VnReview
Hà Nội

CEO Sundar Pichai: Vì sao Google cần phải “quản lý” hoạt động của trí tuệ nhân tạo (AI)?

Các công ty không thể chỉ cứ tạo ra công nghệ và để "kệ" cho các thế lực thị trường quyết định chúng sẽ được sử dụng như thế nào.

Bài viết của Sundar Pichai, CEO của Alphabet và công ty con Google và được đăng tải trên trang The Financial Times. VnReview chuyển ngữ và giới thiệu với bạn đọc.

Sinh ra và lớn lên ở Ấn Độ, tôi đã luôn bị công nghệ mê hoặc. Mỗi sáng chế mới đều thay đổi cuộc sống của gia đình tôi một cách có ý nghĩa. Điện thoại giúp chúng tôi không phải đi những quãng đường xa tới bệnh viện để nhận kết quả xét nghiệm. Tủ lạnh giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian chuẩn bị bữa ăn, còn tivi giúp chúng tôi theo dõi các tin tức thế giới và các trận đấu cricket mà trước đó chúng tôi chỉ có thể tưởng tượng ra khi lắng nghe tường thuật trên đài radio.

Giờ đây, thật là vinh hạnh khi tôi được ở đây và giúp định hình nên những công nghệ mới, mà chúng tôi hy vọng có thể giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người trên khắp thế giới. Một trong những thành tựu hứa hẹn nhất là trí tuệ nhân tạo (AI): mới chỉ trong tháng này thôi, đã có tới ba ví dụ minh hoạ một cách rõ nét cách mà Alphabet và Google đang đạt được những bước tiến trong việc khai thác tiềm năng của AI.

Tạp chí Nature đã cho xuất bản một trong những nghiên cứu của chúng tôi, theo đó cho thấy các mô hình trí tuệ nhân tạo có thể giúp các bác sĩ phát hiện bệnh ung thư vú thông qua những bức ảnh chụp quang tuyến vú với độ chính xác rất cao; bên cạnh đó chúng tôi cũng tìm ra cách sử dụng AI để đưa ra những dự báo mưa chính xác từng địa điểm theo thời gian thực, với tốc độ và độ chính xác cao hơn so với những mô hình dự báo thời tiết hiện tại – điều đáng chú ý đây chỉ là một phần của một bộ công cụ lớn hơn mà chúng tôi phát triển để chống lại biến đổi khí hậu. Lufthansa Group cũng đang hợp tác với mảng điện toán đám mây để thử nghiệm ứng dụng AI để giúp giảm thiểu tình trạng trễ chuyến bay.

CEO Sundar Pichai: Vì sao Google cần phải

Tuy nhiên, lịch sử luôn chứa đầy các ví dụ cho thấy không phải công nghệ lúc nào cũng chỉ có những mặt tích cực. Sự xuất hiện của động cơ đốt trong cho phép con người di chuyển xa hơn khỏi khu vực mình sinh sống, nhưng cũng là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn hơn. Mạng Internet giúp con người có thể kết nối với bất kỳ ai và nhận thông tin từ bất kỳ nơi nào trên thế giới, nhưng nó cũng góp phần vào vấn nạn tin giả lan truyền ngày một mạnh mẽ và phức tạp hơn.

Những bài học trên dạy chúng ta phải luôn sáng suốt và cảnh giác trước những mặt trái có thể ập đến. Có những nghi ngại thực sự về các hậu quả tiêu cực khôn lường của trí tuệ nhân tạo, từ "deepfake" cho tới việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt vào những việc làm bất chính. Mặc dù hiện đã có một số giải pháp được triển khai để đề phòng những vấn đề này, song điều chắc chắn là thách thức vẫn sẽ ngày một nhiều lên trong tương lai – một bài toán mà không thể chỉ một công ty, hoặc thậm chí là một ngành công nghiệp, có thể tự gtiải quyết một mình.

Liên minh châu Âu và Mỹ đã đang bắt đầu xây dựng các dự thảo luật về vấn đề này. Sự liên kết và hợp tác quốc tế giữa các quốc gia cũng sẽ đóng vai trò quan trọng giúp các tiêu chuẩn toàn cầu có hiệu lực. Và để đạt được điều đó, chúng ta cần đạt được đồng thuận về các giá trị cốt lõi. Các công ty như của chúng tôi không thể chỉ xây dựng các công nghệ mới đầy tiềm năng và để cho thị trường quyết định chúng sẽ được sử dụng như thế nào. Chúng tôi cũng cần phải làm việc để đảm bảo rằng những công nghệ đó sẽ chỉ được sử dụng vì những mục đích tốt và đem lại tác động tích cực cho tất cả mọi người.

