VnReview
Hà Nội

Xét cho cùng, Nexus One, chiếc điện thoại đầu tiên của Google cũng chỉ là nạn nhân

Ra mắt vào tháng 1/2010, Nexus One là "ông tổ" của Pixel ngày nay, được thiết kế bởi HTC.

nexus

Chiếc điện thoại Android đầu tiên là thành quả hợp tác giữa Google, HTC, và T-Mobile. Ban đầu, Google không muốn phát triển các thiết bị mang nhãn hiệu của chính mình để tránh "động chạm" đến các nhà sản xuất điện thoại khác – nếu các hãng này nghĩ những chiếc điện thoại Android của Google có thể nhận được ưu đãi đặc biệt, họ nhiều khả năng sẽ quay lưng với hệ điều hành còn non trẻ này.

Mọi chuyện thay đổi vào tháng 1/2010, khi Google giới thiệu Nexus One. HTC một lần nữa đóng vai trò ODM (nhà thiết kế sản phẩm theo đơn đặt hàng) và tạo ra một trong những chiếc điện thoại Android tiên tiến nhất thời điểm đó. Màn hình AMOLED 3,7-inch của Nexus One trông cực kỳ ấn tượng, chipset Snapdragon đời đầu với một nhân Scorpion 1GHz cho tốc độ cực nhanh, và người tiêu dùng thì hết sức ấn tượng với thiết kế của HTC.

nexus

Nhưng những làn sóng phấn khích ban đầu nhanh chóng tan biến. Những bài đánh giá sớm về Nexus One rút ra kết luận chiếc điện thoại này kém so với mong đợi, và xung quanh nó cũng bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đầu tiên, màn hình máy bị chỉ trích vì cách sắp xếp PenTile (vốn làm giảm độ sắc nét của hình ảnh) và màu sắc quá rực. Bạn nên nhớ đây là những ngày đầu của AMOLED, và chiếc Galaxy S của Samsung phải đến giữa năm 2010 mới ra mắt, tức nhiều tháng sau Nexus One (khá thú vị là có thời điểm, Samsung đã phải chuyển sang dùng LCD vì thiếu hụt nguồn cung AMOLED).

Màn hình máy cũng gặp vấn đề về cảm ứng – giống như AMOLED, màn hình cảm ứng điện dung vẫn còn khá mới mẻ và chưa hoàn hảo. Tệ hơn nữa, Nexus One không hỗ trợ các thao tác cảm ứng đa chạm, trong khi các đối thủ của nó đã có (ngoài iPhone còn có các mẫu Android khác của HTC và Motorola).

Hệ điều hành Android đã hỗ trợ các thao tác cảm ứng đa điểm từ Android 2.0 Eclair (Nexus One được cài sẵn Android 2.1 Eclair), nhưng các ứng dụng cần phải cập nhật để có tính năng này. Lớp cảm ứng điện dung do Synaptics cung cấp cũng hỗ trợ các thao tác đa điểm, ấy thế nhưng Nexus ở thời điểm ra mắt chỉ có thể theo dõi đúng một ngón tay mà thôi.

Vài năm trước đó, iPhone đã cho thấy những lợi ích của việc búng ngón tay để zoom trong các ứng dụng như trình duyệt web, trình thư viện ảnh, và bản đồ. Và chính vì những bằng sáng chế Apple sở hữu trên lĩnh vực này đã ngăn không cho Google kích hoạt tính năng cảm ứng đa điểm trên "đứa con cưng" của mình.

nexus

Sự e dè của Google không kéo dài, rốt cuộc tính năng búng tay để zoom đã được thêm vào Nexus One thông qua một bản cập nhật phần mềm một tháng sau ngày ra mắt. Ấy vậy nhưng, màn hình cảm ứng của máy vẫn có những đốm khó chịu, và là lý do chính của những phàn nàn đến từ những khách hàng đầu tiên sử dụng máy.

Cơn đau đầu vì màn hình của Google chưa kết thúc ở đó. Vào tháng 7 năm đó, HTC tuyên bố tình trạng thiếu hụt màn hình OLED và sẽ chuyển sang sử dụng tấm nền Super LCD. Đến năm 2011, mọi máy Nexus One bán ra thị trường đều sử dụng tấm nền Super LCD này.

Tuy nhiên, ai cũng biết Nexus One đã gặp rắc rối từ trước đó rất lâu. Ban đầu, các nhà phân tích tại Goldman Sachs ước đoán Google bán được 3,5 triệu máy trong năm 2010. Hai tháng sau khi ra mắt, con số này bị cắt giảm đến 70%, chỉ còn 1 triệu.

Trong tuần đầu tiên, ước tính có 20.000 chiếc Nexus One được bán ra, và trong tháng đầu tiên là 80.000. Tốc độ đó là quá chậm, và các nhà phân tích đổ lỗi cho chiến lược marketing yếu kém của Google. Thực ra còn một yếu tố khác: các nhà mạng khá do dự trong việc bán chiếc điện thoại này.

Trong khi nhà mạng T-Mobile quảng bá chiếc G1 và Verizon quảng bá chiếc Droid như những thiết bị độc quyền, thì quyết định của Google nhằm bán Nexus One thông qua cửa hàng trực tuyến của chính mình khiến các nhà mạng không xem trọng việc quảng bá nó.

Nhà mạng T-Mobile tại Mỹ và Vodafone ở những nơi khác trên thực tế có hỗ trợ Google đôi chút, nhưng chương trình marketing của họ vẫn đặt Nexus dưới một bậc so với những thiết bị của iPhone và HTC.

Google tìm cách xoay chuyển tình hình và đóng cửa cửa hàng trực tuyến vào tháng 5. Đến tháng 7, hãng ngừng bán Nexus, đề nghị người mua đến các cửa hàng và các nhà mạng vẫn đang bán máy.

nexus

Cú đánh cuối cùng khiến Nexus One sụp đổ là khi Google đột nhiên ngừng hỗ trợ phần mềm cho máy sớm hơn dự kiến. Ra mắt tháng 1/2010 với Android 2.1 Eclair, được nâng cấp lên v2.2 vào cuối năm đó và v2.3 Gingerbread vào tháng 1/2011, Nexus One bị chính "cha đẻ" từ chối cập nhật thêm vì phần cứng "quá cũ" không chạy nổi Android 4.0 Ice Cream Sandwich.

Có thể nói, các nhà sản xuất Android không hề lo sợ khi Google lần đầu tung ra chiếc điện thoại của riêng mình. HTC thậm chí còn ra mắt chiếc Desire vài tháng sau Nexus – hai chiếc điện thoại này hầu như là một! Google tiếp tục cố gắng thêm vài thế hệ Nexus nữa, cuối cùng từ bỏ dòng sản phẩm này để chuyển sang dòng Pixel. Nhưng như bạn đã thấy, doanh số Pixel vẫn vô cùng nhỏ bé khi so với cả thị trường Android nói chung.

Minh.T.T

Chủ đề khác