VnReview
Hà Nội

Đại gia công nghệ tìm đến Việt Nam: Thấp thỏm sân nhà

Khi Việt Nam chưa chuẩn bị được sân nhà, các đại gia công nghệ sẽ vận động các doanh nghiệp phụ trợ của nước ngoài vào làm.

Nhiều yếu kém

Khi Mỹ tuyên bố áp hàng rào thuế quan lên các sản phẩm và hàng hóa Trung Quốc, nhiều công ty công nghệ lớn như Apple, Foxconn... đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh những kỳ vọng, không ít ý kiến lo lắng về việc Việt Nam có gì và chuẩn bị được gì để đón các đại gia công nghệ nói trên.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) thừa nhận, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp Trung Quốc cả về máy móc, thiết bị, công nghệ và trình độ.

Lý do là Việt Nam đi sau Trung Quốc, công nghệ lạc hậu hơn, chính sách quản lý nhà nước chưa rõ rệt.;Có những lĩnh vực được Nhà nước ưu đãi, song ưu đãi ấy đôi khi chưa giúp cho doanh nghiệp phát triển; một số lĩnh vực khác vẫn còn bị cản trở nhiều và các khảo sát về môi trường kinh doanh đã phản ánh rõ điều này.

Trong cuộc đua tranh này, Việt Nam muốn vượt lên thì phải thay đổi. Nhiều ý kiến muốn Việt Nam tìm một con đường đi tắt đón đầu giống như một số quốc gia đã làm và nhảy vọt được như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Việt Nam từ đổi mới đến nay dù đã có nhiều thay đổi nhưng chưa có được một chính sách hoàn chỉnh để bảo đảm có thể đuổi kịp và vượt lên được.

"Ý tưởng nhiều và hay nhưng chính sách lại thiếu rõ ràng. Trong quá trình đổi mới chúng ta mở ra nhiều môi trường cho các doanh nghiệp tự chủ, tự vận động tiến lên nhưng sự mở ấy chỉ đủ để doanh nghiệp không bị trói chứ chưa đủ độ để doanh nghiệp có thể vỗ cánh bay lên.

Điều nguy hiểm hơn là công tác quản lý lỏng lẻo, một bộ phận cán bộ, công chức suy thoái, lợi dụng chính sách nửa vời, biết được sự háo hức muốn làm ăn của doanh nghiệp để chặt chém, kiếm chác... khiến doanh nghiệp khó có thể làm đúng", nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại chỉ rõ.

Chuyên gia lo ngại Việt Nam chưa kịp chuẩn bị sân nhà để đón các nhà đầu tư công nghệ lớn của thế giới. Ảnh minh họa

Về phía doanh nghiệp, khi cơ chế được mở ra, không ít doanh nghiệp say sưa kiếm tiền bằng mọi cách, kể cả cách làm gian dối, phạm pháp... Theo vị chuyên gia, đó là sai lầm của doanh nghiệp, họ không hiểu rằng kinh doanh là một sự nghiệp, sự nghiệp ấy không chỉ là một đời mà còn kéo dài nhiều đời sau.

Do đó, doanh nghiệp phải hình thành được tư chất của một nhà doanh nghiệp để kinh doanh, phải xác định kinh doanh là phục vụ đồng bào, người tiêu dùng, phục vụ tốt người tiêu dùng thì doanh nghiệp mới có thu nhập và phát triển. Sai lầm của doanh nghiệp là sai lầm cơ bản, do yếu kém, tham lam trước mắt, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nhận xét.

Việc cần làm lúc này, theo ông, là phải sửa được những nhược điểm trên: sửa chính sách, làm cho bộ máy tinh gọn, bản thân doanh nghiệp phải lấy kinh doanh làm sự nghiệp mà tận tâm tận lực với nó, phục vụ người tiêu dùng là chính, khi làm tốt, tự nhiên doanh nghiệp sẽ phát triển.

