VnReview
Hà Nội

Vụt mất thị trường Ấn Độ sẽ là thảm họa đối với Samsung

Trong nhiều năm qua, Ấn Độ đã vươn lên trở thành thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới, vượt qua Mỹ và đứng sau Trung Quốc, với tỷ lệ thâm nhập smartphone chiếm 25%. Hiện Ấn Độ đang là thị trường tiềm năng để các hãng di động lớn phát triển.

Theo dữ liệu báo cáo từ IDC, thị trường smartphone Ấn Độ đã ghi nhận kỷ lục bán ra 46,6 triệu thiết bị trong quý 3/2019, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi thị trường tiêu thụ điện thoại trên toàn cầu vẫn giữ ở mức cân bằng, ổn định.

Tuy nhiên, thật không may cho;Samsung khi thị phần của hãng tại Ấn Độ đang ngày càng sụt giảm. Trước đó, Samsung đã đạt 22,6% thị phần trong quý 3/2013. Nhưng đến thời điểm hiện tại, con số này đã giảm xuống còn 18,9%, với các lô hàng bán ra giảm từ 9,6 triệu xuống còn 8,8 triệu chiếc.

Hiện Samsung đang là nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 Ấn Độ, xếp sau Xiaomi. Nhưng các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc như Vivo, Realme và Oppo đang dần nhanh chóng thu hẹp khoảng cách.

Không chỉ Ấn Độ, Samsung còn thất bại tại thị trường Trung Quốc

Theo báo cáo của IDC và Counterpoint, thị phần smartphone Samsung tại thị trường số 1 thế giới - Trung Quốc, đang ở mức báo động dưới 1%. Còn nhớ vào năm 2015, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã từng nắm trong tay 20% thị phần thị trường của quốc gia này. Nhưng chỉ trong 4 năm sau đó, thương hiệu điện thoại lớn nhất thế giới đã biến mất hoàn toàn trên bản đồ smartphone Trung Quốc. 

Không chỉ vậy, Samsung cũng đang hụt hơi tại thị trường Ấn Độ lớn thứ hai thế giới, trong khi các hoạt động kinh doanh tại Mỹ, thị trường lớn thứ ba thế giới, cũng bị trì trệ trong nhiều năm qua. Và nếu tiếp tục đi theo vết xe đổ ở thị trường Trung Quốc, Samsung sớm muộn sẽ vụt mất hai thị trường lớn và phát triển nhất thế giới. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh toàn cầu lẫn hiệu quả tài chính của công ty trong tương lai.

Khó khăn trong việc cạnh tranh với các thương hiệu smartphone giá rẻ của Trung Quốc

Ở cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ, Samsung đều đang phải đối mặt với các đối thủ lớn đến từ Trung Quốc. Tại quốc gia tỷ dân, Huawei đang nắm giữ 42% thị phần, Vivo với 18,3%, Oppo 16,6% và Xiaomi 9,8%.

Trong khi tại thị trường Ấn Độ, các nhà sản xuất này cũng đang rất bành trướng với thị phần trong quý 3/2019 dẫn đầu là Xiaomi (27,1%), Vivo (15,2%), Realme (14,3%) và Oppo (11,8%), tăng trưởng từ mức 8,5% đến 400% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài Samsung, không ít người dùng hiện nay chọn mua điện thoại đến từ các thương hiệu Trung Quốc. Các sản phẩm đến từ Trung Quốc thường có ngoại hình ấn tượng, kết hợp với phần cứng camera cùng mức giá cực kỳ phải chăng đã khiến người dùng cân nhắc chọn mua.

Kèm với đó, số lượng sản phẩm được ra mắt mỗi năm của các hãng smartphone Trung Quốc tương đối lớn, phủ kín mọi phân khúc, đánh vào toàn bộ mức giá và nhu cầu thị trường nên người dùng ngày càng có nhiều lựa chọn hấp dẫn hơn ngoài Samsung.

Mặc dù vậy, Samsung vẫn tương đối chậm chạp trong việc ứng phó với sự ồ ạt của các smartphone giá rẻ đến từ Trung Quốc. Đến đầu năm 2019, Samsung mới bắt đầu cho ra nhiều mẫu điện thoại tầm trung thuộc dòng Galaxy A và Galaxy M series.

Tuy hãng đã đẩy mạnh lộ trình ra mắt sản phẩm, lẫn đầu tư phần cứng tốt cùng mức giá hấp dẫn hơn, nhưng vẫn bị tụt lại và khiến các hãng điện thoại Trung Quốc trở thành lựa chọn hàng đầu trong mắt đại đa số người dùng. Đồng thời, những thương hiệu này cũng đầu tư vào các kênh phân phối lẫn chi mạnh vào quảng cáo để nâng cao độ nhận diện thương hiệu với người dùng.

2020 có thể là năm khó khăn đối với Samsung

Là nhà sản xuất lớn trong ngành công nghiệp smartphone, áp lực hiện tại buộc Samsung phải duy trì đà phát triển. Đây được xem là nhiệm vụ khó nhằn đối với gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc khi thị trường điện thoại thông minh toàn cầu đang dần bị bão hòa và tuột dốc. Và nếu để xảy ra bất kỳ thất bại nào ở thị trường Ấn Độ, Samsung sẽ phải gánh chịu những ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của mình trong tương lai.

Dù vẫn đang phát triển mạnh và thống trị ở thị trường châu Âu, Hàn Quốc và phần lớn Mỹ, nhưng những thị trường này đã bị bão hòa và khó phát triển hơn. Chưa dừng lại ở đó, doanh số của Samsung có thể sụt giảm do người dùng đang có xu hướng sử dụng thiết bị sử dụng lâu hơn. Đây không chỉ là vấn đề liên quan đến mảng kinh doanh điện thoại của Samsung, mà còn ảnh hưởng đến các mảng cung cấp linh kiện phần cứng khác như chip xử lý, tấm nền hiển thị.

Mặt khác, khi xét về khía cạnh tích cực, Samsung vẫn dẫn đầu tại thị trường lớn thứ 4 thế giới, Brazil với 40% thị phần. Hiện Brazil và Nga vẫn là một trong những thị trường tiềm năng cho các hãng smartphone lớn phát triển, mặc cho thị phần của Samsung ở Nga cũng đang có dấu hiệu giảm dần.

Nếu nhanh chóng thay đổi và tìm ra hướng đi mới, có lẽ trong năm 2020 Samsung sẽ vụt sáng tại các thị trường nói trên. Trước những trở ngại từ các thương hiệu khác, Samsung cần làm sao để tăng thị phần của mình. Một trong số đó có thể kể đến như đầu tư vào các kênh tiếp thị, quảng bá và phân phối hàng hóa.

Thái Âu

Chủ đề khác