản xuất phụ kiện để họ nhanh chóng làm hàng mẫu và bán ra thị trường. Bên cạnh đó, nhân viên có thể bán cho các hãng smartphone trong nước để làm nhái hoặc các cửa hàng sửa chữa iPhone để chuẩn bị trước linh kiện. Đó là lý do tại sao các hãng smartphone Trung Quốc thường ra mắt iPhone nhái sớm hơn cả khi Apple ra mắt sản phẩm mới.

Đội ngũ NPS đã phát hiện ra rất nhiều hình thức tuồn bộ phận và thiết kế của iPhone của các nhân viên nhà máy tại Trung Quốc. Các nhân viên nhà máy thường giấu các bộ phận, linh kiện quan trọng vào vùng kín, thậm chí trong cả chai nhựa đã dùng, hộp giấy ăn,… và không thể không kể đến trường hợp nhân viên đào cả đường hầm nhỏ để tuồn ra ngoài dễ dàng hơn.

Ngoài ra các hãng chuyên phá hủy nguyên mẫu và bộ phận hỏng của Apple, ví dụ như Tes-Amm (Singapore) cũng là một nguồn rò rỉ quan trọng. Ngay cả đến giai đoạn đóng gói và xuất xưởng cũng có thể bị rò rỉ nếu như nhân viên chụp được sách hướng dẫn sử dụng hay hình ảnh sản phẩm lúc đóng hộp.

Nhưng… các hình thức rò rỉ mới ngày càng tinh vi hơn

Tuy nhiên tất cả các hình thức rò rỉ này đang dần bị lỗi thời do đội NPS của Apple đã ngăn chặn kịp thời. Những năm gần đây nổi lên các vụ rò rỉ trực tuyến nhiều hơn. Đó là các bản vẽ CAD hay ảnh chụp các bộ phận bị rò rỉ sớm. Đây đều là những rò rỉ rất nguy hiểm vì nó sẽ làm lộ thiết kế và cấu hình của iPhone.

Ảnh rò rỉ được cho là iPhone 11

Ví dụ mới nhất, đó là sau khi iPhone XS được phát hành và 8 tháng trước sự kiện ra mắt iPhone mới của Apple, leaker nổi tiếng Steve Hemmerstoffer cho biết đã nắm trong tay các file giới thiệu iPhone 11 và nguyên mẫu ban đầu. Mặc dù thiết kế cuối cùng của iPhone 11 vẫn chưa được xác nhận nhưng có lẽ đây là một rò rỉ lớn nhất và sớm nhất của Apple.

Trước sự việc này, Apple đang huy động nhiều nguồn lực để ngăn chặn rò rỉ trên môi trường mạng. Một đội ngũ tại trụ sở chính sẽ đóng vai trò đưa ra các hướng dẫn cho các nhà cung cấp về việc bảo mật thông tin sản phẩm.

Ví dụ, các đối tác phải sử dụng các mạng máy tính riêng biệt, ngoài ra các file CAD cần phải được đóng dấu watermark và phủ một lớp màu đặc biệt có tên colorbar để ngăn chặn nhân viên chụp ảnh sao chép. Ngoài ra, Apple cũng cấm các đối tác không sử dụng các dịch vụ email công cộng và dịch vụ đám mây của bên thứ ba như Google Enterprise hay Dropbox.

Đối tác nào làm sai sẽ bị phạt nặng

Bất kỳ đối tác nào làm rò rỉ thông tin về iPhone sẽ bị phạt khoản tiền 25 triệu USD và trả mọi chi phí cho cuộc điều tra. Việc siết chặt hơn dây chuyền sản xuất buộc các đối tác phải lắp đặt các thiết bị an ninh nghiêm ngặt hơn nhu camera an ninh, công nghệ quét khuôn mặt và bổ sung thêm nhân viên bảo vệ.

Ảnh minh họa

Foxconn là một trong những đối tác lớn nhất của Apple, chuyên sản xuất linh kiện và lắp ráp iPhone cho hãng, nhưng đây cũng là một trong những hãng thường xuyên làm rò rỉ thông tin iPhone mới. Tuy nhiên, Apple dường như khó có thể phạt hoặc làm khó công ty này vì đây là đối tác vô cùng quan trọng, không thể thiếu của Apple.

Ngoài ra, Apple cũng không muốn kiện cáo các nhân viên để lộ thông tin vì lo ngại sẽ phả cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm bị đánh cắp cho các nhà chức trách địa phương. Do đó, đa số trường hợp Apple đều chỉ giải quyết nội bộ.

Cho đến nay, chúng ta mới chỉ biết một số tin đồn về iPhone 2020 và chưa biết hình hài, thiết kế của nó như thế nào. Hy vọng rằng, Apple lần này sẽ giữ được bí mật đến phút chót để đem tới sự bất ngờ cho người dùng và giới công nghệ.

Mai Huyền

Chủ đề khác