VnReview
Hà Nội

Thâm Quyến - "Thung lũng Silicon của Trung Quốc" trỗi dậy từ smartphone fake

Các doanh nhân tìm đến thành phố này để nghiên cứu và mày mò công nghệ, không phải để phát minh ra chúng, theo báo Nikkei Asian Review.

shenzhen

Đồng sáng lập Sony, Akio Morita, từng nói chiếc máy nghe nhạc nhỏ gọn Walkman là minh chứng cho thấy một ngành công nghiệp xuất sắc có thể được gây dựng nên từ những hiểu biết về những công nghệ hiện hữu kết hợp với những ý tưởng để tạo thành các sản phẩm mới.

Đã 30 năm trôi qua kể từ lần cuối Morita nói về sự khôn ngoan đằng sau thiết bị mang tính biểu tượng của hãng. Và đó cũng là sự khôn ngoan mà người ta đang thấy ở Thâm Quyến, nơi đôi lúc được gọi là "Thung lũng Silicon của Trung Quốc".

Nhưng cái tên đó không thực sự chính xác. Không như thung lũng Silicon ở Mỹ, nơi công nghệ bán dẫn, phần mềm, và những công nghệ mới khác lần lượt được sinh ra, Thâm Quyến là nơi những người trẻ biết nắm bắt xu hướng tập hợp, trải nghiệm những công nghệ và cải tiến.

Nếu như Thung lũng Silicon trỗi dậy nhờ vào bán dẫn, thì Thâm Quyến phải cảm ơn smartphone. Thành phố này có nhiều nét tương đồng với khu Akihabara của Tokyo, chỉ khác ở chỗ không có văn hóa anime ngự trị. Là nơi tập trung của vô số linh kiện smartphone giá rẻ, Thâm Quyến là nơi không thể phù hợp hơn để thành lập nên những startup chuyên về phần cứng.

Nơi đây có trụ sở chính của nhiều công ty phần cứng, bao gồm nhà sản xuất smartphone Huawei Technologies và ZTE, cũng như BYD Auto – nhà sản xuất xe hơi chạy điện và pin sạc nhiều lần. DJI, nhà sản xuất drone hàng đầu thế giới, và Tencent Holdings, cũng đặt tổng hành dinh tại thành phố này.

Tencent cung cấp ứng dụng WeChat cực kỳ phổ biến, nhưng lại nổi tiếng vì tinh thần làm việc "996" khắc nghiệt: công nhân phải làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, liên tục 6 ngày trong tuần.

shenzhen

Trụ sở Tencent tại Thâm Quyến

Thâm Quyến có thể được nhìn nhận là ngôi nhà chung của nhiều nhà máy, nhưng dữ liệu nhân khẩu học của nó lại nói lên nhiều thứ khác. Hầu hết cư dân ở đây có độ tuổi khoảng 20 và 30. Độ tuổi trung bình là 32. Bởi những người trẻ tuổi sẵn lòng đón nhận những dịch vụ và thiết bị mới, Thâm Quyến đã trở thành bãi thử nghiệm cho đủ loại sản phẩm chuẩn bị ra mắt thị trường.

Người dân ở độ tuổi từ 50 – 60 rất hiếm khi xuất hiện. Văn hóa 996 rõ ràng không đi cùng với lối sống hậu hưu trí. Nhưng đây là một đặc trưng của chính sách công nghiệp của Trung Quốc.

Nguồn gốc của Thung lũng Silicon được cho là xuất phát từ việc giáo sư đại học Stanford là Frederick Terman ủng hộ Bill Hewlett và David Packard, hai người đã thành lập nên công ty máy tính Hewlett-Packard (HP). Bên cạnh đó, Wiliiam Shockley, một nhà sáng chế bóng bán dẫn, đã thành lập Shockley Semiconductor Laboratory ở vùng này. 8 nhà nghiên cứu đã rời phòng thí nghiệm vào năm 1975 để thành lập nên FairChild Semiconductor.

Ở thời điểm hiện tại, Thung lũng Silicon đã bắt đầu nâng tầm ảnh hưởng và thu hút tài năng đến từ khắp thế giới. Người nhập cư này chiếm gần một nửa trong bộ máy quản lý của các kỳ lân tại thung lũng, giúp các startup đạt được giá trị 1 tỷ USD hoặc hơn.

Quá trình phát triển biến đổi Thâm Quyến thành thành phố mà chúng ta thấy ngày nay bắt đầu sau khi các nhà làm chính sách Trung Quốc chỉ định nó làm vùng kinh tế đặc biệt vào năm 1980. Sau hơn 2 thập kỷ, vào giữa thập niên 2000, Thâm Quyến đã nổi tiếng vì một lý do mà có lẽ ai cũng biết: thành phố này là nơi chuyên bán điện thoại fake.

Khoảng năm 2009, Thâm Quyến tăng tốc nhờ sự dồi dào của nguồn linh kiện smartphone. Cùng với đó là hàng loạt những nhân tài trở về từ Stanford và thiết lập nên các công ty tại đây, kéo theo nhiều người trẻ tuổi khác.

Cơ sở hạ tầng hiện đại cũng vậy. Thâm Quyến hiện cách Hồng Công – một trong những trung tâm tài chính hàng đầu thế giới – chỉ 15 phút tàu cao tốc. Mối quan hệ cộng sinh giữa Hồng Công và Thâm Quyến có thể được so sánh với mối quan hệ giữa New York và Thung lũng Silicon vậy.

Nhưng với rất nhiều tài năng xuất chúng của Trung Quốc đang gia nhập các trường đại học như Tsinghua và Peking (đều ở Bắc Kinh), Thâm Quyến có nét văn hóa khác biệt so với Thung lũng Silicon, vốn hưởng lợi từ việc có đại học Stanford nằm ngay trung tâm.

Tuy vậy, giữa lý thuyết học thuật và những công nghệ có khả năng sử dụng được trong thế giới thực, đặt một trường đại học gần đó có lẽ là một điều không cần thiết – cái quan trọng ở đây là phải có một cơ chế để thu hút những tài năng trẻ kiệt xuất.

Lợi thế của Thâm Quyến bao gồm khả năng tận dụng năng lực sản xuất khổng lồ của Trung Quốc, chính sách ưu tiên ứng dụng công nghệ mới thay vì theo đuổi những đột phá công nghệ, và sự phát triển của thành phố này là một trong những chính sách quan trọng được nhà nước Trung Quốc đề ra và đảm bảo thực hiện.

Minh.T.T

Chủ đề khác