VnReview
Hà Nội

TV, điều hòa Asanzo được "sản xuất" như thế nào?

Theo kiểm tra của các cơ quan chức năng, sản phẩm điện tử, điện lạnh của Asanzo được lắp ráp rất đơn giản và không có dây chuyền chuyên nghiệp.

Asanzo sản xuất tivi như thế nào?

Tháng 6/2019, báo Tuổi trẻ có loạt bài điều tra về quy trình sản xuất 1 chiếc tivi của công ty Asanzo. Tại đó, tờ báo này cho rằng Asanzo đã 'đội lốt' hàng Việt Nam khi phần lớn các linh kiện đều nhập từ Trung Quốc và việc lắp ráp cũng hết sức đơn giản. Từ đó, báo Tuổi trẻ cho rằng Asanzo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng khi công ty này chỉ đơn giản là lắp những linh kiện đến từ Trung Quốc lại với nhau và gọi đó là hàng 'Made in Vietnam'.

Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ban chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 Quốc và các Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp xác định làm rõ những thông tin do báo Tuổi trẻ phản ánh. Tuy nhiên, đến ngày 4/9, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sau khi làm việc với Asanzo đã có báo cáo gửi Thủ tướng cho rằng sản phẩm điện tử của Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá là 'sản xuất tại Việt Nam', 'chế tạo tại Việt Nam' hoặc 'xuất xứ từ Việt Nam'... là phù hợp với quy định của pháp luật liên quan của Việt Nam hiện hành.

Việc có những luồng thông tin khác nhau liên quan đến Asanzo có lừa dối người tiêu dùng về nhãn mác hay không và quy trình sản xuất tivi như thế nào khiến rất nhiều người đặt dấu hỏi. Đến ngày 28/10/2019, Tổng cục Hải quan đã có cuộc họp với các cơ quan chức năng và công khai kết quả kiểm tra tại Asanzo.

Tổng cục Hải quan cho biết quy trình sản xuất tivi thực tế của Asanzo chỉ có:

- 12 dãy bàn với chiều dài khoảng 30m, rộng 1,5m (diện tích 45) mỗi bàn để vừa một TV 50 inch.

- Một phòng test bảng mạch với 8 máy tính và 8 người làm việc.

- Việc lắp ráp được thực hiện thủ công bằng cách lắp vít, không lắp cấu hình chính.

- Toàn bộ quy trình lắp ráp tivi cần 12 người và 30 người phụ trợ với tổng thời gian là 25 phút.

- Sau khi lắp xong, mỗi chiếc tivi được đóng vào các bao bì mang nhãn hiệu Asanzo, in ngôn ngữ tiếng Việt, mã số mã vạch Việt Nam, xuất xứ Việt Nam, sau đó bán cho 19 công ty khác để đưa ra thị trường nội địa.

Đáng nói hơn, những dãy bàn này cũng từng là nơi lắp ráp điều hòa nhiệt độ của Asanzo. Tuy nhiên, từ tháng 5/2018 đến nay, công đoạn lắp điều hòa đã được chuyển sang vị trí khác.

Kết luận của Tổng cục Hải quan cũng tương tự với những điều tra trước đây của báo Tuổi trẻ. Khi đó, tờ báo này nhận thấy Asanzo lắp ráp tivi chỉ gồm 4 bước:

- Lấy Panel LCD trong thùng đặt lên dây chuyền.

- Gắn board mạch điều khiển.

- Gắn các cụm dây.

- Gắn nắp lưng TV vào Panel LCD.

Một chiếc tivi có hai thành phần quan trọng nhất là tấm panel LCD và board mạch điều khiển thì Asanzo đều mua từ các công ty của Trung Quốc và chỉ đơn giản lắp ráp lại với nhau để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.

Các sản phẩm khác của Asanzo như điều hòa, ấm siêu tốc cũng được "sản xuất" tương tự.

