VnReview
Hà Nội

Đấu không lại TSMC, Samsung chấp nhận hạ giá để kiếm hợp đồng đúc chip

Với cách biệt quá lớn về thị phần, Samsung Foundry phải tìm đến ‘hạ sách' để lôi kéo khách hàng. Công ty chấp nhận ra giá thấp hơn đối thủ của mình.

Theo Trendforce, một tổ chức nghiên cứu thị trường, tại ngành bán dẫn thì TSMC (Đài Loan) chiếm đến 52,7% thị phần đúc chip, còn Samsung Foundry chỉ chiếm 17,8%, giảm 0,7% so với quý liền trước. Đây là mức chênh lệch gấp khoảng 3 lần, cho thấy cách biệt quá lớn giữa hai công ty.

Samsung vất vả đuổi theo TSMC ở thị trường đúc chip

Những công ty đúc chip như TSMC hay nhánh Samsung Foundry trong tập đoàn Samsung Electronics sở hữu các xưởng đúc chip (fab) sẽ tiếp nhận hợp đồng từ các công ty có nhu cầu như Apple, Intel, AMD, Sony,... để sản xuất chip theo thiết kế và yêu cầu được giao. Do chi phí đầu tư và vận hành những dây chuyền đúc chip vô cùng khổng lồ, cạnh tranh giữa TSMC và Samsung Foundry luôn gay gắt.

Nóng lòng muốn đuổi kịp TSMC, Business Korea;đưa tin rằng Samsung đang hạ giá hợp đồng để lôi kéo khách hàng, chấp nhận kiếm được ít hơn để tăng thị phần đúc chip của mình. Thường thì các điều khoản và kết quả trong đàm phán sẽ không được tiết lộ, nhưng một số nhà quan sát nói Samsung đã làm vậy.

TSMC vừa giành được hai hợp đồng lớn là sản xuất chip Snapdragon 865 của Qualcomm và cảm biến hình ảnh di động của Sony

Việc hạ giá và tăng tốc công nghệ chế tạo bán dẫn mới được Samsung tiến hành song song nhằm mục đích tạo lợi thế trước TSMC. Do công ty đúc chip Đài Loan đã ‘cướp' được các khách hàng lớn như Apple, Qualcomm (hợp đồng sản xuất Snapdragon 865), và Huawei, Samsung buộc phải trông chờ vào các khách hàng mới và mức giá hấp dẫn sẽ là yếu tố giúp hãng chốt hợp đồng.

Mới đây, TSMC còn nhận được thêm hợp đồng sản xuất cảm biến hình ảnh từ Sony. Do nhu cầu từ thị trường smartphone quá lớn, hãng công nghệ Nhật Bản dù đã cố chạy hết công suất nhà máy 24/24 cũng không thể đáp ứng đủ. Họ phải tìm đến TSMC để bổ sung công suất bị thiếu, theo Digitimes tiết lộ, dự kiến bắt đầu từ năm 2021. Đây là lần đầu tiên cả hai hợp tác để sản xuất cảm biến hình ảnh.

Để có thể kiếm hợp đồng mới, Samsung chấp nhận ra giá thấp hơn 

Còn ở chiều ngược lại, không thu hút được các đơn hàng lớn nên Samsung hướng về các hãng Trung Quốc nhỏ hơn. Những công ty thiết kế chip bán dẫn hay có chuyên môn về IT nhưng không sở hữu xưởng đúc chip sẽ là đối tượng giúp Samsung giải tỏa ‘cơn khát' hợp đồng. Vừa rồi, Samsung đã ký hợp đồng sản xuất chip AI chuyên biệt với Baidu, gã khổng lồ Internet Trung Quốc. Theo dự báo trong ngành, năm 2020 cạnh tranh giữa hai hãng sẽ còn diễn ra khốc liệt hơn, khi mà thị trường chip nhớ phục hồi thúc đẩy nhu cầu tăng trở lại.

Ambitious Man

Chủ đề khác