VnReview
Hà Nội

11 tỷ phú siêu giàu bỗng chốc trắng tay: kẻ tự tử, người vào tù

Du thuyền triệu đô, biệt thự lớn, máy bay riêng, xe sang và nhiều thứ khác - những người đàn ông và phụ nữ này từng có tất cả. Nhưng một loạt các quyết định tồi tệ, xui xẻo và nhiều yếu tố khác đã khiến họ mất sạch trong chớp mắt.

Sau đây là câu chuyện buồn của 11 tỷ phú, những người rơi vào phá sản và mất tất cả, theo tổng hợp của trang South China Morning Post.

Patricia Kluge

Patricia Kluge đã từng kết hôn với người đàn ông giàu nhất thế giới, John Kluge, người có khối tài sản cá nhân trị giá 5 tỷ USD vào năm 1990. Vào thời điểm họ ly hôn, cô chỉ còn lại 1 triệu USD, nhưng cô cũng nhận được bất động sản xa hoa của Albemarle ở vùng nông thôn Virginia (Mỹ). Cô đã nắm cơ hội và thành lập Nhà máy rượu vang và Vườn nho Kluge.

Kluge cũng tham gia kinh doanh bất động sản bằng cách vay 65 triệu USD để xây dựng hơn một chục ngôi nhà sang trọng, nhưng hóa ra đó là sai lầm lớn nhất. Cuộc khủng hoảng ngân hàng và nhà ở năm 2008 đã khiến Kluge vỡ nợ và buộc phải bán bất động sản cùng với mọi tài sản có giá trị.

Bất động sản, nhà máy rượu và vườn nho của cô đã được Donald Trump (nay là tổng tổng Mỹ) mua với giá 6 triệu USD.

Huang Wenyi

Huang Wenyi là chủ tịch của China Jicheng Holdings, một công ty sản xuất ô dù có trụ sở tại Hồng Kông, 75% cổ phần thuộc sở hữu của ông và vợ Chen Jieyou. Trong một đợt giảm giá gần đây trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu công ty đã giảm khoảng 91% chỉ sau hai ngày, lấy đi 1,9 tỷ USD từ tài sản cá nhân của ông.

Sự biến động cao của thị trường chứng khoán Hồng Kông khiến nhiều công ty khác thua lỗ hàng tỷ USD.

Alberto Vilar

Alberto Vilar là cựu giám đốc đầu tư có trụ sở tại Mỹ. Ông đã kiếm được hàng tỷ USD thông qua công ty đầu tư Amerindo Investment Advisors. Cùng với đối tác kinh doanh, Gary Tanaka, Vilar đã kiếm lợi nhuận khổng lồ trong những năm qua. Vào thời kỳ đỉnh cao, công ty Vilar, có giá trị ròng ước tính là 1 tỷ USD.

Nhưng vào năm 2000, thị trường chứng khoán hỗn loạn đã ảnh hưởng xấu đến cả tình trạng tài chính và công ty của ông. Sau đó vào năm 2005, Vilar và Tanaka bị bắt vì tội gian lận chứng khoán và trong ba năm, cả hai bị kết tội rửa tiền, lừa đảo và các scandal lừa đảo chứng khoán. Hiện tại, ông đang thụ án 10 năm tù.

Adolf Merckle

Adolf Merckle đã từng là một trong những người giàu nhất nước Đức với khối tài sản cá nhân khoảng 12,8 tỷ USD. Giống như những người khác trong danh sách này, Merckle cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008, trong đó ông mất khoảng 3,6 tỷ USD. Mặc dù mất mát lớn, ông vẫn là một trong năm người đàn ông giàu nhất nước Đức.

Nhưng đến cuối năm 2008, công ty đầu tư VEM của ông đã phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản nghiêm trọng và báo cáo khoản lỗ 6 tỷ USD. Để bù đắp, Merckle đã chơi một canh bạc khổng lồ bằng cách thực hiện một loạt các khoản đầu tư rủi ro, song cuối cùng lại khiến ông mất nhiều tiền hơn. Sau khi mất gần như tất cả, Merckle bi thảm kết liễu cuộc đời mình bằng cách lao vào một chuyến tàu.

