VnReview
Hà Nội

CEO Microsoft: hướng tới một kỷ nguyên “hậu” Windows, iOS và Android trong tương lai

Tương lai của 46 tỷ thiết bị tiếp theo nằm ở đây.

"Bạn nghĩ đâu là mảng kinh doanh phần cứng lớn nhất của Microsoft?", CEO Microsoft, ông Satya Nadella tuần trước đã đặt câu hỏi như vậy tại một sự kiện nội bộ dành cho truyền thông. "Xbox", một phóng viên lên tiếng. Anh cũng chính là người đã đặt câu hỏi với Nadella về việc các sản phẩm phần cứng của công ty như Surface và Xbox sẽ nằm ở đâu trong những tham vọng lớn hơn của công ty. "Không, đó là đám mây của chúng tôi," Nadella phản bác và giải thích Microsoft đã xây dựng mọi thứ từ các trung tâm dữ liệu cho đến các tủ máy chủ và tủ mạng nằm bên trong.

CEO Microsoft hướng tới một kỷ nguyên

Vị phóng viên này tiếp tục nhấn mạnh đến các sản phẩm phần cứng, một câu hỏi thường được đặt ra từ khi Microsoft bắt đầu đặt trọng tâm vào đám mây. Nadella đã mang đến cho chúng tôi tầm nhìn rõ nhất về Microsoft trong thời hiện đại, một công ty đã không còn đặt nặng chuyện đang có khoảng 1 tỷ người dùng Windows – vốn trước đó là một trong những niềm tự hào của Microsoft.

"Hướng tiếp cận của tôi là Windows sẽ là nền tảng cơ sở với 1 tỷ người sử dụng. Chúng tôi tiếp tục có thêm khoảng vài trăm triệu máy tính cá nhân (PC) sử dụng nền tảng của mình mỗi năm, và nhiệm vụ của chúng tôi là phải phục vụ họ theo cách thật xuất sắc," Nadellla giải thích. "Một điều nữa chúng tôi cũng muốn hướng đến đó là bối cảnh chung lớn hơn. Chúng tôi không muốn bị định nghĩa bởi những gì mình đã làm được. Chúng tôi thường hướng đến mục tiêu 50 tỷ thiết bị. Windows với 1 tỷ thiết bị tốt rồi, Android có 2 tỷ và đó cũng là điều tốt, iOS có 1 tỷ thiết bị – OK, nhưng nếu thế thì vẫn có 46 tỷ thiết bị nữa. Do đó chúng tôi cần hướng đến con số 46 tỷ (cộng 4) này, thiết kế chiến lược cho chúng, và đặt mọi thứ vào đúng chỗ."

CEO Microsoft hướng tới một kỷ nguyên

Microsoft đã từng đề cập đến tiềm năng đến từ sự phát triển nhanh chóng của Internet vạn vật (IoT), từ các cảm biến nhỏ nhất và các thiết bị đơn giản nhất, trong suốt nhiều năm qua; trong bối cảnh công ty đang xây dựng một đế chế đám mây và "lặng lẽ" mua lại các công ty giúp họ quản lý hàng tỷ thiết bị kết nối với đám mây này. Một số nhà phân tích cho biết hiện đã có khoảng 22 tỷ thiết bị kết nối Internet trên toàn cầu, và sẽ tăng lên khoảng 50 tỷ thiết bị trong năm nay, năm 2025 hoặc 2030, theo các báo cáo của các nghiên cứu khác nhau. Hiện vẫn có những bất đồng về số lượng chính xác các thiết bị đang được kết nối với Internet, nhưng Nadella đã quyết định tái cấu trúc Windows và Azure để sẵn sàng cho kỷ nguyên này.

"Đôi khi tôi nói rằng, ‘Nhìn này. Liệu có nên gọi Windows là… Azure Edge không nhỉ?'", Nadella đã tiết lộ như vậy cũng trong sự kiện dành cho giới truyền thông diễn ra vào tuần trước, và cho rằng đó chính là bản chất của hệ điều hành ngày nay, đó là sử dụng phần cứng để hiển thị một mô hình ứng dụng. "Cách tổ chức mới của chúng tôi là sẽ quản lý mọi thứ ở cấp độ lõi kernel và phần cứng… vẫn là một nhóm phát triển đó. Dù đó là một ứng dụng chạy trên Surface hay trên máy chủ Azure, thì vẫn chỉ cần 1 nhóm phát triển đó mà thôi."

