VnReview
Hà Nội

Những điều bạn chưa biết về BBK – nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới

Ngày nay, thị trường smartphone là cuộc cạnh tranh giữa khá nhiều ông lớn, ngoài các thương hiệu đã quen thuộc như Apple và Samsung.

bbk

Huawei đang tìm cách củng cố vị thế thương hiệu lớn thứ nhì thế giới của mình, với những nỗ lực lấn sân thành công sang các thị trường châu Á và châu Âu. Nhưng chỗ đứng của hãng này đang lung lay vì bị cấm kinh doanh tại thị trường Mỹ, cũng như không thể mua và sử dụng các công nghệ từ Mỹ. Và đây là lúc BBK Electronics phả hơi nóng vào gáy Huawei.

BBK là một tập đoàn đa quốc gia của Trung Quốc. Họ sở hữu một loạt các thương hiệu nổi tiếng trải rộng trên nhiều thị trường điện tử tiêu dùng khác nhau, bao gồm headphone, đầu Blu-ray, và smartphone. BBK còn nắm quyền kiểm soát đối với nhiều nhãn hiệu smartphone lớn, bao gồm Oppo, Vivo, Realme, và OnePlus.

BBK là ai?

BBK Electronics đã và đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp điện tử Trung Quốc từ những năm 1990. Duan Yongping, một tỷ phú ẩn dật, là người lãnh đạo BBK. Sau khi kiếm được hơn 1 tỷ Nhân dân tệ nhờ vào hệ máy chơi game console "Subor", vốn cạnh tranh trực tiếp với Nintendo Entertainment System (NES), Duan rời bỏ vị trí lãnh đạo một nhà máy Trung Quốc vào năm 1995. Sau đó, ông thành lập công ty Bubugao mà sau này trở thành BBK. Công ty hiện sở hữu các nhà máy với tổng diện tích lên đến hơn 10 hectare và có hơn 17.000 nhân viên.

BBK Electronics bắt đầu bằng cách sản xuất một loạt các thiết bị chơi CD, MP3 và DVD, cùng với nhiều thiết bị điện gia dụng khác. Các sản phẩm này được bán ra dưới nhiều nhãn hiệu toàn cầu. Vào năm 2004, Duan thành lập Oppo, bổ nhiệm Tony Chen làm CEO. Oppo được phát triển dựa trên kinh nghiệm của Duan trên thị trường video bằng cách bán các máy chơi đĩa DVD và Blu-ray, trước khi chuyển sang thị trường smartphone.

oppo

Các nhãn hiệu thuộc sở hữu của BBK

Vivo là công ty con lớn đầu tiên của BBK. Được thành lập bởi Duan và CEO Vivo là Shen Wei vào năm 2009. Những smartphone đầu tiên của Vivo xuất hiện vào năm 2011, tập trung vào những form factor siêu mỏng, dựa vào các đại sứ là người nổi tiếng để "tranh thủ" trong thời kỳ bùng nổ smartphone. Mảng kinh doanh cốt lõi của Vivo là những mẫu smartphone tầm trung đầy đủ tính năng, nhưng trong những năm gần đây, công ty này luôn xuất hiện trên trang nhất với những mẫu điện thoại concept mang tính thử nghiệm như series Apex và Nex.

vivo

Realme là một công ty con tương tự nhưng mới xuất hiện gần đây của Oppo. Nó được thành lập bởi Sky Li (tên khai sinh là Bingzhong Li), trước đây từng là Phó chủ tịch của Oppo Electronics, vào ngày 4/5/2018. Nhãn hiệu này lần đầu xuất hiện tại Trung Quốc với tên gọi Oppo Real hồi năm 2010, trước khi được đổi tên và xâm nhập vào một loạt các thị trường mới, bao gồm châu Âu và Ấn Độ, trong năm 2018 và 2019. Các điện thoại của Realme là sự kết hợp giữa công nghệ mới nhất và mức giá phải chăng. Realme thậm chí còn ẵm được giải "Điện thoại Android tốt nhất năm 2019" của trang tin Android Authority bình chọn.

Duan cũng không thành lập nên OnePlus – một nhãn hiệu thuộc BBK vốn rất quen thuộc với các khách hàng phương Tây. Thay vào đó, cựu phó chủ tịch Oppo là Pete Lau và đồng sáng lập Carl Pei là hai người thành lập nên công ty vào năm 2013. Dù OnePlus có tiếng tăm nhất trên toàn cầu trong số các nhãn hiệu của BBK, nó vẫn là một công ty con của Oppo, tức cũng là một công ty con của công ty mẹ BBK. OnePlus còn là nhãn hiệu cao cấp nhất trong các nhãn hiệu của BBK. Tuy nhiên, họ đi theo một hướng khác biệt so với mô hình kinh doanh dựa trên bán lẻ của Oppo và Vivo. OnePlus chủ yếu nhắm đến các đợt bán trực tuyến thông qua các nền tảng như Amazon, vốn là chiến lược từng giúp BBK xâm nhập thị trường châu Âu và Mỹ.