Vijay Mallya

Vijay Mallya là một doanh nhân Ấn Độ và là cựu tỷ phú, hiện đang là đối tượng dẫn độ từ Anh sang Ấn Độ, đối mặt với cáo buộc gian lận tài chính lớn. Mallya, "Vua của Thời cơ", đã trở thành vua rượu giàu nhất Ấn Độ sau khi tiếp quản công ty cỡ trung của cha mình ở tuổi 28. Ông đã biến doanh nghiệp đó thành một công ty trị giá hàng tỷ USD, tạo ra khối tài sản cá nhân trị giá 1,5 tỷ USD.

Những rắc rối của ông bắt đầu khi số nợ dồn lên hãng hàng không Kingfisher. Ông sớm mất quyền kiểm soát đối với United Spirits và buộc phải từ chức chủ tịch. Với khoản nợ hàng triệu USD, Mallya trốn khỏi Ấn Độ để tìm nơi ẩn náu ở Anh. Từ một tỷ phú, Mallya nhanh chóng trở thành tội phạm bị truy nã.

Seán Quinn

Suy thoái kinh tế năm 2008 đã buộc nhiều công ty kinh doanh và nhiều người giàu có phải phá sản - và một trong số đó là Seán Quinn, từng là người giàu nhất ở Ireland với giá trị ròng khoảng 6 tỷ USD vào năm 2005. Với sự giúp đỡ của công ty Quinn Group do ông nắm quyền, ông đã mua nhiều công ty đa quốc gia, gồm cả Bupa Ireland và Anglo Irish Bank.

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra với hệ thống ngân hàng Ireland, Quinn đã mất gần như toàn bộ tài sản của gia đình, phần lớn do những tổn thất nặng nề của Anglo Irish Bank. Năm 2008, một trong những doanh nghiệp của ông, hãng Bảo hiểm Quinn, bị Cơ quan quản lý tài chính Ireland phạt 3,25 triệu euro (3,6 triệu USD) vì các khoản vay nội bộ do Bảo hiểm Quinn cấp.

Vướng vào nhiều trường hợp kiện tụng thanh lý, phạt và lừa đảo, cuối cùng Quinn đã nộp đơn xin phá sản cá nhân vào năm 2011.

Bernard Madoff

Không nghi ngờ gì nữa, Bernie Madoff là "vua" của các mô hình Ponzi (hình thức vay tiền đa cấp - vay của người này để trả nợ người khác). Trong hơn 20 năm, cho đến khi bị bắt vào năm 2008, Bernie Madoff đã lừa đảo thành công hàng ngàn nhà đầu tư số tiền hàng tỷ USD. Trong kế hoạch của mình, Madoff hứa hẹn cho khách hàng mức lợi nhuận cao và ổn định.

Sau khi kế hoạch thất bại trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các cuộc điều tra liên bang đã phát hiện ra hành vi gian lận trị giá 64,8 tỷ USD. Người ta ước tính rằng Madoff đã tích lũy hàng tỷ USD tài sản cá nhân.

Bernard Lawrence Madoff bị bắt ngày 11 tháng 12 năm 2008 do bị buộc tội gian lận tài chính.

Elizabeth Holmes

Elizabeth Holmes, một nhà phát minh và doanh nhân người Mỹ, đã trở thành nữ tỷ phú tự thân trẻ nhất năm 2015 sau khi công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe của cô, Theranos, đạt mức định giá 9 tỷ USD và kiếm được lợi nhuận khổng lồ. Holmes trở thành người nổi tiếng ngay lập tức, tên của cô nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2015.

