VnReview
Hà Nội

Tập đoàn Sharp tố cáo Asanzo tới Bộ Công an vì giả mạo làm giả con dấu, tài liệu

Tập đoàn điện tử Nhật Bản Sharp vừa có văn bản gửi Asanzo yêu cầu công ty này xin lỗi và cải chính công khai trên VTV, VOV, báo Tiền phong và báo Thanh niên vì đã cố tình sử dụng nguồn gốc thương hiệu Sharp, lừa dối người tiêu dùng và ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của hãng.

Sharp khẳng định văn bản Asanzo cung cấp tại cuộc họp báo về việc Sharp Roxy công nhận có hợp tác với Asanzo là giả mạo bởi vì công ty Sharp Roxy đã chấm dứt tồn tại từ cuối năm 2016, và đổi tên thành Sharp Hong Kong sau khi Sharp mua lại 100% cổ phần. Vì vậy, ngày 26/9/2019, TGĐ Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam (một công ty con của Sharp) đã có công văn gửi Asanzo yêu cầu công ty này cải chính và xin lỗi công khai hãng trên VTV, VOV và hai tờ báo Tiền phong và Thanh niên.

Theo nội dung công văn Sharp sẽ kiện Asanzo ra tòa nếu như Asanzo không thực hiện yêu cầu này. Tuy nhiên, văn bản không nêu rõ hạn chót Asanzo phải thực hiện là khi nào.

Cũng trong cùng ngày, Sharp có đơn tố cáo Asanzo tới Bộ Công an về hành vi "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của quan, tổ chức".

Asanzo

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Asanzo đang kiểm tra sản phẩm TV "đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", vì có hợp tác với hãng Sharp, trong khi hãng Sharp khẳng định đó là sự giả mạo.

Công ty Asanzo chuyên về ngành hàng điện tử, đồ gia dụng từ tháng Sáu vừa qua đã vướng vào tai tiếng "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam", hôm 17/9/2019 đã tổ chức cuộc họp báo có tiêu đề "Asanzo được minh oan", sau khi chờ mãi các cơ quan chức năng chưa đưa ra kết luận cụ thể nào. Tuy nhiên, thực chất đây là cuộc họp báo để Asanzo tự minh oan cho mình, cùng với bằng chứng họ không lừa dối khách hàng khi sử dụng cụm từ "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản". Đó là văn bản ngày 12/9/2019 của công ty Sharp Roxy có trụ sở tại Hong Kong khẳng định có hợp tác với Asanzo.

Ngay sau đó, ngày 19/9/2019, Sharp Việt Nam đã ra thông cáo báo chí khẳng định văn bản Asanzo đưa ra là giả mạo. Công ty Sharp Roxy đã được Sharp mua lại 100% và đổi tên thành Sharp Hong Kong từ ngày 31/12/2016.

Về vấn đề này, Asanzo ra thông cáo nói rằng Công ty rất bất ngờ trước sự việc, rằng bức thư này do đối tác cung cấp. Họ sẽ cử người đại diện sang làm việc với đối tác để làm rõ trắng đen.

Sau hơn một tuần, cuối cùng không thể kiên nhẫn hơn nữa khi uy tín, thương hiệu của hãng bị xâm hại, Sharp đã có đơn tố cáo Asanzo tới Bộ Công an, đồng thời gửi văn bản tới Asanzo yêu cầu xin lỗi và cải chính.

Ngày 21/6/2019, báo Tuổi trẻ bắt đầu cho đăng loại bài điều tra Asanzo hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao, khi nhập khẩu sản phẩm nguyên chiếc, thậm chí dán nhãn mác, xuất xứ sẵn từ Trung Quốc về bán ở thị trường trong nước. Các công ty nhập khẩu cho Asanzo cũng biến mất. Asanzo ngay sau đó đã bị tước quyền sử dụng danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Các cơ quan chức năng cũng vào cuộc, Thủ tướng yêu cầu hạn chót ngày 30/7 phải có báo cáo về vụ việc.;

Từ đó phát sinh tranh luận thế nào là hàng Made in Việt Nam. Asanzo khẳng định họ không làm sai luật và lừa dối khách hàng. Trong khi đó, trưởng nhóm phóng viên điều tra của báo Tuổi trẻ bị Asanzo tố cáo gạ gẫm Asanzo chi tiền xử lý khủng hoảng truyền thông. Asanzo đã kiện báo Tuổi trẻ ra tòa.

Không rõ vụ việc phức tạp thế nào, nhưng đến hạn chót, các cơ quan chức năng như Hải quan, quản lý thị trường, thuế đã phải xin Thủ tướng cho lùi hạn báo cáo đến một tháng. Đến hạn chót, cả Hải quan và quản lý thị trường đều công bố kết quả phần lớn các doanh nghiệp làm ăn với Asanzo đều mất tích hoặc không còn hoạt động. Cho đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức nào đối với vụ việc Asanzo.

Hồng Thúy

Chủ đề khác