1+

Thương hiệu đứng thứ 2 hay thứ 3, tùy người bạn hỏi

Khi nói đến smartphone, BBK Electronics là một ông lớn, dù cho hầu hết người tiêu dùng chưa bao giờ nghe đến họ. Oppo và Vivo từ lâu đã là những nhãn hiệu lớn không chỉ trên thị trường smartphone Trung Quốc mà còn cả trên trường quốc tế. OnePlus và Realme đang nhanh chóng mang lại cho BBK thêm nhiều thị trường cũng như doanh số ngoài thành trì Trung Quốc.

Tại Trung Quốc, Oppo và Vivo đã tìm cách vượt mặt tỉ lệ tăng trưởng của kẻ "vô đối" một thời là Xiaomi bằng cách xây dựng nên một mạng lưới các cửa hàng ở khắp các địa phương, trong khi đối thủ của họ chỉ tập trung vào bán trực tuyến. Apple và Samsung hiện đang chật vật bám đuổi với các nhãn hiệu di động của Trung Quốc, vốn nổi tiếng có giá bán cạnh tranh, bao gồm các công ty con của BBK.

Trên quy mô toàn cầu, dữ liệu từ CounterPoint cho thấy thị phần tổng hợp của các nhãn hiệu thuộc sở hữu BBK đứng ở vị trí thứ hai tính đến cuối năm 2019. Chưa hết, BBK đang dẫn trước "liên quân" Huawei và Honor, và bám sát nút Samsung xét về số lượng thiết bị bán ra cũng như thị phần toàn cầu. Apple duy trì vị trí thứ hai của mình trong quý IV, khi hãng tung ra một loạt các mẫu iPhone mới. Tuy nhiên, xét về tổng thể thì hiện Apple đang đứng ở vị trí thứ 4 toàn cầu.

bbk

Thị phần smartphone toàn cầu (theo Quý)

Khi đứng riêng rẽ, các nhãn hiệu của BBK lại cho thấy một bức tranh khá khác biệt. Bạn sẽ thấy các vị trí thứ 1, 2 và 3 khá quen thuộc lần lượt thuộc về Samsung, Huawei và Apple. Oppo vẫn là nhãn hiệu độc lập lớn nhất của BBK và chỉ xếp sau vị trí thứ 3 của Apple vài phần trăm mà thôi.

Những thay đổi trong thứ tự xếp hạng vài năm trở lại đây chủ yếu có nguyên nhân từ sự tăng trưởng vượt trội tại các thị trường như Trung Quốc và Ấn Độ. Các nhãn hiệu Trung Quốc đã tận dụng lợi thế quê nhà, và chiến lược giá rẻ của họ đã rất hiệu quả tại các thị trường Ấn Độ và Đông Nam Á. Kết hợp với các chiến dịch marketing và các khoản đầu tư "khủng" vào các mạng lưới bán lẻ, "ông trùm" thị trường Ấn Độ là Xiaomi chắc chắn đã có lý do để lo lắng trước BBK. Trong khi đó, Apple và Samsung đang chật vật tìm cách tăng trưởng các nhãn hiệu của mình tại các thị trường nói trên, phải dựa vào nhóm khách hàng truyền thống nhưng đang có dấu hiệu chững lại.

Những số liệu ước tính về thị trường luôn có khả năng không chính xác, nhưng chúng cho thấy một cuộc chạy đua gắt gao nhằm chiếm lấy vị trí thứ hai toàn cầu giữa BBK và Huawei. Cả hai đều không cách quá xa so với vị vua Samsung. Thứ tự trong năm 2020 là điều không ai có thể dự đoán được.

Tương lai

BBK Electronics hiển nhiên không thỏa mãn với những thành quả đã đạt được ở thành trì Trung Quốc. Công ty này đang cạnh tranh kịch liệt với Xiaomi để giành ngai vàng ở Ấn Độ - một thị trường tăng trưởng trọng điểm. Trong khi đó, Realme và OnePlus đang mở rộng thị trường ngoài Trung Quốc. BBK còn tung ra một nhãn hiệu khác tên ikoo một vài năm trước. Nhãn hiệu smartphone nhỏ này chú trọng trải nghiệm đồ chơi điện tử giáo dục cho trẻ em nhằm tạo nên những thiết bị di động dành cho giáo dục đầu tiên trên thế giới.

Bừng cách tự mở rộng ra nhiều nhãn hiệu khác nhau, BBK đã có thể tạo ra những sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khác nhau của thị trường. Chiến lược này rõ ràng đã được đền đáp tại Trung Quốc và mang lại đà tăng trưởng thần tốc tại Ấn Độ cũng như nhiều phần của châu Âu. Xét cho cùng, khi các công ty con bắt đầu tung ra những siêu phẩm như OnePlus 7T và Realme X2 Pro, thì BBK cũng dần trở thành một cái tên khó có thể bỏ qua đối với người tiêu dùng trên thị trường di động.

Minh.T.T

Chủ đề khác