VnReview
Hà Nội

Lý do Oppo và Vivo thành công mà không cần sếp là "người nổi tiếng"

Khi CEO của Xiaomi, Lei Jun lần đầu tiên bước lên sân khấu giới thiệu sản phẩm mới với chiếc áo thun đen và quần jean giản dị, công chúng đã ngay lập tức gọi ông là bản sao của Steve Jobs.;Kể từ đó trở đi, tên tuổi của ông dần được chú ý đến.

Cứ đều đặn mỗi năm, CEO Lei Jun đều bước lên sân khấu giới thiệu sản phẩm mới. Và trong suốt buổi lễ gần 90 phút, ông đã thể hiện cá tính bản thân, cũng như dần trở thành một nhà lãnh đạo danh tiếng với tên tuổi và những gì mà Xiaomi mang lại cho người dùng. Từ đó, công ty Trung Quốc chính thức ghi tên mình vào một trong những ông lớn của thị trường smartphone lớn nhất thế giới, nơi mà ngay cả Apple chỉ có thị phần bằng một nửa Xiaomi.

Nhắc đến Xiaomi, không thể không nhắc đến tập đoàn smartphone hàng đầu Trung Quốc, Huawei Technologies với giám đốc điều hành bộ phận di động là ông Richard Yu Chengdong. Cũng như Lei Jun, ông Yu cũng thường xuyên xuất hiện trước công chúng. Mới đây nhất là trên sân khấu giới thiệu bộ đôi Mate 30/30 Pro tại Đức.

So với các đồng nghiệp trong ban quản trị điều hành, Yu luôn là người hoạt ngôn, hăng hái trong mọi hoạt động của công ty. Bên cạnh việc xuất hiện tại các buổi ra mắt sản phẩm mới, ông Yu còn tích cực tham gia phỏng vấn với truyền thông trong nước lẫn quốc tế để giới thiệu, quảng bá cho các sản phẩm mới của công ty.

Ngày trước, các thương hiệu Trung Quốc luôn bị chỉ trích là sao chép các công ty lớn như Samsung, Apple,... và được cho là thiếu sáng tạo. Nhưng giờ đây, họ đã dần tìm được lối đi riêng và trở nên lớn mạnh, đánh bại được các ông lớn ngay trên chính thị trường trong nước, cũng như chiếm thị phần đáng kể ở một số thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, khi nói đến Vivo và Oppo, hai thương hiệu smartphone lớn thứ hai và thứ ba Trung Quốc, người dùng sẽ chỉ thấy những chiến dịch quảng bá giới thiệu thông qua các gương mặt đại diện mà không có sự xuất hiện của các lãnh đạo cấp cao. Nhờ vậy mà các giám đốc điều hành không phải xuất hiện trước công chúng để quảng bá sản phẩm. Thay vào đó họ chi hàng triệu đô la cho các chiến dịch quảng cáo có sự góp mặt của các ngôi sao, ca sĩ, diễn viên điện ảnh,…

Mặc dù vậy nhưng việc các nhà lãnh đạo đứng ra quảng bá trực tiếp sản phẩm được xem là một trong cách hiệu quả để nâng cao giá trị thương hiệu trong mắt người dùng Trung Quốc. Theo thống kê hằng năm, có đến 1,4 tỷ thiết bị di động đang hoạt động tương đương với tổng số dân Trung Quốc, nên việc ghi điểm trong mắt người dùng trong nước được xem là điều mà các hãng smartphone nên làm.

Ông Richard Yu đang đứng trên sân khấu giới thiệu các sản phẩm mới của Huawei 

Một nhân viên giấu tên của Vivo cho biết việc các nhà lãnh đạo không đứng ra quảng bá sản phẩm và giữ bí mật cá nhân từ lâu đã là một quy tắc bất thành văn trong công ty. Vì cùng trực thuộc một công ty mẹ nên có lẽ Oppo cũng có cùng quy định tương tự với Vivo.

