VnReview
Hà Nội

Apple phủ nhận cáo buộc thao túng kết quả tìm kiếm trên App Store

Mới đây, tờ Wall Street Journal;bày tỏ nghi vấn liệu Apple có can thiệp vào kết quả tìm kiếm trên App Store hay không khi các ứng dụng của Apple luôn chiếm vị trí cao hơn so với các ứng dụng cùng loại. Nhưng Apple ngay lập tức phủ nhận nghi vấn ấy.

Theo The Verge, Apple khẳng định không hề "thiên vị" các ứng dụng của mình trong kết quả tìm kiếm trên App Store, qua đó phủ nhận các cáo buộc của WSJ cho rằng một số ứng dụng của Apple dù ít phổ biến nhưng lại được xếp hạng cao hơn các ứng dụng có chất lượng tốt từ đối thủ.

WSJ nhận thấy các ứng dụng của Apple luôn đứng top kết quả tìm kiếm trong 60% danh mục ứng dụng trên App Store. Chúng bao gồm sách hay bản đồ, những dịch vụ ít phổ biến hơn so với các ứng dụng đến từ Amazon, Google.

Chẳng hạn như Apple Books, mặc dù không được nhiều đánh giá năm sao, lượt tải ít nhưng lại được top 1 khi tra từ khóa "books" (sách) trên App Store Mỹ. Được biết, thứ hạng có thể thay đổi theo từng quốc gia, nhưng chủ yếu, các ứng dụng của Apple thường xuyên giữ vị trí số một ở Anh Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế, ứng dụng Apple Books chỉ đứng thứ 168 trong danh mục các ứng dụng phổ biến nhất.

Amazon Kindle, ứng dụng được đánh giá đến 4,8 sao với 1,2 triệu lượt đánh giá nhưng lại bị xếp sau Apple Books trong kết quả tìm kiếm trên App Store và giữ vị trí số 2, trong khi đây lại là ứng dụng phổ biến về sách đứng thứ ba trên toàn thế giới.

Và điều tương tự cũng xảy ra đối với danh mục bản đồ, khi mà ứng dụng của Apple có kết quả tìm kiếm cao hơn Google Maps và Waze, hai ứng dụng lần lượt giữ vị trí thứ nhất và thứ hai trong danh mục (lịch và máy tính không ngoại lệ).

Trong quá khứ, Apple đã từng cảnh báo về việc sẽ loại bỏ tất cả ứng dụng được đánh giá dưới hai sao, nhưng cựu lãnh đạo đội đánh giá trên App Store trả lời với WSJ rằng nhóm nghiên cứu của ông đã phải đề xuất gỡ bỏ điều luật vào năm 2015. Bởi nó có thể giết chết ứng dụng Podcasts khi vào thời điểm đó, ứng dụng chỉ được đánh giá dưới hai sao… Từ đó trở đi, mọi ứng dụng từ Apple đều bị gỡ khả năng xếp hạng kèm theo.

Apple phủ nhận việc thao túng xếp hạng tìm kiếm như The Verge đã nêu trên, nói rằng họ đã sử dụng cả dữ liệu tìm kiếm theo tên và dữ liệu hành vi người dùng trong số hàng tá các yếu tố khác để đưa ra kết quả tìm kiếm. Táo khuyết cho biết có tổng cộng 42 yếu tố cần xem xét để có thể sắp xếp kết quả tìm kiếm, nhưng lại không công khai các tiêu chí xếp hạng ấy nhằm đề phòng sự thao túng kết quả tìm kiếm từ các nhà phát triển ứng dụng khác.

Apple tuyên bố: "Khách hàng luôn quan hệ mật thiết với các sản phẩm của chúng tôi, nhiều người trong số họ sử dụng công cụ tìm kiếm như một cách để tìm và mở ứng dụng. Đó là lý do khiến Apple có thứ hạng cao trong danh mục tìm kiếm, tương tự như Uber, Microsoft và rất nhiều ứng dụng khác thường xuyên được xếp thứ hạng cao".

