VnReview
Hà Nội

Công ty chủ quản của TikTok bắt đầu có bước đi “lấy lòng” quan chức Mỹ

Có vẻ như ByteDance, công ty sở hữu TikTok không muốn mạng xã hội này bị chết yểu như nhiều ứng dụng Trung Quốc khác bị khai tử tại thị trường Mỹ mới đây.

ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng mạng xã hội âm nhạc phổ biến TikTok đã có động thái tách biệt nhiều hoạt động của ứng dụng khỏi chính công ty để cố gắng thuyết phục các quan chức Mỹ về tính an toàn của ứng dụng.

Cụ thể, ByteDance đã thực hiện tách các nhóm phát triển kinh doanh và sản phẩm của TikTok và các nhóm pháp lý khỏi ứng dụng này kể từ hồi đầu năm nay. Hãng cũng thuê một nhà tư vấn bên thứ ba để kiểm tra cách xử lý dữ liệu cá nhân và khẳng định, luôn lưu trữ dữ liệu của người dùng Mỹ ở một nơi vượt ngoài thẩm quyền của chính phủ Trung Quốc.

Hơn nữa, ByteDance cho biết đang thuê thêm các kỹ sư Mỹ về làm việc cho ứng dụng TikTok và thành lập một đội giám sát quản lý dữ liệu ở Mountain View, California.

Theo Reuters đưa tin, động thái trên của ByteDance nhằm "lấy lòng" các quan chức Mỹ trước những cáo buộc rủi ro an ninh liên quan đến TikTok trong thời gian gần đây.

ByteDance mua lại ứng dụng Musical.ly có trụ sở tại Mỹ vào năm 2017 với giá hàng tỷ đô, giúp TikTok nhanh chóng có được hàng trăm triệu người dùng mới. Theo Reuters, ByteDance hy vọng sẽ trấn an Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) rằng, dữ liệu người dùng sẽ không bị rò rỉ vào tay chính phủ Trung Quốc.

Bước đi này nhằm tránh TikTok rơi vào tình cảnh giống như Grind, một ứng dụng hẹn hò dành cho nam giới đồng tính phổ biến tại Mỹ buộc phải bị bán đi. Trước đó, Kunlun Tech, công ty chủ quản của ứng dụng đã phải ký thỏa thuận với Ủy ban đầu tư nước ngoài ở Mỹ (CFIUS) trước sức ép của giới chức Mỹ.

Hiện tại dữ liệu người dùng TikTok được thu thập bao gồm tên, tuổi, địa chỉ, email, số điện thoại, dữ liệu vị trí, thông tin tài khoản và mọi nội dung được tải lên ứng dụng. Tuy nhiên mối lo ngại về TikTok ngày càng lớn khi nhiều công ty khác như Huawei hay ZTE đều đã rơi vào tầm ngắn của các quan chức an ninh Mỹ. Lý do liên quan đến luật an ninh mạng của Trung Quốc yêu cầu các công ty nước này phải cung cấp thông tin cho chính phủ khi cần thiết.

Cách đây không lâu, quân đội Mỹ đã đưa ra thông báo cấm sử dụng TikTok để tuyển quân và các học viên cũng không được phép sử dụng TikTok để quay các video liên quan đến quân đội.

Xoay quanh câu chuyện của TikTok vẫn còn rất nhiều điều để nói khi mới đây, một người dùng tiết lộ tài khoản của cô đã bị chặn sau khi đăng một đoạn video TikTok chỉ trích cách hành xử của chính phủ Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ. Đáp lại TikTok cho biết tài khoản của người dùng này trước đó đã đăng một bức ảnh liên quan đến Osama bin Laden, do đó bộ lọc ngôn từ, khủng bố của ứng dụng đã để ý đến cô.

Mai Huyền

Chủ đề khác