VnReview
Hà Nội

Chiến thuật né thuế hàng tỷ USD của Google sẽ khép lại vào năm 2020

Thời đại mà Google sử dụng một cặp "cấu trúc thuế" đầy tranh cãi để né hàng tỷ đô tiền thuế đối với doanh thu quảng cáo ở nước ngoài sắp đến hồi kết, theo Reuters.

Trong năm 2020, công ty này sẽ không thể tiếp tục tận dụng cái gọi là lỗ hỗng "Double Irish" và "Dutch sandwich", cho phép họ và vô số các tập đoàn khác chuyển tiền từ Ireland đến Hà Lan và Bermuda, trốn được hàng tỷ tiền thuế.

Đây là thời điểm các quy định nhằm thay đổi chính sách thuế đối với các công ty bắt đầu có hiệu lực tại cả Mỹ và Ireland. Trước đây, các tổ chức đa quốc gia như Google có thể sử dụng một mạng lưới các tổ chức liên kết được đặt tại Ireland, Hà Lan và Bermuda để thu và giữ số tiền kiếm được ở nước ngoài, một phần lớn là nhờ vào hệ thống luật thuế ưu đãi của Ireland.

Tên của "cấu trúc thuế" này xuất phát từ chiến lược chuyển tiền của Google từ một công ty con của họ tại Ireland sang một công ty cổ phần cũng của họ tại Hà Lan, sau đó chuyển tiếp cho một công ty bình phong là một nhánh khác ở Ireland nhưng lại được đặt tại Bermuda, nơi có quyền cấp phép sở hữu trí tuệ cho Google, vì thế cụm từ "Dutch sandwich" (tạm dịch là Bánh kẹp Hà Lan) được sử dụng. Bermuda không đánh thuế thu nhập doanh nghiệp, khiến cho nơi đây trở thành một điểm dừng "thiên đường" về báo cáo thu nhập. Toàn bộ quá trình này giúp né một cách hiệu quả khoản thuế thu nhập tại Mỹ và phần thuế khấu trừ tại châu Âu đối với lợi nhuận ở nước ngoài, mặc dù vẫn phải trả một số tiền cho chính phủ Ireland.

Năm 2014, đối mặt với áp lực gia tăng từ phía EU và Mỹ, Ireland đã tạm đóng những lỗ hổng này. Dẫu vậy, các công ty vẫn có được thời gian gia hạn đến 2020 để tuân thủ theo quy định mới, đó là lý do tại Google chỉ vừa mới thay đổi cấu trúc thuế hiện nay của mình, còn trước đó thì tiếp tục sử dụng kế sách thuế để gom góp tiền trên toàn cầu cho đến thời hạn. Theo Reuters, Google đã chuyển 23 tỷ USD đến Bermuda vào năm 2017 bằng cách trốn thuế này.

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Trump đang cố gắng khuyến khích các công ty thu hồi lợi nhuận về Mỹ bằng cách hạ thuế suất doanh nghiệp từ 35% xuống còn 21%. Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2018 đã cho phép các công ty thu hồi tiền kiếm được ở nước ngoài cho Mỹ mà không phải đối mặt với nhiều khoản thuế. Những thay đổi này chứng minh sự quan trọng của nó đối với ông lớn Google, công ty đang thu về hàng chục tỷ đồng thu nhập ở nước ngoài.

"Chúng tôi hiện đang đơn giản hóa cấu trúc của công ty và sẽ cấp phép IP của chúng tôi từ Mỹ, chứ không phải Bermuda. Bao gồm tất cả các loại thuế thu nhập hằng năm và một lần trong 10 năm qua, thuế suất hiệu quả toàn cầu của chúng tôi là hơn 23%, với hơn 80% số thuế đó là tại Mỹ", theo người phát ngôn của Google.

Giang Vu

Chủ đề khác