Có thể Apple không nói dối bởi phần lớn người dùng sử dụng Spotlight trên iOS  để mở các ứng dụng đã tải xuống, từ đó khiến cho các ứng dụng của họ hiển thị nhiều hơn trong thư mục tìm kiếm. Vì vậy, việc tìm kiếm ứng dụng Google Maps chỉ bằng từ khóa "maps" (bản đồ) có thể vô tình biến Apple Maps trở thành ứng dụng được xếp hạng hàng đầu về kết quả tìm kiếm trên App Store.

Trong bối cảnh chiến dịch chống độc quyền đang leo thang ở cả Châu Âu và Mĩ, Apple hiện đang đối mặt với sự giám sát chặt chẽ về hoạt động của App Store. Trong số các hành vi, việc can thiệp xếp hạng tìm kiếm và tự quảng cáo cho công ty mình là lỗi mà các nhà chức trách thường dễ tìm ra nhất.

Còn nhớ trước đó, vào những năm 90, Microsoft đã bị cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền khi cài mặc định trình duyệt Internet Explorer trên hệ điều hành Window, hay vụ việc sử dụng kết quả tìm kiếm để thúc đẩy phát triển các dịch vụ riêng đã khiến Google bị EU phạt hàng tỷ đô la vào năm 2017 vì hành vi độc quyền.

Apple tuyên bố họ không vi phạm chống độc quyền vì thị phần iOS chiếm khá nhỏ so với hệ điều hành Android của Google. Tuy nhiên, có một số lý do khiến công ty rơi nằm vào tầm ngắm của các nhà quản lý hệ thống pháp lý. Vào tháng 5, Tòa án Tối cao Mỹ cho biết Apple có thể bị kiện bởi người dùng, mở màn cho các vụ kiện tập thể liên quan đến App Store từ người dùng thay vì chỉ có lập trình viên như trước. Hai nhà phát triển cũng đã đệ đơn kiện Apple, cáo buộc lợi dụng thế độc quyền của App Store để lấy "hoa hồng" 30% cho mỗi giao dịch và hạn chế phân phối ứng dụng bên ngoài App Store.

Bên cạnh đó, Apple cũng gây không ít tranh cãi trong việc xử lý các ứng dụng cạnh tranh với dịch vụ của riêng mình trong những năm qua. Sau khi ban bố lệnh cấm một số ứng dụng có khả năng kiểm soát thời lượng sử dụng từ phụ huynh vào đầu năm nay, Táo khuyết đã bị cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của người dùng bằng cách truy cập một số công cụ dành cho nhà phát triển. Tuy nhiên, sau khi loại bỏ các đối thủ cạnh tranh để quảng bá cho tính năng Screen Time của mình, Apple đã bắt đầu khôi phục lại một số ứng dụng kiểm soát cho phụ huynh mà họ đã cấm.

Chưa dừng lại ở đó, Spotify cũng đã đệ đơn đề nghị EU vào cuộc điều tra về việc Apple cắt giảm 30% giao dịch mua hàng trong ứng dụng, và tuyên bố điều này sẽ mang lại cho Apple Music một lợi thế về giá. Khi đó, Spotify buộc phải nâng mức giá ưu đãi của mình lên cao để bù đắp cho những gì mà Apple đã cắt giảm. Trong khi các hãng dịch vụ khác như Amazon hay Netflix trên iOS đều đã ngừng cho phép người dùng thanh toán ngay bên trong ứng dụng để tránh việc chia lợi nhuận giao dịch với Apple.  

Những tranh cãi trên có thể sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến phương thức quản lý mà Apple đang áp dụng trên App Store hiện nay, cũng như làm sao để đảm bảo tính minh bạch trên bảng xếp hạng kết quả tìm kiếm trong thời gian tới. Hiện tại, Táo khuyết đang kiểm soát hoàn toàn hệ sinh thái ứng dụng iOS, nhưng tất cả sẽ thay đổi nếu bị phát hiện có bất kỳ hành vi thiên vị nào chống lại sự bình đẳng chung.

Thái Âu

Chủ đề khác