VnReview
Hà Nội

Nhà sản xuất màn hình iPhone "ngập lụt" trong lỗ ở quý thứ 11 liên tiếp

Theo Reuters đưa tin, Japan Display (JDI), công ty đang cung cấp tấm nền LCD cho iPhone và iPad, đã báo cáo về tình trạng chịu khoản lỗ ròng trong tài khóa thứ 11 liên tiếp.

Trong khoảng thời gian 3 tháng từ tháng 7 đến tháng 9/2019, công ty này đã lỗ đến 233 triệu USD so với khoản lỗ 71,7 triệu USD cùng quý năm ngoái. Một nửa doanh thu của công ty này phụ thuộc vào "ông lớn" Apple và với việc Táo khuyết quyết định chuyển sang sử dụng tấm nền OLED cho cả hai sản phẩm của mình trong năm 2018 và 2019, đã khiến Japan Display không thể đạt được sản lượng sản xuất như trước đây.

Thật ra, sai lầm của Japan Display là sự chậm trễ ngay từ đầu trong việc bắt lấy xu hướng phát triển màn OLED đang nở rộ, do đó Apple đã chuyển sang sử dụng màn hình của Samsung và LG. Năm tới, theo báo cáo cả ba mẫu iPhone 2020 đều sẽ được trang bị màn hình OLED. Tuy nhiên, may thay là Japan Display vẫn sẽ cung cấp màn hình AMOLED được sử dụng trên Apple Watch Series 5 cho Apple.; Ngoài ra, iPhone SE 2 được đồn đoán dựa trên thiết kế của iPhone 8 cũng có thể sẽ sử dụng tấm nền LCD đến từ Japan Display. Nhà phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo dự kiến Apple sẽ bán được 20 triệu chiếc iPhone giá rẻ này. Đầu năm nay, Apple đã dịch chuyển một phần khâu sản xuất màn hình LCD ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang công ty Japan Display nhằm đảm bảo sự an toàn trong hoạt động kinh doanh của mình.

Nhà sản xuất màn hình của Nhật Bản đã tìm đến một gói cứu trợ trị giá 729 triệu USD vào đầu năm nay, tuy nhiên đáng tiếc là công ty đầu tư Harvest đã rút khỏi kế hoạch cứu trợ. Hiện nay, JDI đang cố gắng huy động 470 triệu USD, mặc dù chưa rõ khoản tiền đó đã bao gồm 200 triệu USD mà Apple đã đầu tư vào công ty hay chưa. Công ty Oasis của Hồng Kông vẫn tiếp tục là nhà đầu tư và dự kiến sẽ nâng mức đầu tư trong khoảng 150 triệu USD đến 180 triệu . Nhằm giúp Japan Display vượt qua giai đoạn khó khăn này, Apple đang thực hiện thanh toán hóa đơn của công ty thông qua các khoản ngắn hạn.

Dẫu vậy, vẫn có chút tin tốt trong bức tranh ảm đạm này. CEO mới của Japan Display, Minoru Kikuoka cho biết công ty đã kinh doanh có lãi trong tháng 10 vừa qua. Tháng trước, Kikuoka nói rằng lợi thế về chi phí sản xuất của LCD so với OLED sẽ giúp JDI tiếp tục mảng kinh doanh của mình cho đến năm 2021. Tình hình đó đặt ra cho nhà điều hành một năm để quyết định có chuyển hẳn sang dây chuyền sản xuất màn OLED hay không.

Những khó khăn của Japan Display bắt đầu trong giai đoạn 2014- 2015 khi mà iPhone 6 và iPhone 6 Plus được tung ra với kiểu dáng mới và trang bị màn hình LCD với kích thước lớn hơn. Japan Display lúc ấy cho rằng khung cảnh tốt đẹp này sẽ kéo dài mãi mãi và dành ra hẳn 1.5 tỷ USD đầu tư từ Apple chỉ để xây dựng nhà máy mới. Báo cáo mới nhất cho thấy nhà máy hiện chỉ có thể khai thác công suất ở mức 50% trong phần lớn quá trình vì Apple quyết định chuyển sang sử dụng tấm nền OLED trên một số (và sớm thôi sẽ là tất cả) các mẫu iPhone. Và không chỉ Apple đang trực tiếp "làm đau" JDI. Năm 2015, 33% nguồn thu của công ty đến từ việc cung cấp màn hình cho điện thoại Huawei, con số đó bây giờ sụt giảm thảm hại còn dưới 4%. Bên cạnh vấn đề phải đối phó với việc các nhà sản xuất điện thoại chuyển dần sang sử dụng OLED, Japan Display cũng đang phải cạnh tranh gay gắt với một số nhà cung cấp màn LCD khác như BOE Technology và Tianma Microelectronics.

Việc đánh giá lại khoản đầu tư 1.5 tỷ USD vào nhà máy là có chính xác hay không thật sự là một việc rất ngớ ngẩn khi mà quyết định đã được đưa ra. Rốt cuộc, chính Apple cũng muốn nhà máy được xây dựng, bằng chứng là số tiền mà Táo khuyết sẵng sàng cho JDI vay. Các hậu quả đến dồn dập sau này chẳng qua là do Japan Display đã không mạnh dạn xâm nhập vào thị trường OLED "màu mỡ".

Giang Vu theo Phone Arena

Chủ đề khác