VnReview
Hà Nội

Hàng hóa bán trong nước đạt tiêu chí gì mới được gọi là 'Made in Vietnam'?

Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư về tiêu chí dán mác 'Made in Vietnam' cho hàng sản xuất trong nước và lưu thông nội địa.

Dự thảo thông tư này được xây dựng chủ yếu từ các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang có dành cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm có xuất xứ thuần túy hoặc sản xuất toàn bộ ở Việt Nam như cây trồng, động vật sống, khoáng sản... thì được coi là 'Made in Vietnam'.

Đối với hàng hóa không có xuất xứ thuần túy hoặc không sản xuất toàn bộ ở Việt Nam thì sẽ có cách đánh giá phức tạp hơn. Khi đó, hàng hóa sẽ phải trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng ở Việt Nam và đảm bảo các tiêu chí; là 'hàm lượng giá trị gia tăng' hoặc 'chuyển đổi mã số hàng hóa' thì mới là hàng 'Made in Vietnam'.

Trong đó, tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng được xác định theo 2 công thức trực tiếp và gián tiếp. Với cách trực tiếp, nếu hàng hóa có giá trị nguyên liệu đầu vào xuất xứ ở Việt Nam chiếm 30% giá xuất xưởng thì được coi là hàng  'Made in Vietnam'. Ở cách gián tiếp, nếu trị giá xuất xưởng trừ đi trị giá nguyên liệu đầu vào không có xuất xứ Vietnam chiếm khoảng 30% giá trị xuất xưởng thì hàng hóa đó cũng được coi là 'Made in Vietnam'.

Tuy nhiên, kể cả khi đạt được yêu cầu về tiêu chí hàm lượng giá trị gia tăng nhưng không vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản thì hàng hóa cũng không được coi là 'Made in Vietnam'. Cụ thể hơn, nếu sản phẩm không cần sử dụng các kỹ năng đặc biệt, máy móc, dây chuyền hoặc thiết bị chuyên dụng để sản xuất thì sẽ không vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản.

Ở một trường hợp khác để được coi là hàng 'Made in Vietnam' thì hàng hóa cũng phải vượt qua tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa. Tiêu chí này cho phép doanh nghiệp sử dụng 100% nguyên liệu nhập khẩu hoặc không xác định được xuất xứ trong quá trình sản xuất, miễn là quy trình sản xuất vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản.

Dự thảo Thông tư của Bộ công thương cũng quy định hàng tạm nhập xuất khẩu, hàng quá cảnh Việt Nam không được coi là hàng 'Made in Vietnam'.

Theo các quy định hiện hành, các doanh nghiệp sẽ tự chịu trách nhiệm về việc ghi xuất xứ, dựa trên những biểu hiện tốt nhất của hàng hóa, miễn là phải trung thực. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp tự nguyện ghi xuất xứ hàng hóa khi chưa có quy định về hàng 'Made in vietnam' tiêu thụ nội địa khiến một số đơn vị nhầm lẫn hoặc gian lận.

T.T

Chủ đề khác