Theo Tổng cục Hải quan, Asanzo lắp 1 chiếc điều hòa nhiệt độ trong 30 phút gồm: 2 phần chính gồm lắp dàn lạnh và lắp dàn nóng. Mỗi phần gồm 10 bước như lắp mô tơ quạt, cánh quạt vào sườn, lắp dàn lạnh vào sườn nhựa, lắp bo mạch, đi dây, lắp dàn áo, dán tem.

Với ấm siêu tốc, Asanzo "sản xuất" bằng cách lắp ráp các bộ phận có sẵn, nhập từ Trung Quốc về để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh bao gồm ghim thiếp nguồn dưới và dây nguồn, bắt đế nguồn, lắp đèn báo và đế bình, ráp nắp bình, dán tem phụ và đóng hộp.

Tổng cục Hải quan nhận định các sản phẩm đồ điện tử, điện lạnh của Asanzo như tivi, điều hòa... tạo ra giá trị gia tăng không cao, chỉ khoảng 1 - 2%. Nếu căn cứ vào các quy định hiện hành thì không thể cho rằng đây là sản phẩm 'Made in VietNam', cho thấy Asazo có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa.

Trước những kết luận về quy trình sản xuất, lắp ráp tivi của Asanzo, đại diện của VCCI tại cuộc họp thừa nhận họ mới chỉ nghe doanh nghiệp giãi bày, chứ chưa từng tiếp xúc thực tế với bộ hồ sơ của Asanzo và nếu quy trình sản xuất mới chỉ gia công bằng tua vít để vặn, xoáy thôi thì rõ ràng không vượt qua được giai đoạn gia công đơn giản. Điều này trái ngược với một số nhận định trước đây cho rằng sản phẩm của Asanzo được lắp ráp ở Việt Nam, đã vượt qua giai đoạn gia công đơn giản nên có thể được dán nhãn 'Made in Vietnam' khi xuất khẩu.

Asanzo có công nghệ Nhật Bản hay không?

Một phần trong những quảng cáo của Asanzo là việc cho rằng có công nghệ Nhật Bản trong các sản phẩm của mình. Doanh nghiệp này tiếp tục khẳng định điều đó trong buổi họp báo vào tháng 9 với tựa đề 'Chúng tôi được minh oan'. Tại đó, Asanzo đã đưa ra hợp đồng số TA-24/2017 ký với công ty Sharp Roxy (Hong Kong LTD) để được cung cấp phần mềm và chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, nội dung hợp đồng cũng đề cập tới việc Asanzo cho biết công ty Sharp Roxy (Hong Kong LTD);là một phần của tập đoàn Sharp Nhật Bản.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho biết Asanzo có dấu hiệu lừa dối khách hàng khi tự nhận danh xưng 'đỉnh cao công nghệ Nhật Bản'. Qua kiểm tra cơ quan chức năng cho biết từ ngày 25/9/2016, tập đoàn Sharp Nhật Bản không còn liên doanh với công ty Sharp Roxy Hong Kong. Kể từ thời điểm đó, chữ ký và con dấu của công ty Sharp Roxy (Hong Kong LTD) không còn hiệu lực. Về chữ ký trên hợp đồng mà Asanzo công bố thì cũng không xác định được người ký. Đồng thời, đại diện của công ty TNHH điện tử Sharp Việt Nam cũng đã gửi đơn tố cáo hành vi "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" của công ty CP tập đoàn Asanzo đến Công an TP.HCM, Bộ Công an.

Cùng với đó, tại cuộc họp ngày 28/10, đại diện bộ Khoa học - Công nghệ (KH - CN) cho biết trong tháng 8 đơn vị này cũng có công văn 2436 trả lời Asanzo về đăng ký chuyển giao công nghệ ký giữa Asanzo và Sharp Roxy (Hong Kong LTD). Trong đó, bộ KH - CN khẳng định nội dung hợp đồng chưa thể hiện việc chuyển giao công nghệ nên bộ này chưa đủ cơ sở cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ giữa 2 bên.

T.T

Chủ đề khác