VnReview
Hà Nội

5 tháng Huawei bị cấm vận: Huawei vẫn sống khỏe, doanh nghiệp Mỹ 'khốn đốn'

5 tháng sau khi chính quyền của tổng thống Donald Trump đưa Huawei vào 'danh sách đen', công ty này vẫn có những bước tăng trưởng đáng kể trong khi các doanh nghiệp của Mỹ thì lại đang rất lo lắng.

Vào tháng 5/2019, Bộ thương mại Mỹ đã bổ sung Huawei vào 'danh sách đen' nhằm ngăn chặn các công ty Mỹ bán linh kiện cho 'gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc'. Chính quyền Mỹ đưa ra lý do cho việc này là do lo ngại mối đe dọa với an ninh quốc gia mà Huawei có thể gây ra. Huawei đã phủ nhận những cáo buộc này.

Bất chấp hành động từ Mỹ, Huawei vẫn có sự tăng trưởng đáng ghi nhận khi doanh thu 9 tháng đầu năm tăng 24%, riêng mảng điện thoại thông minh tăng 26%. Hành động của Mỹ cũng không thể cản nổi bước tiến của Huawei trong việc phát triển công nghệ 5G. Theo những công bố mới nhất, 'gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc' đã ký hơn 60 hợp đồng thương mại 5G trên toàn thế giới. Ngay cả một số đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu cũng không ủng hộ Mỹ khi vẫn cho Huawei vào danh sách cung cấp thiết bị 5G.

Bất lợi chủ yếu dành cho doanh nghiệp Mỹ

Khi một công ty rơi vào danh sách đen của Bộ thương mại Mỹ, tất cả các đối tác muốn bán hàng cho họ phải có giấy phép riêng từ chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, các công ty của Mỹ thì đa phần cho rằng điều này gây bất lợi lớn cho họ.

Trong rất nhiều cuộc họp kín và cả phát biểu công khai, các lãnh đạo công ty công nghệ, chuyên gia của Mỹ đa phần cho rằng chính sách của chính quyền tổng thống Trump áp dụng với Huawei gây ra bất lợi cho chính các doanh nghiệp Mỹ. Họ cho rằng Huawei là đối tác rất lớn và việc không được bán linh kiện cho 'gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc' là một thiệt thòi. Thậm chí, lãnh đạo một số công ty còn tự hỏi không hiểu mục tiêu cuối cùng của việc đưa Huawei vào 'danh sách đen' là để làm gì?

CEO của Micron Technology còn chỉ rõ ra rằng một phần nguyên nhân khiến lợi nhuận dự kiến các quý tới của công ty này giảm thiểu nặng nề là do không được bán hàng cho Huawei. Còn Broadcom Inc. cũng ra thông báo rằng doanh thu của họ sẽ giảm do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến họ không làm việc được với Huawei.

Vào tháng 6/2019, sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình, Tổng thống Trump cho biết sẽ cho phép các công ty của Mỹ tiếp tục làm việc với Huawei. Vài tuần sau đó, ông Trump nói sẽ đẩy nhanh quá trình phê duyệt giấy phép nhưng đến nay vẫn chẳng có giấy phép nào được ký.

Về phía Bộ thương mại Mỹ, họ cho biết có khoảng hơn 200 yêu cầu được cấp phép làm việc với Huawei từ các công ty của nước này. Tuy vậy, quá trình cấp phép rất phức tạp và cần có thời gian.

Công ty Mỹ lách luật để được bán hàng cho Huawei

Không mua linh tiện từ các công ty của Mỹ, Huawei chuyển sang mua linh kiện từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Tuy nhiên, không bán được hàng cho Huawei thì các công ty Mỹ lại gặp khó.

Chủ tịch viện nghiên cứu chính sách ITIF - Robert Atkinson cho biết: 'Nếu lệnh cấm không thành công và không thể 'giết chết' được Huawei, nó sẽ khiến thị phần toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ sụt giảm nặng nề. Điều này sẽ làm giảm độ cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ'.

Các công ty Mỹ đương nhiên không thể ngồi yên và để doanh thu bị giảm vì không thể bán linh kiện cho Huawei. Họ tìm cách lách luật và đã nối lại việc bán các lô hàng cho 'gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc' kể cả khi không xin được giấy phép.

Tại Mỹ có luật quản lý xuất khẩu trong đó quy định nếu một công ty có thể chứng minh công nghệ gốc sở hữu dưới 25% xuất xứ từ Mỹ thì sản phẩm không phải tuân theo danh sách thực thể.

Micron Technology vào tháng 6 cho biết họ đã nối lại được một số lô hàng chip nhớ với Huawei. Điều tương tự cũng xảy ra với Intel Corp - công ty sản xuất chip lớn nhất của Mỹ với các nhà máy ở Oregon, New Mexico và Arizona. Các công ty này còn 'làm ăn' được với Huawei đa phần có cơ sở hoặc nhà máy ở một số quốc gia tại châu Âu hay châu Á. Điều này giúp họ có thể lập luận rằng khối tài sản trí tuệ trong chip bán cho Huawei không được tạo ra ở Mỹ.

Samm Sacks, một chuyên gia an ninh mạng tại New America cho biết: 'Chúng tôi biết nhiều công ty Mỹ vẫn tiếp tục giao hàng cho Huawei nhờ việc lách luật thông qua các quốc gia khác hoặc bên thứ 3. Một câu hỏi đặt ra là liệu lệnh cấm của Huawei có giúp ích cho an ninh quốc gia hay không, hay là chỉ tạo ra mớ hỗn độn như hiện nay'.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng con số doanh thu 9 tháng đầu năm của Huawei không nói lên được rằng doanh nghiệp này vẫn hoạt động tốt. Ông Robert Atkinson cho rằng: 'Số liệu bán hàng của Huawei 9 tháng đầu năm không nói lên được nhiều điều bởi họ đã dự trữ vật tư trong một thời gian dài và dự đoán trước được hành động của Mỹ. Doanh số quý IV năm 2019 sẽ là chỉ số chính xác về tác động của lệnh cấm vận với Huawei'.

Trước đây, Huawei cũng từng dự báo rằng việc họ bị đưa vào 'danh sách đen' của Bộ thương mại Mỹ sẽ có thể làm giảm doanh thu thiết bị tiêu dùng khoảng 10 tỷ USD. Nguyên nhân chủ yếu là vì Google đã không còn cấp phép sử dụng dịch vụ Google trên Android cho các thiết bị cầm tay mới của Huawei.

T.T

Chủ đề khác