VnReview
Hà Nội

Sốc: 2.153 tỷ phú giàu hơn cả 4,6 tỷ người cộng lại!

Theo số liệu thống kê từ tổ chức từ thiện Oxfam, 1% người giàu nhất thế giới đang có số tài sản nhiều hơn gấp đôi phần còn lại thế giới. Đây quả thực là một con số đáng báo động về tình trạng phân hóa giàu nghèo.

Trong một báo cáo công bố trước thềm cuộc họp thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sỹ, tổ chức từ thiện Oxfam đã đưa ra những con số khiến nhiều người không khỏi giật mình.

Cụ thể báo cáo có tựa đề "Time to Care" nhấn mạnh về sự bất bình đẳng kinh tế đã vượt tầm kiểm soát khi 2.153 tỷ phú đang có số tài sản giàu hơn cả 4,6 tỷ người cộng lại tính riêng trong năm 2019.

Thậm chí Oxfam mô tả, ngay cả khi một người tiết kiệm được 10 ngàn USD/ngày kể từ khi con người bắt đầu xây dựng kim tự tháp Ai Cập đến nay, họ mới chỉ có khối tài sản ít hơn 80% so với 5 người giàu nhất thế giới.

Đặc biệt chênh lệch kinh tế còn liên quan tới cả giới tính khi phụ nữ và các bé gái không có cơ hội tiếp cận với các cơ hội việc làm tốt hơn. Báo cáo cho thấy, phụ nữ và trẻ em gái dành khoảng 12,5 tỷ giờ làm việc không lương mỗi ngày trên thế giới. Con số này tương đương với khoảng 10,8 ngàn tỷ đô/năm đóng góp cho nền kinh tế toàn cầu.

Số liệu do trang Bloomberg tổng hợp cho thấy, 3 người giàu nhất thế giới đã tích lũy được tổng cộng 230 tỷ USD trong thập kỷ qua. CEO Facebook Mark Zuckerberg và là người giàu thứ 5 thế giới có mức tăng cao nhất trong năm ngoái với tài sản ròng tăng khoảng 6 tỷ USD. Trong khi đó, CEO Amazon Jeff Bezos vẫn là tỷ phú giàu nhất thế giới với khối tài sản ròng lên tới 116 tỷ USD.

Theo bảng xếp hạng Bloomberg Wealth, tổng tài sản của 20 tỷ phú hàng đầu đã tăng gấp đôi từ 672 tỷ USD lên 1.394 USD kể từ năm 2012.

Tất nhiên có rất nhiều nhà phê bình phản bác các con số của Oxfam nhưng tổ chức này vẫn kiên quyết bảo vệ các phân tích của mình. Tổ chức này còn cho biết, các phân tích và thống kê hàng năm của Oxfam đều dựa trên báo cáo Global Wealth của Credit Suisse. Do đó nếu dữ liệu có thiếu sót hoặc không đầy đủ, thậm chí đánh giá thấp quy mô chênh lệch giàu nghèo là điều không thể tránh khỏi.

Oxfam trích dẫn các nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, việc thu hẹp bất bình đẳng có tác động lớn tới việc giảm nghèo so với tăng trưởng kinh tế. Phân tích cho thấy, nếu các quốc gia cố gắng giảm bất bình đẳng thu nhập khoảng 1% mỗi năm thì sẽ có ít hơn 100 triệu người phải sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực vào năm 2030.

Số liệu từ một tổ chức chuyên cho vay tại Mỹ cho thấy, tình trạng nghèo đói cùng cực đã giảm mạnh trong 2 thập kỷ qua. Cụ thể những người có mức sống dưới 1,9 USD/ngày đã giảm 1,1 tỷ người từ năm 1990 tới nay.

Tuy nhiên WB cảnh báo, tình trạng giảm nghèo đã chậm lại hoặc thậm chí đảo ngược ở một số quốc gia.

Kết thúc báo cáo, Oxfam kêu gọi các nhà hoạch địch chính sách tăng thuế thêm 0,5% đối với những người giàu nhất thế giới trong thập kỷ tới nhằm giảm bất bình đẳng kinh tế. Theo các nhà nghiên cứu, việc tăng 0,5% thuế đối với người giàu sẽ mang lại một lượng tiền đủ lớn để tạo ra 117 triệu việc làm trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế.

Oxfam khẳng định sự xuất hiện của những người cực giàu là một dấu hiệu của một hệ thống kinh tế thất bại. Chính phủ các nước cần phải mạnh tay hơn nữa để giảm thiểu khoảng cách giữa người giàu và phần còn lại của xã hội, đồng thời ưu tiên sự thịnh vượng của cả xã hội nói chung.

Mai Huyền

Chủ đề khác