VnReview
Hà Nội

Thương chiến Nhật – Hàn khiến các nhà sản xuất smartphone như Samsung lao đao

Một cuộc chiến thương mại ngày càng căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đang làm đau đầu các nhà sản xuất smartphone của cả hai nước.

Khi hai đồng minh thân cận của Mỹ tại Đông Á là Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục đấu đá nhau trong vài tháng qua, không chỉ nền kinh tế của cả hai nước phải gánh chịu hậu quả mà chính các hãng smartphone của hai nước và khách hàng là những nạn nhân đầu tiên.

Quyết định đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách đối tác được hưởng ưu đãi của Nhật Bản sẽ có hiệu lực từ ngày 28/8 tới. Sau khi có hiệu lực, các công ty Nhật Bản sẽ phải làm thủ tục bổ sung và phải nhận được sự đồng ý của chính phủ thì mới có thể xuất khẩu hơn 800 vật liệu chiến lược của Nhật Bản sang Hàn Quốc.

Những vật liệu này bao gồm mạch tích hợp, tụ điện, máy tính, robot và thiết bị truyền dẫn viễn thông. Tất cả những vật liệu này đều rất quan trọng đối với Hàn Quốc. Tuy nhiên kể từ bây giờ, thời gian phê duyệt xuất khẩu các vật liệu trên có khả năng trì hoãn vài tuần, thậm chí là cả tháng.

Theo Quartz, động thái trên của Nhật Bản đánh dấu sự leo thang căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc Đông Á kể từ đầu tháng 7. Trước đó, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu ba loại vật liệu quan trọng để sản xuất chip nhớ và màn hình cho Hàn Quốc. Để trả đũa, Hàn Quốc mới đây cũng tạm dừng thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với Nhật. Điều này rõ ràng gây ra mối chia rẽ lơn và ảnh hưởng đến chiến lược của Mỹ ở khu vực. Được biết mối quan hệ giữa hai nước dần xấu đi khi một tòa án Hàn Quốc ra lệnh cho Nippon Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản phải bồi thường cho các nạn nhân từng là người lao động còn sống sót sau khi bị phát xít Nhật ép buộc làm nô lệ hồi thế chiến thứ hai.

Hồi đầu tháng 8 này, Hàn Quốc cũng đã có biện pháp trả đũa tương xứng khi quyết định loại Nhật Bản khỏi danh sách trắng các đối tác được hưởng ưu đãi xuất khẩu.

Theo giới phân tích, động thái trên của Nhật Bản có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và ngành công nghiệp Hàn Quốc nói riêng. Những công ty có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng lớn gồm Samsung, SK Hynix, các công ty phụ thuộc khác như Apple, Huawei. Hiện Samsung và Sk Hynix đang cung cấp hơn 60% nguồn cung chip nhớ trên toàn cầu. Trong khi đó các công ty Hàn Quốc, đặc biệt là Samsung Display cũng đang cung cấp hơn 90% màn hình cho smartphone. Với việc nguồn cung bị trì trệ, giá bán smartphone có thể sẽ tăng cao trong thời gian tới.

Bryan Mercurio, một chuyên gia về luật thương mại quốc tế tại Đại học Hồng Kông cho rằng, các nhà sản xuất smartphone sẽ phải bỏ thêm chi phí cho linh kiện và người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt cuối cùng. Đặc biệt công ty có nguy cơ thua lỗ lớn nhất chính là Samsung.

Bất đồng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc đã có từ lâu. Nhưng sau này hai nước đã bình thường hóa quan hệ thông qua một hiệp ước vào năm 1965. Nhật Bản cũng là nước cho Hàn Quốc vay và viện trợ hàng trăm triệu đô trong một thời gian dài.

Kể từ đó, thâm hụt thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng lớn, thậm chí đã lên tới 24 tỷ USD vào năm ngoái. Do đó không ngạc nhiên khi chỉ cần Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu quan trọng là Hàn Quốc có thể lao đao bất cứ lúc nào.

