VnReview
Hà Nội

1/3 điện thoại Galaxy năm sau sẽ không do Samsung thiết kế và sản xuất

Để cạnh tranh với các hãng Trung Quốc, Samsung đang tính đến phương án tăng tỉ lệ thuê ngoài. Hãng đã bắt đầu chuyển sang hình thức đó từ cuối năm ngoái và có thể sang 2020 sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa.

Kế hoạch của công ty Hàn Quốc là phát hành khoảng 100 triệu smartphone ra thị trường năm sau, thông qua hình thức ODM (Original Development Manufacturing). Hầu hết chúng sẽ có giá dưới 200 USD, tức ngang dòng Galaxy J đã bị khai tử. Mỗi năm, Samsung đưa ra thị trường 300 triệu smartphone, với mục tiêu 100 triệu thì lượng sản phẩm thuê ngoài chiếm sẽ khoảng 30% doanh số hàng năm của hãng.

Với hình thức ODM, Samsung cắt giảm được nhiều thời gian và công sức phát triển sản phẩm. Họ sẽ đưa ra các yêu cầu cấu hình kỹ thuật và sau đó chỉ việc duyệt, in logo lên sản phẩm mới. Đối tác nhận đặt hàng sản xuất sẽ làm nốt các công việc còn lại. Đây là hình thức rất được các hãng Trung Quốc ưa chuộng vì giảm nhiều chi phí, giúp hạ giá bán. Samsung đã học hỏi theo cách thức này và xem việc ủy thác là một trong những chìa khóa để cạnh tranh lại chính các đối thủ đến từ đại lục.

Áp lực từ các hãng Trung Quốc như Xiaomi, Huawei khiến Samsung ngày càng lệ thuộc vào hình thức ODM

Một nguồn tin thân cận với Samsung nói rằng: "Hầu như các dự án lớn sẽ được ủy quyền lại cho Wingtech và Huaqin với tư cách là các đối tác quan trọng, trong khi Longcheer là phương án dự phòng". Việc tăng tỉ lệ thuê ngoài này là bởi lượng điện thoại thông qua hình thức ODM đã ghi nhận được mức doanh số đáng kể. Những người ủng hộ cho rằng đây là cách duy nhất để Samsung cạnh tranh về giá.

Lãnh đạo mảng di động Koh Dong-jin từng nói với các phóng viên rằng gần như không thể tạo ra lợi nhuận, nếu Samsung vẫn tự mình làm sản phẩm giá rẻ có chi phí dưới 130 USD. Noh Tae-moon, lãnh đạo hoạt động R&D ở Samsung, là người chỉ đạo việc thuê ngoài này. Ông ủng hộ nó và các nhà quan sát cho rằng với thái độ của các quan chức như vậy, Samsung còn lâu mới từ bỏ hình thức ODM bởi tỉ lệ đang tăng nhanh.;

Xiaomi lệ thuộc vào ODM 75%, Lenovo là 85% hay Meizu cũng 70% trong năm 2018

Họ ngày càng phụ thuộc hơn vào các đối tác bên ngoài nhằm cắt giảm chi phí. Một báo cáo từng cho thấy, các đối thủ Trung Quốc của Samsung dựa vào đối tác ODM rất nhiều.

Số liệu IHS Markit chỉ ra trong năm 2018, Xiaomi thuê ngoài đến 75% lượng smartphone, Lenovo là 85% còn Meizu là 70%. Trong khi Nokia từ 0% năm ngoái dự kiến sẽ tăng lên 40% trong năm nay, LG cũng được dự báo tăng từ 30% lên 50% trong cùng giai đoạn. Tất cả đều phụ thuộc vào Wingtech, hãng ODM lớn nhất thế giới.

Điện thoại được sản xuất bằng hình thức ODM ít được người dùng phổ thông quan tâm. Gần đây nhất có vụ lùm xùm điện thoại Vsmart Live của hãng VinSmart thiết kế tương đồng với Meizu M16x, ngay cả khi tháo ra xem nội thất bên trong. Đại diện VinSmart xác nhận họ dùng chung thiết kế được đặt hàng từ hãng ODM, và tương lai công ty sẽ hướng đến mô hình kinh doanh như một ODM thực thụ. Một số hãng điện thoại thương hiệu Việt trước đây như Mobiistar, FPT, Q-mobile, VNPT,... cũng được xem là dạng hàng ODM. 

Ambitious Man

Chủ đề khác