VnReview
Hà Nội

Thấy gì qua việc Adayroi ngưng "đốt tiền", bỏ cuộc chơi?

Không quá khi nói rằng thương mại điện tử Việt là cuộc chiến 'đốt tiền' dù sở hữu tiềm năng lớn, có tốc độ phát triển tốt và thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Cuộc chiến 'đốt tiền'

Thương mại điện tử Việt trong những năm gần đây phát triển với tốc độ chóng mặt tại Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi có; nhiều đơn vị tham gia vào lĩnh vực này thì cuộc chiến 'sinh tử' cũng nổ ra và kéo theo đó là những cái chết cay đắng.

Năm 2015, sàn thương mại điện tử Beyeu chính thức đóng cửa với lời nhắn nhủ cay đắng trên trang chủ của mình. Đội ngũ quản lý của website này viết: 'Ecommerce requires lots of money. Many companies will decide to stop burning. Good luck to the rest who are still trying'. Tạm dịch: "'Thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều công ty quyết định không đốt tiền nữa. Chúc may mắn cho những người đang tiếp tục cố gắng'. Cũng kể từ đó, lý do không có tiền để 'đốt' nữa thường được nhắc đến khi có một sàn thương mại điện tử nào đó 'ra đi'.

Lời nhắn 'đau thương' của beyeu.com dành cho thương mại điện tử Việt Nam vào năm 2015

Những ví dụ điển hình của việc cạn vốn và rút khỏi lĩnh vực thương mại điện tử có thể kể đến như VNG bán 123mua.vn cho FPT, Deca.vn bị công ty quảng cáo trực tuyến 24h đóng cửa, Lazada bị Alibaba mua lại sau khi hết tiền, Lingo đóng cửa sau khi tiêu hết tiền và không còn vốn đầu tư, Robins.vn ngừng hoạt động, Thế giới di động đóng cửa vuivui.vn...

Sau khoảng thời gian định vị thương hiệu, thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong 2 - 3 năm trở lại đây xác định có 5 'ông lớn' gồm Tiki, Sendo, Adayroi, Lazada và Shopee. Giờ đây, Adayroi dừng hoạt động thì thị trường chỉ còn lại 4 thương hiệu chính. Thực ra, sự 'ra đi' của sàn thương mại điện tử đến từ Vingroup tuy khá đường đột nhưng lại không bất ngờ với nhiều người. Kể từ năm 2017, khi mà các đối thủ liên tục được rót vốn hàng chục triệu USD, mở rộng kinh doanh thì những thông tin đầu tư của Adayroi lại ít ỏi. Đồng thời, lượng truy cập trung bình hàng tháng của Adayroi giảm sút nghiêm trọng và hiện nay chỉ bằng khoảng 1/4 - 1/5 so với 4 đối thủ chính.

Tiền là yếu tố rất quan trọng với thương mại điện tử và không có nó thì khó mà sống được. Lazada, Tiki, Sendo, Shopee hiện tại vẫn còn là 'ông lớn' một phần nguyên nhân là được rót rất nhiều tiền. Chẳng hạn như sau khi mua lại Lazada, Alibaba đã rót vào sàn thương mại điện tử này với con số công bố lên đến 4 tỷ USD, Tiki liên tiếp trong 2 năm 2016 và 2017 nhận được số tiền đầu từ của JD.com lần lượt là 17 triệu USD và 44 triệu USD, Sendo năm 2018 cũng có 51 triệu USD tiền đầu tư của các nhà đầu tư...

Thủ môn Bùi Tiến Dũng khi làm đại diện cho Shopee

Tiền nhận được từ các nhà đầu tư, các trang thương mại điện tử 'ông lớn' kể trên lại chi rất mạnh tay vào cuộc đua truyền thông. Gần như những cái tên nghệ sĩ nổi tiếng nhất Việt Nam đều được mời làm KOL cho các sàn khác nhau. Như Tiki trong vài năm vừa qua gần như trong MV ca nhạc đình đám nào cũng thấy xuất hiện logo hay Shopee mời cầu thủ nổi tiếng Ronaldo (CR7), môn Bùi Tiến Dũng làm đại diện thương hiệu. Từ những con số và thông tin trên có thể thấy, thương mại điện tử Việt Nam là cuộc chiến 'đốt tiền' và ai 'đốt' được nhiều hơn sẽ có lợi thế. Từ năm 2017 đến nay, Adayroi gần như đứng ngoài cuộc đua này và việc họ đóng cửa là điều không quá bất ngờ.

'Đốt tiền' rồi vẫn lỗ

Không chỉ thi nhau mời các gương mặt nổi tiếng, những sàn thương mại 'ông lớn' của Việt Nam còn ở trong cuộc đua khuyến mại để dành thi phần. Hầu như trong dịp lễ nào các trang này cũng công bố mức giảm giá khổng lồ. Đó là lý do khiến họ thi nhau đốt tiền nhưng vẫn lỗ một cách khủng khiếp.

Theo báo cáo của VNDirect, tổng giá trị lỗ lũy kế của Lazada, Shopee và Tiki trong giai đoạn 2015 - 2018 là 9.400 tỷ đồng. Không chỉ vậy, báo cáo này còn cho rằng: 'Chúng tôi ước tính một doanh nghiệp sẽ phải chịu khoản lỗ khoảng 142 tỷ đồng mỗi năm nếu muốn giành được 1% thị phần từ các đối thủ hiện hữu ở Việt Nam'.

Adayroi đã đóng cửa khi lượng người vào hàng tháng trong quý 3/2019 chỉ còn bằng 1/4 - 1/5 các đối thủ

Cụ thể hơn, Shopee ra mắt vào tháng 8/2016 thì đến hết năm đã lỗ 164 tỷ đồng. Đến năm 2017, sàn thương mại điện tử này lỗ 600 tỷ và con số đó của năm 2018 lên đến 1.900 tỷ. Lazada năm 2016 lỗ 1.200 tỷ đồng, 2017 lỗ 2.150 tỷ. Điều đáng nói là mức lỗ của Shopee có thể giải thích được bởi doanh thu của họ trước đây rất thấp do không thu phí người bán hàng thì việc Lazada lỗ lại rất bất ngờ. Đơn vị này có kinh doanh trực tiếp nên năm 2016 có doanh thu 1.100 tỷ và năm 2017 là 2.800 tỷ đồng nhưng vẫn lỗ rất nhiều.

Từ những con số trên có thể thấy rằng dù được đầu tư rất nhiều tiền nhưng nó cũng chẳng thấm vào đâu so với con số mà các sàn thương mại điện tử lớn 'đốt' để dành thị phần. Những doanh nghiệp nhỏ có thể nhìn vào các con số đó mà 'phát hoảng' và ngừng hoạt động hoặc tìm cho mình con đường 'ngách' để phát triển.

Tuy nhiên, thị trường thương mại điện tử Việt Nam trong những năm gần đây phát triển rất mạnh, đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015 - 2018, có giá trị tới 2,8 tỷ USD. Đây là những thông số ấn tượng để các sàn thương mại điện tử tiếp tục 'đốt tiền' để cạnh tranh thị phần. Cuộc đua này chỉ có thể dừng lại khi ngành thương mại điện tử Việt Nam đã ổn định, các doanh nghiệp đã phát triển hết sức và không phải đầu tư quá nhiều vào quảng cáo, kho bãi, nhân lực... nhằm định vị tên tuổi nữa.

T.T

Chủ đề khác