VnReview
Hà Nội

Apple – Trung Quốc thân đến mức “môi hở răng lạnh”

Dù vĩ đại đến đâu, tầm nhìn của Steve Jobs vẫn không thể thành hiện thực nếu không có Trung Quốc. Cho đến nay, “cặp đôi” này vẫn đang song hành trong cả khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

“Thiết kế bởi Apple ở California, lắp ráp ở Trung Quốc”. Từ lâu, câu chỉ dẫn nhãn hiệu này đã nằm chễm chệ trên lớp vỏ đen bóng loáng của mỗi chiếc iPhone như một lời khẳng định: sự tăng trưởng mạnh mẽ của Apple trong hơn một thập niên qua có ý nghĩa quan trọng như thế nào với nước Mỹ thì với Trung Quốc ;cũng tương tự.

Một cửa hàng Apple mới khai trương ở Thượng Hải

Người dân Trung Quốc đứng xem quang cảnh một cửa hàng Apple mới khai trương ở Thượng Hải

 

Nếu như toàn bộ ý tưởng thiết kế, cải tiến hay phát triển sản phẩm đều được thực hiện ở Cupertino, California, cơ quan đầu não của Apple, thì ngay sau đó chúng sẽ được hiện thực hóa thành các sản phẩm hữu hình tại nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến (Trung Quốc) một nhà máy có quy mô như một thành phố lớn với số lượng nhân công gấp đôi dân số của thủ đô Washington D.C.

Theo các con số mới nhất do Apple công bố, số lượng iPhone bán ra trên toàn cầu đã đạt gần 130 triệu sau bốn năm tung hoành trên thị trường. Dù chỉ mới xuất hiện từ tháng Tư năm ngoái nhưng iPad cũng kịp gây ấn tượng mạnh với 29 triệu máy.

Đó là chưa kể 5 - 6 triệu chiếc iPhone 5 sẽ được giao trong tháng này trong tổng số hơn 22 triệu chiếc theo kế hoạch sản xuất của quý cuối năm.

Điều đáng ghi nhận là cấu hình các đời máy iPhone không ngừng được nâng cấp, cải tiến trong bốn năm qua, nhưng giá bán lại liên tục giảm mà lợi nhuận của Apple không ngừng gia tăng.

Đây là một thành tích thật sự đáng nể, nhưng Apple sẽ khó lòng đạt được nếu không có sự đóng góp quan trọng của Trung Quốc trong khâu sản xuất và điều chỉnh giá sản phẩm theo tiêu chí “chất lượng Mỹ, giá Trung Quốc”.

Có thể vế “tiêu thụ ở Trung Quốc” không cần phải xuất hiện trên chỉ dẫn của Apple nhưng đối với Ban lãnh đạo Apple, Trung Quốc đang từng bước trở thành thị trường quan trọng bậc nhất của Apple.

Trong 12 tháng trở lại đây, doanh thu toàn cầu của Apple đạt hơn 100,3 tỷ USD, trong đó phần đóng góp của Trung Quốc vào khoảng 8,8 tỷ USD, tương đương gần 9%.

Dù xét về giá trị phần trăm, đây là một con số khiêm tốn, nhưng nếu xét trên tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, con số tăng trưởng 600% của thị trường Trung Quốc khiến không ít người ngỡ ngàng.

Bên cạnh đó, thị trường smartphone Trung Quốc hiện có hơn 116 triệu thuê bao, gấp hơn 2,5 lần thị trường Mỹ, nhưng thị phần của Apple tại thị trường này mới chỉ đạt 9,3%.

Nếu biết rằng tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, trong 5 năm qua của Apple lần lượt là 727% và 2.991%, thì dựa vào những con số thuyết phục này có thể tin tưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục là một thị trường trọng điểm trong chiến lược phát triển của Apple.

Dù cửa hàng chính thức đầu tiên của Apple đã xuất hiện ở Bắc Kinh từ tháng 7/2008, nhưng mãi đến tháng 7/2010 Apple mới thật sự có những bước đầu tư mạnh mẽ cho thị trường này. Ngày 10/7/2010, cư dân Thượng Hải hào hứng chào đón cửa hàng Apple đầu tiên của thành phố, bước đầu tiên trong kế hoạch mở thêm hai cửa hàng nữa tại Thượng Hải và 25 cửa hàng khác trên khắp lãnh thổ Trung Quốc hoàn thành vào cuối năm 2012.

Tỏ ra chậm chân hơn các đối thủ trong việc thâm nhập thị trường này, nhưng có lẽ Apple không cần quá lo lắng bởi các sản phẩm như iPhone, iPad có sức hút vô cùng mạnh mẽ đối với người dân Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày, mỗi cửa hàng Apple ở Trung Quốc đón tiếp hơn 40.000 lượt khách tham quan và mua sắm, gấp hơn 4 lần con số ở Mỹ.

Thậm chí nhu cầu sở hữu sản phẩm của Apple ở Trung Quốc cao đến mức người ta làm giả cả... một cửa hàng Apple, hay xây dựng những đội quân buôn iPad 2 từ Hồng Kông, nơi sản phẩm được bán với giá 499 USD, rẻ hơn 73 USD so với giá bán ở Trung Quốc đại lục.

Tháng Sáu vừa qua, đương kim CEO Tim Cook của Apple trong chuyến viếng thăm Trung Quốc với tư cách COO của Apple tại thời điểm đó đã dừng chân ở văn phòng của China Unicom và China Mobile, hai hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc với tổng thuê bao tương ứng là 200 triệu và 800 triệu. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, China Mobile sẽ thành nhà phân phối iPhone của Apple trong 12 tháng tới.

Thị trường Trung Quốc vẫn còn tiềm năng phát triển khổng lồ, hứa hẹn sẽ trở thành thị trường lớn thứ hai của Apple sau “sân nhà” Mỹ và chỉ trong tương lai gần.

Một khi thế hệ người tiêu dùng trẻ ở Trung Quốc như Jessi Cui còn trung thành với sản phẩm của Apple và sẵn sàng sưu tập trọn bộ Macbook, iPod, iPhone và iPad bởi “tôi muốn sử dụng sản phẩm khác biệt với những gì hầu hết mọi người sử dụng” như Jessi chia sẻ, thì tương lai của mối lương duyên Apple - Trung Quốc vẫn tiếp tục nồng thắm.

Theo Doanh nhân SG

Chủ đề khác