VnReview
Hà Nội

Xin lỗi ông Trump, Apple giờ đây đã không thể ‘sống thiếu’ Trung Quốc!

Mặc dù tổng thống Mỹ không ngừng thúc giục, Apple vẫn đang ngày một lún sâu hơn vào mối quan hệ lệ thuộc Trung Quốc.;

Những nỗ lực mở rộng sản xuất yếu ớt tại Brazil và Ấn Độ không khiến họ bớt lệ thuộc Trung Quốc đi bao nhiêu. Trong khi đó, chính quyền Mỹ sắp sửa thực thi hàng loạt lệnh áp thuế cao hơn. Từ ngày 1/9 tới, nhiều mặt hàng của Apple như tai nghe không dây và đồng hồ thông minh sẽ chịu tăng thuế thêm 15%. Đối với iPhone, thứ đóng góp doanh thu lớn nhất cho công ty, áp thuế sẽ có hiệu lực từ 15/12.

"Ăn sâu bám rễ" tại đất nước tỷ dân

Chẳng công ty Mỹ nào lại "say đắm" quốc gia tỷ dân hơn Apple, theo hãng thông tấn Reuters. Hãng ký hợp đồng thuê sản xuất với nhiều công ty có nhà xưởng ở đây, như Foxconn, Wistron, Pegatron,... huy động hàng trăm ngàn người tham gia lắp ráp sản phẩm. Trong vài năm gần đây, các đối tác này có mở rộng ra các nước xung quanh. Ví dụ năm 2015, không ai đầu tư vào Ấn Độ, đến 2019, đã có ba nhà máy được xây dựng ở đây. Trong đó, Foxconn sở hữu một cơ sở và dự định sẽ sản xuất iPhone.

Sản phẩm Apple từ lâu đã lệ thuộc vào các đối tác sản xuất ở Trung Quốc

Họ sản xuất iPhone tại Ấn Độ nhằm tránh khoản thuế quan nhập khẩu, khiến giá thành thêm phần đắt đỏ. Chuyện này từng xảy ra năm 2011 khi Apple và Foxconn xây dựng nhà máy ở Brazil. Tuy nhiên, các nhà máy ở cả hai quốc gia này chủ yếu để đáp ứng nhu cầu nội địa, quy mô vẫn còn nhỏ. Trong khi đó số nhà máy mở rộng tại Trung Quốc lại không ngừng tăng lên. Foxconn tăng từ 15 vào năm 2015 lên 19 vào năm 2019, Pegatron tăng từ 8 lên 12.

Sự phình ra này liên quan đến việc công ty Mỹ mở rộng danh mục sản phẩm, thêm tai nghe không dây, đồng hồ thông minh, loa thông minh,... Đi cùng với các nhà thầu hợp đồng đó là các đơn vị cung ứng. Các công ty bán chip, kính, vỏ nhôm, dây cáp, bảng mạch,... cũng ngày càng tập trung nhiều hơn ở đại lục. Tỉ lệ đơn vị cung ứng đóng quân ở Trung Quốc đã tăng từ 44,9% năm 2015 lên 47,6% năm 2019. Cứ thế, chuỗi cung ứng của Apple ngày càng phát triển và bám rễ ở Trung Quốc, đến mức không thể dứt ra.

Sự hiện diện các nhà máy ở Brazil, Ấn Độ, Mỹ quá nhỏ bé so với Trung Quốc

Chẳng có nơi nào thay thế được "công xưởng của thế giới"

Apple hạn chế tự xây dựng và vận hành nhà máy riêng, nhằm giảm thiểu chi phí, rủi ro xuống mức thấp nhất. Công ty đặt lợi nhuận lên trên tất cả và ký hợp đồng thuê ngoài cho các đơn vị có chuyên môn. Chính vì thế, khi môi trường kinh doanh biến đổi, Apple phải đối mặt với nhiều vấn đề khi muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Quốc gia này tập hợp nhiều nhà cung ứng có thể tạo ra hàng trăm triệu phần cứng mỗi năm cho Apple. Trong khi lại duy trì hàng tồn kho chỉ trong ít ngày.

Các công ty khác có quy mô sản xuất nhỏ hơn nên linh hoạt hơn Apple. Ví dụ gần đây Google được báo cáo sẽ dịch chuyển sản xuất điện thoại Pixel sang Việt Nam, dần xây dựng chuỗi cung ứng chi phí thấp tại Đông Nam Á. Nhưng với Apple, họ không thể tìm ở đâu có nguồn lao động dồi dào như ở Trung Quốc. Các nhà máy đòi hỏi những kỹ sư có trình độ nhất định, nhằm thiết kế và khắc phục sự cố quy trình sản xuất, công cụ tùy chỉnh. Ở Việt Nam, dân số chỉ tương đương 1/10 so với Trung Quốc. Kể cả khi họ muốn sản xuất nhiều hơn ở Ấn Độ, Việt Nam, lượng sản phẩm làm ra cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu.

46/50 sản phẩm phần cứng đối mặt với việc bị áp thuế quan

Dave Evans, giám đốc điều hành của công ty chuỗi cung ứng Fictiv ở San Francisco cho hay: "Có rất ít nơi trên thế giới có đủ cơ sở hạ tầng để sản xuất 600.000 smartphone mỗi ngày". Thương chiến leo thang, Apple bị đẩy vào thế kẹt ở giữa. Họ cố tìm cách trì hoãn nhưng rồi cũng đến lúc sản phẩm Apple bị áp thuế. Người ta vẫn không rõ công ty có chịu giữ nguyên mức giá không hay sẽ tăng thêm để bù vào. Sau tất cả, Apple vẫn là một công ty đề cao lợi nhuận. Chính vì Trung Quốc tạo ra cơ hội duy trì mức lợi nhuận cao, quan hệ gắn bó hai bên mới thân thiết như này hôm nay.

Ambitious Man

Chủ đề khác