VnReview
Hà Nội

Trung Quốc sẽ cử quan chức chính quyền vào Alibaba và các công ty tư nhân khác

Các quan chức chính phủ Trung Quốc sẽ được cử đến làm việc ở 100 công ty tư nhân đang đóng tại trung tâm công nghệ Hàng Châu, theo báo chí Trung Quốc đưa tin.

Cuối tuần qua, báo chí Trung Quốc đăng tin chính quyền thành phố Hàng Châu sẽ cử 100 đại diện tới các doanh nghiệp chủ chốt như Alibaba, Geely Holdings và Wahaha. Danh sách đầy đủ của 100 công ty có trong sáng kiến này không được công bố. Đây được cho là một phần của Kế hoạch sản xuất mới của chính quyền Hàng Châu nhằm thúc đẩy sản xuất và thúc đẩy nền kinh tế địa phương ở tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc.

Động thái mới nhất này báo hiệu chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế đất nước. Chiến lược cốt lõi, là Made in China 2025, nhằm mục đích Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ kinh tế trong các ngành công nghiệp có giá trị cao như robot và hàng không vũ trụ.

Alibaba chấp nhận các quan chức tham gia bộ máy doanh nghiệp

Trung Quốc Alibaba

Hàng Châu, cách Thượng Hải một giờ đi tàu, là quê hương của một số công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc. Trụ sở chính của Alibaba, với có 20.000 nhân viên đang làm việc, được đặt tại thành phố này.

Trả lời phóng viên kênh CNBC của Mỹ, gã khổng lồ công nghệ cho biết chỉ thị mới của chính quyền địa phương sẽ không làm gián đoạn hoạt động của hãng.

"Chúng tôi hiểu sáng kiến này nhằm mục đích thúc đẩy một môi trường kinh doanh tốt hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp có trụ sở tại Hàng Châu" theo thông cáo của Alibaba hôm thứ Hai tuần này. "Đại diện chính phủ sẽ làm cầu nối cho khu vực tư nhân và sẽ không can thiệp vào hoạt động của công ty".

Nhà sản xuất ô tô Geely và nhà sản xuất đồ uống Wahaha chưa đưa ra bình luận nào.

Lo ngại về an ninh

Mặc dù tuyên bố rằng hành động này ở Hàng Châu không khác gì một chiến lược kinh tế đổi mới, việc đưa các quan chức chính quyền vào các công ty tư nhân càng làm tăng thêm mối lo ngại về ảnh hưởng của nhà nước tại các công ty Trung Quốc.

Theo luật pháp Trung Quốc, các tổ chức có thể bị buộc phải bàn giao dữ liệu cho nhà nước nếu được yêu cầu làm như vậy. Người khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận an ninh quốc tế do lo ngại rằng các luật này có thể cho phép gián điệp Trung Quốc do thám nước khác nếu Huawei được phép truy cập vào cơ sở hạ tầng internet 5G toàn cầu.

Huawei đã nhiều lần phủ nhận các tuyên bố này, nhưng một số quốc gia, bao gồm Úc, New Zealand và Nhật Bản, đã cấm Huawei cung cấp linh kiện cho mạng 5G. Hoa Kỳ, đã dẫn đầu việc thúc đẩy cấm thiết bị Huawei khỏi hạ tầng 5G, đã thúc giục các đồng minh cấm sử dụng thiết bị 5G của Huawei, cảnh báo họ về những rủi ro an ninh quốc gia.

Nhà nước Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố rằng họ có thể buộc các công ty chia sẻ thông tin, nhưng việc đặt hàng trăm quan chức chính phủ trong các công ty tư nhân có thể làm mới mối lo ngại của nước ngoài về mức độ quyền lực của nhà nước đối với các tập đoàn trong nước.

Hồng Thúy

Chủ đề khác