Xu hướng li ti hóa của FDI và nỗi lo doanh nghiệp Việt bị 'hất cẳng' trên sân nhà

Lo lắng trước sự yếu kém của doanh nghiệp Việt khi nhiều công ty công nghệ lớn đang tìm đến Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, khi doanh nghiệp yếu kém và không cạnh tranh được vì sức yếu thì phải tìm đường đi sáng tạo hơn, đặc thù hơn, lấy yêu cầu của thị trường, của khách hàng làm chính.

Làm được điều đó, doanh nghiệp vẫn tạo ra được sản phẩm ưu việt, chất lượng, mang đặc thù riêng, từ đó làm cho uy tín doanh nghiệp tăng lên.

Khi doanh nghiệp Việt không thể tìm lối đi riêng, sáng tạo của mình, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại lo ngại, đến lúc ấy Việt Nam, cụ thể là các nhà đầu tư lớn nước ngoài tại Việt Nam buộc phải quay sang thu hút FDI ngành công nghiệp phụ trợ.

"Nghiên cứu của VCCI đã chỉ rõ, FDI vào Việt Nam có xu hướng ngày càng nhỏ li ti về vốn đầu tư và quy mô lao động. Nhiều doanh nghiệp FDI nhỏ vào Việt Nam chỉ để làm vệ tinh - nhà cung cấp cho các dự án FDI lớn hơn. Những doanh nghiệp FDI như vậy có thể sẽ lấn át các nhà cung cấp trong nước, cản trở khu vực tư nhân nội địa hòa nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. 

Chẳng hạn, Samsung, Intel vào Việt Nam nhưng chúng ta chưa chuẩn bị được sân nhà, chưa có được doanh nghiệp làm được linh kiện, phụ tùng, đáp ứng yêu cầu của các nhà kinh doanh lớn nói trên.

Ban đầu có thể ta không có, nhưng 5-10 năm sau ta vẫn không có thì lúc ấy buộc Samsung, Intel phải đi vận động những doanh nghiệp phụ trợ nhỏ lẻ nước ngoài vào làm ở Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI nhỏ này được cam kết tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ đầu tư, tội gì họ không làm.

Nhưng đó là mối nguy cho doanh nghiệp Việt khi bị cạnh tranh, thậm chí bị "hất cẳng" ngay trên sân nhà, cuối cùng Việt Nam chỉ là nơi nhà đầu tư ngoại mượn xuất xứ để bán hàng", PGS.TS Nguyễn Văn Nam cảnh báo.

Vị chuyên gia thẳng thắn: chính sự yếu kém của ta đã tạo ra sân chơi cho doanh nghiệp nhỏ lẻ nước ngoài nhảy vào. Ông cho rằng, lâu nay các cơ quan quản lý mới chỉ lo mở chính sách lớn, ký FTA với các nước mà không chuẩn bị chu đáo cho doanh nghiệp trong nước.

"FTA mở ra nhiều cơ hội, nhưng chúng ta phải tranh thủ làm thế nào, nếu doanh nghiệp không biết làm thì Nhà nước phải dạy, không đủ lực thì Nhà nước hỗ trợ thêm lực. Nhưng bởi ta mới chỉ chăm lo mở chính sách lớn, mà quên rằng ưu đãi có được từ những FTA mà ta ký kết cũng sẽ bằng 0 khi doanh nghiệp trong nước không đủ khả năng làm để hưởng những ưu đãi đó. Cuối cùng xảy ra tình trạng nhập nhèm, nhập hàng Trung Quốc vào dán xuất xứ Việt Nam rồi xuất khẩu hộ Trung Quốc.

Bản thân các doanh nghiệp lớn của nước ngoài rất cần doanh nghiệp phụ trợ trong nước, nhưng doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam mãi không lớn được nên họ phải mời doanh nghiệp phụ trợ nước ngoài vào. Chúng ta chẳng được gì ngoài con số xuất khẩu để báo cáo thành tích, trong khi nền kinh tế "rỗng ruột" - bên ngoài là của ta, nhưng trong là hàng của FDI", PGS.TS Nguyễn Văn Nam trăn trở.

Theo Báo Đất Việt

Chủ đề khác