Mặc dù Nadella vẫn thường hay trích dẫn câu nói của các nhà triết học, các nhà thơ trong những bản ghi chú hay các cuộc gặp với các nhà đầu tư, và thậm chí cả khi xuất hiện trên sân khấu, nhưng cực hiếm khi thấy ông nói một cách thẳng thắn như vậy về những tham vọng của Microsoft. Bạn không cần thiết phải "giải mã" ngôn ngữ của ông để thấy rằng ông đang hướng trực tiếp đến một tương lai xa hơn nhiều so với iOS, Android hay Windows ở thời điểm hiện tại, để hướng đến việc xây dựng Azure trở thành "chiếc máy tính trung tâm của thế giới".

Người dùng thông thường có thể dễ hiểu nhầm "Microsoft mới" của Nadella là chỉ tập trung vào Azure và điện toán đám mây, hoặc lo ngại rằng công ty sẽ biến thành một IBM thứ hai. Microsoft sẽ cần phải hết sức cẩn thận để tránh trường hợp bị so sánh như vậy. Nhưng công ty chắc chắn là vẫn rất tham vọng trong việc tạo ra một môi trường đa nền tảng, hỗ trợ trải rộng trên khắp các loại thiết bị điện toán của thế giới – dù rằng chưa rõ điều này sẽ được thực hiện nhờ vào việc biến điện toán phân phối trở thành hiện thực với tài nguyên xử lý và lưu trữ khổng lồ, hay hướng đến sử dụng công nghệ của Xbox để tạo ra những bộ điều khiển cho hệ điều hành Azure Sphere, vốn được xây dựng dựa trên một nhân kernel Linux tuỳ chỉnh.

CEO Microsoft hướng tới một kỷ nguyên

Microsoft cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn từ các đối thủ, những công ty cũng đang muốn tham gia cuộc chơi quản lý hàng tỷ thiết bị đang được kết nối Internet này. Amazon, ARM, Dell, Huawei, Cisco, IBM, Intel, Google, HP, Oracle, Qualcomm, Samsung, và nhiều cái tên khác cũng đang "tranh đấu" để có được thị phần trong thị trường đầy tiềm năng này, nhưng vẫn chưa có cái tên nào thực sự nổi trội hơn hẳn. Gã khổng lồ phần mềm sẽ cần phải thuyết phục và hợp tác với các đối thủ, nếu muốn thực sự hiện thực hoá được những tham vọng này. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy Microsoft đang hợp tác với Amazon để tích hợp Alexa và Cortana với nhau, hợp tác với Samsung để cài đặt các ứng dụng Android, hợp tác với Walmart để xây dựng công nghệ cho các cửa hàng tạp hoá, hợp tác với Sony vì tương lai của chơi game trên đám mây, và nhiều công ty khác trong những năm gần đây.

Nadella rõ ràng đã lái Microsoft sang một hướng khác kể từ khi nắm quyền điều hành công ty 6 năm về trước. Kết quả đã thể hiện rõ chỉ sau 1 năm, công ty đã tái cấu trúc bộ phận Windows 2 năm về trước để chuẩn bị cho một thế giới hậu Windows. Thông điệp của Nadella hồi tháng 10 vừa qua khi Microsoft chọn Android làm hệ điều hành trên thiết bị Surface Duo là, hệ điều hành không phải là cái gì đó quá quan trọng, câu chuyện nằm ở mô hình ứng dụng và trải nghiệm người dùng. Đó chính là sự thừa nhận cách thức điện toán di động đã thay đổi cách chúng ta giao tiếp và làm việc, và đó cũng là cái gật đầu của Microsoft trong việc trở lại với "gốc rễ" của chính mình là một công ty phần mềm – không chỉ là nhà sản xuất hệ điều hành Windows và bộ phần mềm Office – và cố gắng để không bỏ lỡ kỷ nguyên lớn tiếp theo.

Điều đó không có nghĩa rằng Windows đã chết hay Microsoft sẽ từ bỏ nó trong tương lai gần. Nó chỉ không còn chiếm giữ vị trí quan trọng độc tôn đối với công ty như trước kia, nhất là khi xét trong bối cảnh tương lai của Microsoft mà Nadella đã xây dựng.

"Chúng tôi chắc chắn đang suy nghĩ rất kỹ về việc đâu sẽ là "cái lớn tiếp theo" (the next big thing)," Nadella giải thích. "Nhưng đồng thời, chúng tôi cũng không nói rằng tất cả các di sản của iOS, Android, và Windows sẽ biến mất chỉ vì "cái lớn" này."

Quang Huy

Chủ đề khác