VnReview
Hà Nội

Thành công của iPhone liệu có giúp Apple bớt phụ thuộc vào Trung Quốc?

Vào đầu năm nay Apple cho thấy họ đang tìm cách chuyển 30% chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Việt Nam là một trong những ứng cử viên mà nhiều người tin rằng cuối cùng sẽ trở thành "nhà" cho một số cơ sở sản xuất của Apple.

Với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng đánh thuế mạnh tay đối với các công ty và người tiêu dùng của nước này, Google đã có động thái sẵn sàng dịch chuyển chuỗi sản xuất điện thoại Pixel cũng như các sản phẩm loa thông minh ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia kề cận như Việt Nam và Thái Lan. Hiện vẫn chưa có những tuyên bố chính thức về việc liệu Apple có cân nhắc rời khỏi Trung Quốc, dẫu vậy thì báo cáo của công ty này vào đầu năm nay cho thấy họ đang tìm cách chuyển 30% chuỗi cung ứng ra khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Tuy nhiên, điều này không thể xảy ra một sớm một chiều, kiếm tìm một chuỗi cung ứng tin cậy cũng như lực lượng công nhân lành nghề sẽ cần thời gian.

Tất nhiên Apple có động cơ để tháo chạy khỏi Trung Quốc vì từ ngày 15 tháng 12 năm nay, iPhone sẽ được liệt vào nhóm những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc bị đánh thuế 15% khi nhập khẩu vào các bang tại Mỹ. Ban đầu, thuế quan được cho là sẽ áp dụng từ ngày 1 tháng 9, tuy nhiên Tổng thống Trump không muốn mùa Lễ Giáng sinh bị hủy hoại bởi mức tăng trưởng thấp do thuế quan. Dẫu vậy, Apple Watch và AirPods lại không nhận kết quả tốt như vậy, loạt sản phẩm này sẽ phải đối mặt với mức thuế 15% kể từ ngày 1 tháng 9. Apple có thể quyết định tự chuốc lấy toàn bộ phần thuế này hoặc tính đến phương án chuyển tất cả hoặc một phần thuế sang người dùng bằng cách tăng giá sản phẩm. Tuy nhiên trong bối cảnh lượng iPhone được bán ra toàn cầu trong quý hai ít hơn 13,8% so với cùng kỳ năm ngoái, Apple có thể sẽ quyết định giảm chi phí bổ sung ngay bây giờ.

Mặc dù Apple mới chỉ sản xuất một lượng nhỏ iPhone ở Ấn Độ, nhưng ban đầu điều này chỉ để né tránh thuế nhập khẩu có thể gây khó khăn cho người dùng tại quốc gia này khi mua iPhone. Dù được đánh giá là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, nhưng rốt cuộc Ấn Độ vẫn là một quốc gia đang phát triển. Điều đáng sợ đối với người tiêu dùng là sự lo lắng về giá iPhone sẽ càng cao hơn vì gã khổng lồ công nghệ đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào cơ sở sản xuất tại Trung Quốc. Theo Reuters, Apple chỉ đang thêm chứ không hề bớt đi nhà máy tại quốc gia này. Đối tác chính của công ty là Foxconn đã gia tăng từ 19 nhà máy tại Trung Quốc năm 2015 lên con số 29 trong năm nay. Và Pegatron, một công ty khác được Apple thuê lắp ráp các sản phẩm của mình, cũng tăng từ 8 lên 12 nhà máy trong cùng giai đoạn.

Dữ liệu chuỗi cung ứng được tính toán bởi Reuters cho thấy Apple vẫn còn khá tận tâm với Trung Quốc. 44,9% các nhà cung ứng của Apple quay trở lại quốc gia này vào năm 2015, con số này thực sự tăng lên 47,6% trong năm nay.

"Phần lớn các sản phẩm của chúng tôi được sản xuất ở khắp mọi nơi. Một phần rất lớn từ Mỹ, bên cạnh đó Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Liên minh châu Âu cũng đóng góp một số lượng khá lớn… Tôi nghĩ mọi thứ sẽ đạt được thành công trong tương lai", Tim Cook, CEO Apple cho biết.

Nếu thắc mắc tại sao Google có thể dễ dàng chuyển khâu sản xuất Pixel từ Trung Quốc sang Việt Nam mà Apple lại không thể, thì đó là vấn đề về quy mô. Ngay cả khi tăng gấp đối số lượng Pixel sẽ được lắp ráp trong năm nay, Google cũng mới chỉ có được 8 đến 10 triệu smartphone trong năm 2019, nếu so với lượng iPhone được bán ra trong một năm thì chẳng thấm tháp vào đâu. Vì vậy, Apple sẽ luôn cần một chuỗi cung ứng lớn hơn với những công ty mà họ có thể tin tưởng đủ cung cấp về số lượng và chất lượng cần thiết cho iPhone. Nhưng Apple sẽ khó có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sản xuất iPhone tại Trung Quốc. Theo Dave Evans, CEO của Fictiv, chỉ có một vài địa điểm bên ngoài Trung Quốc có thể sản xuất 600.000 điện thoại mỗi ngày. Nói cách khác, sự thành công của iPhone chính là thứ níu giữ Apple tại Trung Quốc mặc cho vấn đề thuế quan.

Giang Vu

Chủ đề khác