Không nói sâu xa, ngay tại bài phỏng vấn của South China Morning Post (SCMP), Oppo đã không đưa ra bất cứ phản hồi bình luận nào trong khi Vivo cũng từ chối trả lời báo giới về câu hỏi tại sao lại có quy định nêu trên.

Nói đôi chút về công ty mẹ của Vivo và Oppo, BBK Electronics Corp được thành lập cách đây 24 năm tại Đông Quan, Trung Quốc bởi tỷ phú Duan Yongping. Ông được xem là cha đỡ đầu của ngành công nghiệp smartphone Trung Quốc với quyền lực và sức ảnh hưởng to lớn.

Là một người khá kín tiếng, Duan rất hiếm khi xuất hiện trước truyền thông. Ngoài việc tham gia một buổi phỏng vấn hiếm hoi với Bloomberg vào năm 2017, trong hai thập kỷ qua, Duan đã không còn xuất hiện và được giới truyền thông chú ý đến.

James Yan, giám đốc nghiên cứu của Counterpoint Technology có trụ sở tại Hồng Kông cho biết việc Oppo và Vivo kín tiếng có thể là do ảnh hưởng từ BKK. Hiện cả hai đã hoạt động độc lập và đang vận hành một chuỗi cung ứng linh kiện điện tử tinh vi và lớn nhất thế giới bên cạnh việc sản xuất và kinh doanh smartphone.

Vào năm 2004, BBK đã thành lập Oppo, bổ nhiệm một trong những người cộng sự của mình, ông Tony Chen làm giám đốc điều hành của Oppo. Đến năm 2005, BBK tiếp tục thành lập Vivo và đưa Shen Wei đang làm việc tại công ty lên làm CEO của Vivo. Tính đến nay, BBK đã sở hữu được 4 thương hiệu điện thoại bao gồm Oppo, Vivo, OnePlus và Realme – vừa được Oppo thành lập gần đây.

Mặc dù 2 CEO của Oppo và Vivo đã vài lần trả lời phỏng vấn với truyền thông, cũng như tham gia các sự kiện kinh tế lớn nhưng sự xuất hiện công khai của cả hai là rất ít so với người cùng cấp của Xiaomi và Huawei. Đồng thời, cả hai đều không hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội, cụ thể đây là "Twitter của Trung Quốc", Sina Weibo.

Còn với Lei Jun và Richard Yu, mạng xã hội như một công cụ quảng bá đầy tiềm năng nhưng lại hoàn toàn miễn phí. Hiện CEO của Xiaomi đang có hơn 21 triệu người theo dõi trên Weibo, đăng tải gần 10.000 bài đăng với lượng tương tác mỗi ngày lên đến hơn 1 triệu người, theo thông tin được liệt kê trên Weibo.

CEO Huawei, ông Richard Yu cũng có cho mình hơn 7 triệu người theo dõi trên Weibo. Qua những bài đăng và phát ngôn của mình ngoài đời thực, cư dân mạng gọi vui ông là người "thích ăn to nói lớn". Cụ thể là vào hôm thứ năm vừa qua, tại một sự kiện sản phẩm ở Thượng Hải, ông đã tuyên bố rằng: "Nếu không có lệnh trừng phạt của Mỹ, trong năm nay, có lẽ Huawei sẽ trở thành nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn nhất thế giới".

Ngoài Xiaomi và Huawei, một số thương hiệu nhỏ hơn như Lenovo cũng dùng chiến lược quảng bá thông qua sức ảnh hưởng của nhà lãnh đạo, cụ thể đây là phó chủ tịch mảng di động Lenovo Chang Cheng. Ông được biết đến thông qua việc dậy sớm mỗi sáng để trả lời tin nhắn độc giả trên trang Weibo cá nhân với hơn 3,1 triệu lượt người theo dõi.