Và bây giờ, đối với tôi, điều chắc chắn là trí tuệ nhân tạo sẽ cần phải được đưa vào khuôn khổ. Điều này quá quan trọng đến mức không cần phải bàn cãi. Vấn đề là tiếp cận nó như thế nào.

Đây cũng là lí do mà vào năm 2018, Google đã công bố những nguyên tắc đối với AI của chính chúng tôi để giúp định hướng việc phát triển và sử dụng công nghệ này một cách có đạo đức. Những quy định đó giúp chúng tôi tránh được những quan điểm thiên lệch, đồng thời tập trung kiểm tra kỹ lưỡng mức độ an toàn của công nghệ, ưu tiên vấn đề quyền riêng tư trong quá trình thiết kế sản phẩm, và làm cho các công nghệ đó hoạt động một cách có trách nhiệm đối với người dùng. Các quy định này cũng nêu rõ những lĩnh vực mà chúng tôi không được phép thiết kế hay ứng dụng AI, chẳng hạn như để hỗ trợ việc theo dõi số lượng lớn hay vi phạm nhân quyền.

Tuy nhiên, các quy tắc nếu chỉ nằm trên giấy thì cũng vô nghĩa. Do đó chúng tôi đã phát triển các công cụ để ứng dụng chúng vào thực tiễn, chẳng hạn như thử nghiệm AI để đưa ra các quyết định công bằng và tiến hành các đánh giá độc lập về vấn đề quyền con người trong các sản phẩm mới. Thậm chí, chúng tôi còn đi xa hơn bằng cách phổ biến các công cụ này, cùng một số đoạn mã nguồn mở khác, tới nhiều người hơn, nhờ đó giúp những người khác cũng có thể sử dụng AI vào các mục đích tích cực. Chúng tôi tin rằng bất kỳ công ty nào phát triển các công cụ AI mới đều nên tuân thủ các quy định mang tính chất định hướng này, và phải trải qua các quy trình đánh giá nghiêm ngặt.

Các quy định mang tính chất ràng buộc từ các chính phủ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng. Chúng ta không cần phải bắt đầu mọi thứ từ đầu. Các quy định sẵn có, chẳng hạn như Quy định chung về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu, có thể đóng một vai trò nền tảng. Các khung pháp lý tốt sẽ đề cập đến các khía cạnh như sự an toàn, tính dễ giải thích, sự công bằng và trách nhiệm để đảm bảo các công cụ được phát triển với những mục đích đúng đắn. Các quy định nhạy cảm cũng cần phải được tiếp cận một cách phù hợp, cân bằng giữa những nguy cơ có thể xảy ra (đặc biệt là trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, với các cơ hội dành cho xã hội.

CEO Sundar Pichai: Vì sao Google cần phải

Sundar Pichai, CEO của Alphabet và Google

Các quy định có thể cung cấp những hướng dẫn tổng quát nhất, trong khi vẫn cho phép chúng ta ứng dụng một cách hợp lý trong các lĩnh vực khác nhau. Đối với một số ứng dụng của AI, chẳng hạn như các thiết bị y tế như thiết bị theo dõi tình trạng tim có sự hỗ trợ của AI, những khung pháp lý hiện có sẽ đóng vai trò điểm khởi đầu. Với các lĩnh vực mới hơn như thiết bị xe tự lái, các chính phủ cần thiết lập các quy định mới phù hợp, trong đó tính đến tất cả các lợi ích và rủi ro có liên quan.

Vai trò của Google bắt đầu với việc xác định yêu cầu phải có một cách tiếp cận có nguyên tắc trong việc áp dụng AI, nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó. Chúng tôi muốn trở thành một đối tác hữu ích và tích cực với các nhà làm luật trong quá trình họ tìm hiểu những áp lực và sự đánh đổi trong quá trình thiết lập các quy định quản lý AI. Chúng tôi mang đến tri thức chuyên môn, kinh nghiệm và các công cụ để cùng định hướng giải quyết các vấn đề đó.

AI có tiềm năng giúp cải thiện cuộc sống của hàng tỉ người, và rủi ro lớn nhất là việc nó không thể hoàn thành đầy đủ vai trò của mình. Với việc đảm bảo công nghệ này được phát triển một cách có trách nhiệm, mang đến lợi ích cho tất cả mọi người, chúng ta sẽ giúp truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai tin tưởng vào sức mạnh của công nghệ, như chính bản thân tôi ở thời điểm hiện tại vậy.

Quang Huy

Chủ đề khác