VnReview
Hà Nội

Hàng không Vinpearl Air không thể cất cánh vì Vingroup muốn tập trung cho công nghệ

Tập đoàn Vingroup hôm nay vừa thông báo rút khỏi mảng vận tải hàng không vì có nhiều công ty lớn tham gia, có thể dẫn đến dư thừa cung, gây lãng phí cho xã hội.

Thông tin này đến khá bất ngờ khi công ty Vinpearl Air của Vingroup có vốn điều lệ 1.300 tỉ đồng, trụ sở chính đặt tại khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội mới công bố thành lập tháng 7/2019. Không chỉ lập hãng hàng không, khi đó Vingroup cũng mở trường đào tạo phi công và nhân lực ngành hàng không VinAviation.

Hàng không Vinpearl Air không thể cất cánh vì Vingroup muốn tập trung cho công nghệ

Poster quảng bá ngày hội tuyển sinh phi công và nhân lực hàng không cho trường VinAviation. Tuy nhiên, ước mơ bay cùng Vinpearl Air sẽ không thể thành hiện thực vì nay Vingroup đã rút khỏi mảng vận tải hàng không.

Theo VnExpress, mặc dù Vingroup dừng làm Vinpearl Air, song vẫn duy trì Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation và thực hiện đúng cam kết với các học viên.

Nguyên nhân của quyết định dừng dự án Vinpearl Air – theo kế hoạch sẽ bắt đầu bay thương mại vào tháng 7/2020 với 6 máy bay thân hẹp, đến năm 2024 đội bay sẽ đạt 30 chiếc (bao gồm 21 máy bay thân hẹp và 9 máy bay thân rộng), đến năm 2026 sẽ là 42 chiếc – ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết:

"Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui".

Hiện cả nước có 5 hãng hàng không - Vietnam Airlines và VASCO thuộc sở hữu nhà nước, hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines và hãng hàng không tư nhân Vietjet Air và Bamboo Airways.

Vào thời điểm Vingroup tuyên bố nhảy vào lĩnh vực hàng không, có ý kiến cho rằng Vinpearl Air sẽ là đối thủ đáng gờm với các hãng hiện tại vì Vingroup tiềm lực mạnh, có hệ sinh thái lớn từ bất động sản cho đến du lịch, y tế, giáo dục, thương mại. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại Vingroup đang đầu tư dàn trải.

Ngoài VinFast và VinSmart, Vinpearl Air, Vingroup còn các dự án lớn khác, bao gồm tổ chức Giải đua xe Công thức Một đầu tiên của Việt Nam vào năm 2020 tại Hà Nội, trường Đại học VinUni cũng tuyển sinh năm nay.

Việc dừng Vinpearl Air, cùng với đó là mảng bán lẻ với việc bán lại chuỗi siêu thị Vinmart, dừng hoạt động trang web thương mại điện tử Adayroi, giải thể chuỗi điện máy Vinpro cho thấy Vingroup đang dọn dẹp danh mục đầu tư để tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh được xác định là cốt lõi.

Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings từ tháng 7/2019 đã ngừng đánh giá với Vingroup vì tập đoàn chủ động dừng tham gia vào quá trình đánh giá. Trong lần xếp hạng cuối cùng, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng được xếp ở mức B+ với triển vọng "tiêu cực"

Hồng Thúy

Chủ đề khác