Quay lại với câu chuyện kín tiếng của Oppo và Vivo, các nhân viên thuộc hai công ty cho biết họ phải nằm lòng một quy tắc đạo đức, đó chính là liêm chính. Đây được xem là một quy tắc tốt bắt buộc phải có, thậm chí các cựu giám đốc của Oppo còn tâm đắc đến mức phải truyền lại cho các công ty sau này như OnePlus và Realme, để lấy đó mà áp dụng, tập trung phát triển các thị trường Châu Âu, Ấn Độ, Hoa Kỳ,…

Trong buổi gặp mặt kéo dài hai tiếng với SCMP vào tháng 5/2018, cựu phó chủ tịch Oppo và nay là CEO OnePlus, Peter Lau đã nhắc đến hai từ "liêm chính" hàng chục lần, với lý do là quy tắc đạo đức mà anh luôn tuân theo, cũng như áp dụng để đưa ra những quyết định quan trọng cho OnePlus, công ty vừa thành lập sau bốn năm anh rời khỏi Oppo.

"Nói một cách đơn giản, liêm chính ở đây có nghĩa là trung thực, tận tâm với người dùng, luôn đặt lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Khi đó, chúng ta không nên lợi dụng bất cứ ai, kể cả các nhà cung ứng và đối tác kinh doanh", Peter Lau chia sẻ.

Theo các nhà phân tích, OnePlus luôn lấy thị trường quốc tế làm trọng tâm hàng đầu khi bán 70% số lượng sản phẩm ra bên ngoài Trung Quốc. Trở thành cái tên hàng đầu trong mắt các tín đồ công nghệ, những người đề cao trải nghiệm, đi cùng một hiệu năng mạnh mẽ hơn là một thương hiệu danh tiếng.

Giống như Xiaomi, OnePlus luôn theo dõi trải nghiệm người dùng thông qua việc xây dựng các diễn đàn và không ngừng tương tác với người dùng để từ đó mà cải tiến sản phẩm.

Giám đốc điều hành Realme, Sky Li Bingzhong, cũng từng là phó chủ tịch Oppo với vị trí lãnh đạo, quản lý các hoạt động bên ngoài Trung Quốc từ năm 2013. Một năm sau khi thành lập, vào tháng 5/2018, Realme chính thức trở thành thương hiệu smartphone lớn thứ 4 Ấn Độ với 9% thị phần, theo thống kê tháng 8 của Counterpoint cho biết.

Tương tự như Oppo và Vivo, Realme từ khi ra mắt cũng tuân theo chiến lược kinh doanh quảng bá mời các ngôi sao, ca sĩ tham gia làm đại sứ thương hiệu.

Lễ ra mắt Oppo Reno2 với sự xuất hiện của Brian Shen

Qua đó, quảng cáo có thể xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi, từ những nền tảng trực tuyến như mạng xã hội đến những biển quảng cáo lớn trên đường phố, sân bay, thậm chí còn xuất hiện trong các gameshow truyền hình. Đây được xem là một cách hiệu quả giúp phủ sóng tên tuổi thương hiệu lẫn người nổi tiếng tham gia làm đại sứ trên phạm vi cả nước, bao gồm cả những khu vực nông thôn, thị trấn cũng dần biết đến họ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã có một sự thay đổi nhỏ trong triết lý kinh doanh của Oppo khi phó giám đốc mảng tiếp thị toàn cầu, Brian Shen Yiren liên tục xuất hiện tại các sự kiện ra mắt sản phẩm mới.

Còn nhớ vào đầu tháng 9, Shen đã tham gia phát biểu tại sự kiện ra mắt Reno2 ở Thượng Hải, cũng như gặp gỡ, trao đổi với truyền thông về chiến lược, kế hoạch sắp tới của công ty. Trên Weibo, Shen đã có hơn 1 triệu người theo dõi mặc dù chỉ mới đăng tải hơn 300 bài đăng. Về phần Vivo, có vẻ như công ty vẫn sẽ trung thành với việc giữ kín tên tuổi của ban lãnh đạo, cũng như chỉ mượn hình ảnh của các đại sứ thương hiệu để chạy quảng cáo mà thôi.

Thái Âu (theo South China Morning Post)

Chủ đề khác