Rajiv Biswas, một nhà kinh tế tại hãng IHS Markit cho biết, Nhật Bản có vai trò thống lĩnh toàn cầu về nguồn cung các vật liệu hóa học. Do vậy Hàn Quốc sẽ khó có thể tìm được nguồn cung vật liệu này từ các nơi khác. Tất nhiên họ có thể tìm được nhưng sẽ cần mất từ 3-4 năm nữa. Những lựa chọn khả dĩ nhất với Hàn Quốc có thể là Mỹ, Đài Loan, EU, Trung Quốc và Canada.

Biswas nhận định, các công ty Hàn Quốc sẽ nỗ lực không mua linh kiện và vật liệu từ Nhật Bản trong vòng 5 năm tới.

Cơn ác mộng đối với Samsung

Samsung có kế hoạch bán ra Galaxy Fold vào tháng 9 sau khi bị trì hoãn từ tháng 4 vì sự cố màn hình. Tuy nhiên với động thái mới nhất của Nhật Bản, giới chuyên môn đang băn khoăn liệu Galaxy Fold có bị ảnh hưởng gì không?

CEO mảng di động của Samsung chia sẻ với truyền thông Hàn Quốc về việc họ không lường trước được sự gián đoạn khi ra mắt Galaxy Fold hay Galaxy Note 10. Tất nhiên vị sếp Samsung bày tỏ sự lạc quan khi hãng đảm bảo có đủ nguồn dự trữ linh kiện trong ít nhất 4 tháng tới nhưng về lâu dài thì không.

Theo Gartner, Samsung đang là nhà cung cấp thiết bị bán dẫn và bộ nhớ hàng đầu thế giới và mảng kinh doanh này cũng chiếm tới 90% doanh thu của hãng. Năm 2018, Samsung chiếm lần lượt 44% và 35% doanh số chip nhớ DRAM và flash NAND toàn cầu. Ngoài ra, Apple cũng mua màn hình OLED, flash NAND và DRAM từ Samsung.

Tác động toàn cầu

Trong làn sóng phẫn nỗ đang nổi lên ở Hàn Quốc, người dân nước này tuyên bố sẽ tẩy chay các mặt hàng của Nhật Bản từ búp bê Hello Kitty đến thúc ăn cho mèo và các sản phẩm công nghệ của Nhật. Ngoài ra, người dân xứ sở Kim Chi cũng hạn chế việc du lịch đến Nhật Bản.

Seoul thậm chí đang cân nhắc xem xét lệnh hạn chế xuất khẩu đối với quốc gia láng giềng để trả đũa những tác động mà Nhật Bản đã gây ra.

Trong khi Mỹ tuyên bố sẽ không tham gia hòa giải tranh chấp giữa hai đồng minh thân cận nhất ở Châu Á thì Trung Quốc gần đây đã đóng vai trò hòa giải giữa hai nước. Hôm 21/8, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã hối thúc hai bên sớm tìm ra tiếng nói chung và giải quyết vấn đề thông qua đối thoại.

Cuộc chiến thương mại Nhật-Hàn giống như một đám cháy thứ hai bùng phát sau khi đám cháy lớn đầu tiên là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nó vẫn đang âm ỉ và chỉ chực bùng phát bất cứ lúc nào.

Giống như cuộc chiến Mỹ-Trung, cuộc chiến này có khả năng sẽ kéo dài vì bất đồng quan điểm giũa Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn còn rất sâu sắc. Trong khi Hàn Quốc vẫn còn rất giận dữ về thời kỳ Nhật Bản đô hộ Hàn Quốc thì Nhật Bản cho rằng, vấn đề thời chiến đã được giải quyết khi hai bên bình thường hóa quan hệ.

Các chuyên gia cho rằng, phía Nhật muốn Hàn Quốc sớm thay đổi phán quyết của tòa án. Ngược lại chính phủ Hàn Quốc sẽ khó có thể nhượng bộ vì người dân trong nước đều bày tỏ sự bất bình trước những tội ác trước đây của người Nhật.

Đó cũng là lý do mà chưa có nhà phân tích nào dám đưa ra một dự đoán khả quan về thời điểm kết thúc chiến tranh thương mại giữa hai nước.

Tiến Thanh

Chủ đề khác