VnReview
Hà Nội

CEO LG Display cảnh báo “sự tồn vong của công ty đang bị đe dọa” vì kinh doanh khủng hoảng

Sự dư thừa nguồn cung tấm nền LCD đã đẩy công ty Hàn Quốc vào cảnh thua lỗ. Để tồn tại, họ đang phải thi hành chính sách ‘thắt lưng buộc bụng' nghiêm ngặt.

Trung Quốc đẩy LG và Samsung vào khủng hoảng ở thị trường màn hình.

LG Display vừa thông báo sẽ bị lỗ 372 triệu USD trong quý ba kết thúc vào tháng Chín vừa qua. Đầu tuần này, CEO Jeong Ho-young đã gửi cảnh báo tới các nhân viên rằng "sự tồn vong của công ty đang bị đe dọa", sau khi kết quả kinh doanh yếu kém bị phơi bày.

Đây là lần đầu tiên công ty bị lỗ trong quý kinh doanh thứ ba của năm. Trước đây, giai đoạn ba tháng từ tháng Sáu đến tháng Chín thường là điểm sáng, khi nhiều khách hàng trong đó có Apple phát hành sản phẩm mới. Dưới áp lực của Trung Quốc, các hãng Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày càng tụt lại trong cuộc đua mở rộng công suất tấm nền LCD, dẫn đến bị đánh bật khỏi đường đua. Giá trung bình của tấm nền LCD đã giảm 20-30% so với một năm trước đây.

Liên tiếp thua lỗ, LG Display đang gặp khủng hoảng

Một nhà phân tích cho biết: "Đây là tình trạng dư thừa nguồn cung tồi tệ nhất trong lịch sử. Không ai có thể duy trì được lợi nhuận". Nhờ có nhà nước chống lưng, BOE, CSoT và nhiều hãng màn hình khác vung tiền xây các nhà máy mới, dần đưa Trung Quốc lên vị thế thống trị nguồn cung tấm nền LCD. Một nhà máy như vậy đòi hỏi mức đầu tư hơn 4 tỷ USD, các hãng Nhật Bản và Đài Loan không thể đáp ứng được khoản vốn này.

Vì thế, chỉ còn Hàn Quốc ở lại cố cạnh tranh với Trung Quốc. Samsung dựa vào ngân sách dồi dào - chỉ riêng đơn vị bán dẫn trong năm 2018 cũng tạo ra 44 tỷ USD doanh thu - đã rót 11 tỷ USD cho công nghệ OLED. Dự kiến dây chuyền OLED của họ có thể vận hành sớm nhất vào 2021. Công ty gần như từ bỏ màn hình LCD cỡ lớn, chỉ còn phụ thuộc vào một nhà máy ở Trung Quốc chung vốn với CSoT. Các TV Samsung từ lâu đã mua bổ sung tấm nền từ Trung Quốc, Đài Loan, không lo bị thiếu nguồn cung vì quyết định đầu tư này.

Khủng hoảng giống LG, nhưng Samsung đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đầu tư 11 tỷ vào công nghệ OLED

Trong khi đó, LG Display lại không được may mắn như vậy. Tân CEO vừa kêu gọi xem xét lại toàn diện cách thức tính toán cho các khoản đầu tư mới, trước lo ngại dòng tiền của công ty không đủ trang trải cho cuộc chạy đua với Trung Quốc và Samsung. Một nhà phân tích cho rằng LG Display cần phải tạm hoãn sản xuất tại nhà máy LCD ở Hàn Quốc, trong tình thế bị thua lỗ hiện nay.

OLED được xem là ‘ánh sáng cuối đừng hầm' nhưng LG Display lại không tận dụng triệt để được. Lượng tấm nền OLED cung cấp cho Apple của họ thậm chí chưa bằng 1/10 của Samsung. Khả năng cạnh tranh tại thị trường tấm nền di động cho họ gần như là con số 0, ngoài trừ đơn hàng màn hình cho Apple Watch đang ‘cứu' LG. Ở thị trường tấm nền TV, công ty nắm thế độc quyền. Tuy nhiên, với quy mô 2,5 triệu chiếc TV OLED được bán vào năm ngoái, vẫn chưa đủ để LG Display hòa vốn.

Mỗi năm có khoảng 220 triệu chiếc TV được bán ra, nhưng OLED thậm chí chưa qua nổi mốc 5 triệu đơn vị

Công ty hiện đã vận hành nhà máy OLED tại Quảng Châu, kỳ vọng sẽ tạo nên kỳ tích trong tương lai. Mở rộng năng suất, giảm giá thành là chìa khóa để LG tiến tới lợi nhuận ổn định, nhưng các nhà quan sát đang lo ngại liệu họ có thể đẩy nhanh quá trình đó bằng các phương pháp sản xuất mới hay không. Sản lượng ban đầu hiện vẫn đang dưới mức kỳ vọng.

Một đại diện trong ngành công nghiệp cho biết công suất nhà máy vẫn chỉ đang ở mức 50 đến 60%. Theo thiết kế, nhà máy có thể cho ra lò 60.000 chất nền mỗi tháng, công suất sẽ tăng lên mức tối đa 90.000 vào năm 2021. Nguyên nhân được dự đoán có thể do việc thay đổi nhà cung ứng vật liệu, khi LG Display cố đổi sang một đơn vị khác khiến năng suất thấp hơn kỳ vọng.;

Nhà máy OLED tại Quảng Châu chưa đạt năng suất như kỳ vọng của LG Display

Vì chưa ổn định, kế hoạch áp dụng công nghệ MMG (Multi-Model Glass) đã phải hoãn lại. Đây là phương pháp tối ưu diện tích kính phôi, từ một đế cắt ra nhiều màn hình với cỡ khác nhau nhằm tăng năng suất. Đây là lần đầu tiên họ áp dụng cách này với màn hình OLED. Trở ngại này có thể làm chậm lại tham vọng mở rộng mảng kinh doanh truyền hình OLED. LG Electronics đang muốn cắt giảm chi phí, cải thiện nguồn cung để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường.

Tình cảnh ‘họa vô đơn chí' này khiến LG Display phải tính toán lại. Dự kiến ngân sách chi tiêu sẽ bị cắt giảm 427 triệu USD, theo Reuters. Công ty cũng đang thu hẹp quy mô hai dây chuyền LCD ở quê nhà, tránh để tồn kho. Đây đã là quý thứ 3 liên tiếp họ bị lỗ, công ty đang lâm vào khủng hoảng thực sự.

Ambitious Man

Chủ đề khác