Nhưng thời gian làm tỷ phú của cô bị không lâu khi các cuộc điều tra liên bang tiến hành với công ty, sau những cáo buộc đánh lừa nhà đầu tư về một công nghệ xét nghiệm máu mới. Với những cáo buộc này, uy tín và sự giàu có cá nhân của cô đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Forbes đã giảm giá trị tài sản cá nhân của cô xuống 0 và Fortune đã gọi Holmes là một trong những nhà lãnh đạo thất vọng nhất thế giới. Cô cũng bị Trung tâm Dịch vụ Medicare và Trợ cấp y tế cấm làm bất kỳ vị trí nào trong hai năm.

Allen Stanford

Robert Allen Stanford là một cựu tỷ phú tài chính, hiện đang thụ án 110 năm tù kể từ năm 2009 sau khi bị kết án trong một vụ lừa đảo tài chính lớn. Ông là chủ tịch của công ty dịch vụ tài chính "ma" Stanford Financial Group. Một trong những công ty con của nó, Ngân hàng Quốc tế Stanford, tuyên bố họ có khoảng 8,5 tỷ USD AUM (tài sản thuộc quyền quản lý) của ít nhất 30.000 khách hàng tại hơn 136 quốc gia khác nhau.

Mọi chuyện bắt đầu vào năm 2009, khi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ mở cuộc điều tra về Allen Stanford và công ty của ông, buộc ông tội lừa đảo vì đã bán trái phép 8 tỷ USD trong chứng chỉ tiền gửi có lãi suất cao trong một chương trình Ponzi khổng lồ. Cuối cùng ông bị bắt vào tháng 6/2009, tội gian lận, rửa tiền, cản trở công lý cùng các cáo buộc khác.

Björgólfur Guðmundsson

Cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2007-2008 đã ảnh hưởng đến Iceland nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Mọi chuyện bắt đầu khi cả ba ngân hàng lớn của Iceland vỡ nợ vào cuối năm 2008, điều này đã gây bất ổn lớn về kinh tế và chính trị ở Iceland kéo dài trong ba năm.

Bjorgólfur Guðmundsson, người giàu thứ hai ở Iceland trước cuộc khủng hoảng, đã giành được khoảng 45% cổ phần của Landsbanki - một trong ba ngân hàng lớn nhất - vào năm 2002. Theo Forbes, vào tháng 3/2008, Guðmundsson xếp hạng 1.014 trong danh sách những người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản là 1,1 tỷ USD.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, Guðmundsson mất chức chủ tịch Landsbanki năm 2008 và tuyên bố phá sản cá nhân một năm sau đó. Trong vòng chưa đầy một năm, tài sản cá nhân của ông đã giảm từ 1,1 tỷ USD xuống 0.

Mặt khác, con trai của ông, Thor Bjorgolfsson, người cũng đã mất toàn bộ tài sản trong cuộc khủng hoảng tài chính 2007-08, đã lấy lại vị thế tỷ phú của mình vào năm 2015. Thor là tỷ phú duy nhất của Iceland cho đến nay.

Eike Batista

Doanh nhân người Brazil Eike Batista đã có và rồi mất đi khối tài sản trị giá hàng tỷ USD trong ngành khai thác dầu mỏ trong khoảng thời gian hai thập kỷ. Với 30 tỷ USD tài sản cá nhân vào năm 2011, Batista trở thành người giàu thứ tám trên trái đất và giàu nhất ở Brazil. Số phận tỷ phú của ông biến mất sau một sự cố bất ngờ trong ngành khai thác mỏ và sự sụp đổ của một trong những công ty lớn nhất của ông OGX.

Hai năm sau, vào năm 2013, tạp chí Forbes báo cáo rằng Batista mất gần 20 tỷ USD trong chỉ một năm. Một năm sau, do khoản nợ khổng lồ và cổ phiếu công ty liên tục giảm, tài sản cá nhân của ông đã tụt từ 200 triệu USD sang tài sản âm.

Vào tháng 1/2017, Batista đã bị chính quyền Brazil bắt giữ trong một vụ án rửa tiền cao cấp trị giá 100 triệu USD.

Hoàng Lan

Chủ đề khác