VnReview
Hà Nội

Covid-19 buộc Google, Microsoft đẩy nhanh kế hoạch sản xuất tại Việt Nam

Theo Nikkei, Google và Microsoft đang đẩy nhanh tiến độ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại, máy tính, thiết bị khác từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Thái Lan.

Covid-19 buộc Google, Microsoft đẩy nhanh kế hoạch sản xuất tại Việt Nam

Điện thoại Pixel, máy tính Surface sẽ được sản xuất tại Việt Nam. Ảnh: Reuters

Theo nguồn tin của Nikkei, Google sẽ bắt đầu sản xuất smartphone giá rẻ chưa ra mắt - Pixel 4A - với các đối tác tại miền Bắc Việt Nam vào tháng 4/2020. Google cũng lên kế hoạch sản xuất flagship thế hệ tiếp theo - Pixel 5 - vào nửa sau năm 2020 tại đây.

Google và Microsoft đều đang nỗ lực trên thị trường phần cứng nhằm thu hút nhiều người dùng hơn vào hệ sinh thái phần mềm, đám mây của họ. Google hiện là nhà sản xuất loa thông minh lớn thứ hai thế giới sau Amazon. Lượng xuất xưởng điện thoại Pixel tăng hơn 50% trong năm 2019 trên toàn cầu.

Google đã đề nghị đối tác sản xuất lâu năm giúp chuẩn bị dây chuyền sản xuất tại Thái Lan cho các sản phẩm nhà thông minh, trong đó có loa thông minh Nest Mini. Các sản phẩm đầu tiên dự kiến xuất xưởng trong nửa đầu năm nay.

Hai nguồn tin khác cho hay Microsoft cũng lên kế hoạch bắt đầu sản xuất dòng Surface, bao gồm notebook và desktop, tại miền Bắc Việt Nam sớm nhất vào quý II. Một giám đốc chuỗi cung ứng tiết lộ sản lượng ban đầu tuy nhỏ nhưng sẽ tăng dần và là hướng đi mà Microsoft mong muốn.

Cho đến nay, phần lớn - nếu không muốn nói là tất cả - smartphone Google và máy tính Microsoft đều được sản xuất tại Trung Quốc. Song, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghệ, phải cân nhắc các rủi ro khi quá phụ thuộc vào quốc gia này. Virus gây viêm phổi cấp Covid-19 càng làm tăng thêm lo ngại về việc tập trung việc sản xuất tại một điểm.

Theo một quan chức chuỗi cung ứng, ảnh hưởng từ virus chắc chắn khiến các công ty lắp ráp thiết bị điện tử phải tìm kiếm cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Không ai có thể bỏ qua những rủi ro sau sự cố này. Nó không chỉ liên quan tới chi phí mà còn là cả chuỗi cung ứng.

So với các thương hiệu chuyên về sản phẩm như Apple, HP và Dell, các hãng nhưGoogle và Microsoft có lợi thế hơn khi chuyển dây chuyền ra khỏi Trung Quốc - công xưởng sản xuất đồ điện tử lớn nhất thế giới. Một nguồn tin nhận định những "tay chơi" mới này cảm nhận được khủng hoảng sau khi thương chiến diễn ra.

Người này nói thêm rằng các công ty vẫn tiếp tục kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc ngay cả khi Washington và Bắc Kinh ký thỏa thuận thương mại giai đoạn đầu vào tháng 1/2020. Dịch Covid-19 càng củng cố thêm quyết tâm của họ.

Một trong các nguồn tin cho hay Google thậm chí còn yêu cầu nhà cung ứng đánh giá tính khả thi và chi phí khi tháo dỡ một số thiết bị sản xuất để chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam qua đường bộ, đường biển hoặc hàng không sau khi Covid-19 khiến các cơ sở sản xuất không thể khôi phục hoạt động ngay lập tức trong tháng 2.

Microsoft cũng khởi động kế hoạch sản xuất tại Việt Nam sớm hơn dự định vì dịch bệnh.

Google và Microsoft "nhẹ gánh" hơn Apple khi nói đến chuyện đa dạng hóa sản xuất nhằm giảm thiểu rủi ro. So với Apple – bán gần 200 triệu smartphone mỗi năm, Google chỉ bán 7 triệu điện thoại năm 2019, theo IDC. Toàn bộ dòng Surface chỉ tiêu thụ được 6 triệu máy trên toàn cầu, thua xa 17 triệu máy tính của Apple trong cùng kỳ.

Google bắt đầu chuyển một số dây chuyền ra khỏi Trung Quốc từ năm 2019. Công ty đề nghị một trong các đối tác chuyển đổi một nhà máy Nokia cũ ở Bắc Ninh để sản xuất điện thoại Pixel. Theo Nikkei, một nhà máy khác tại Vĩnh Phúc cũng sẽ tham gia sản xuất smartphone cho Google. Các sản phẩm nhà thông minh như bộ định tuyến Internet Nest Wi-Fi cũng được làm ra tại Việt Nam từ cuối năm trước.

Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nỗ lực đa dạng hóa của Google và Microsoft cũng chịu nhiều thách thức do các linh kiện, vật liệu cần để lắp ráp đều có xuất xứ Trung Quốc. Joey Yen, nhà phân tích của hãng nghiên cứu IDC, cho biết hệ sinh thái cung ứng cần thời gian để tái thiết.

Microsoft, Google không phản hồi yêu cầu bình luận của Nikkei.

Theo ICTnews

Chủ đề khác