VnReview
Hà Nội

Huawei được công ty lạ hỗ trợ chuyển giao công nghệ Mỹ cho Iran, vi phạm lệnh cấm vận?

Một số tài liệu cho thấy Huawei thường xuyên sử dụng một công ty mang tên Panda International để chuyển trang thiết bị cho các khách hàng ở Iran và Syria.

huawei

Đã hoạt động trong hơn 16 năm, từng được Chủ tịch Trung Quốc ca ngợi trong một cuộc họp với một lãnh đạo nước ngoài, nhưng hầu như chưa có ai ở Trung Quốc từng nghe đến cái tên Panda International cho đến khi người ta phát hiện ra nó có liên quan đến một dự án viễn thông đầy tranh cãi ở Iran.

Trang tin Reuters đưa tin hôm thứ ba rằng các bản ghi vừa thu thập được cho thấy Panda International – vốn không hề xuất hiện trong bản cáo trạng của Mỹ khẳng định Huawei Technologies vi phạm lệnh cấm vận với Iran - đã tham gia vào hoạt động chuyển giao phần cứng và phần mềm cho các dự án viễn thông không dây của Huawei ở quốc gia Nam Á.

Hai danh sách hàng hóa của Huawei, trong đó ghi rõ ngày vận chuyển là tháng 12/2010, bao gồm các trang thiết bị máy tính Hewlett Packard dự kiến chuyển đến một nhà mạng viễn thông di động của Iran – theo các tài liệu nội bộ của Huawei mà Reuters đang nắm trong tay. Một tài liệu Huawei khác, có thời gian là 2 tháng sau đó, nêu rõ: "Hiện tại trang thiết bị đã được chuyển đến Tehran và đang chờ thông quan".

Một số tài liệu cho thấy Huawei thường xuyên sử dụng Panda Internaional để vận chuyển trang thiết bị đến các khách hàng ở Iran cũng như Syria. Tháng 7 năm ngoái, một bản tin của tờ The Washington Post cũng tiết lộ mối quan hệ gần gũi giữa Huawei và Panda, cáo buộc Huawei sử dụng Panda làm "đầu mối" để cung cấp trạm gốc, ăng-ten, và các trang thiết bị khác cho Triều Tiên.

Vào năm 2014, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Panda International vào Entity List (danh sách đen mà Huawei cũng có tên), qua đó cấm công ty này mua sắm công nghệ do Mỹ sản xuất. Bộ Thương mại cho rằng Panda International đã tìm cách "xuất khẩu hàng hóa đến các khu vực bị cấm vận bởi Mỹ", nhưng không nhắc gì đến mối quan hệ của công ty này với Huawei ở thời điểm đó.

Những thông tin được cung cấp trên website của Panda cho thấy mối quan hệ giữa hai công ty đã bắt đầu từ năm 2007. Hai công ty từng hợp tác trong nhiều dự án ở nhiều quốc gia khác nhau, với sự góp mặt của nhiều loại sản phẩm khác nhau.

Được thành lập vào năm 2004, Panda International Information Technology Co hiện nằm dưới quyền kiểm soát của Panda Electronics Group Co (thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc), và chuyên sản xuất các sản phẩm viễn thông di động và quân sự.

Panda International nói trên website của mình rằng họ "đã trở thành một đối tác chiến lược ổn định và đáng tin cậy của Huawei", và chuyên hoạt động trên lĩnh vực kinh tế quốc tế, hợp tác công nghệ, và thương mại quốc tế. Công ty còn nhấn mạnh rằng họ đã được chính phủ Trung Quốc cấp giấy phép để "thực hiện viện trợ nước ngoài".

iran

Khi tìm kiếm trên các phương tiện truyền thông tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, có thể thấy các lãnh đạo quản lý cấp cao của công ty, bao gồm Chủ tịch Sun Suhui, hiếm khi xuất hiện trước báo chí.

Có bốn bản tin được đăng tải trên website của Panda trong vòng 2 năm trở lại đây có liên quan đến Huawei. Bản tin mới nhất đăng tải từ tháng 3 năm ngoái, khi Panda công bố đã được mời đến dự Hội thảo Đối tác Kinh tế Trung Quốc của Huawei – sự kiện mà công ty này đã được Huawei gọi là "đối tác tuyệt vời" và "đã được họp riêng" với các lãnh đạo quản lý cấp cao của Huawei.

Một bản tin được đăng tải riêng nói rằng Panda là nhà phân phối hàng đầu của các sản phẩm quang điện thông minh của Huawei vào năm 2018.

Năm 2017, Panda International tham dự Expo Cuba, mang đến hơn 50 sản phẩm, bao gồm TV và radio. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh doanh của họ với Cuba đã bắt đầu từ rất lâu trước đó – theo thông từ website của Panda – vào năm 2001, khi Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân giới thiệu các sản phẩm của Panda trong một cuộc họp với cựu lãnh đạo Cuba là Fidel Castro, vốn rất mong muốn được nhập khẩu TV từ Trung Quốc. Trong 2 năm tiếp theo, Panda đã bán được 1,3 triệu TV cho Cuba.

Khi được hỏi về mối liên hệ giữa Huawei và Panda, một người phát ngôn của Huawei cho biết công ty không thể đưa ra bình luận vì những thủ tục pháp lý liên quan.

"Huawei cam kết tuân thủ mọi điều luật và quy định trong nước và khu vực nơi chúng tôi hoạt động, bao gồm mọi điều luật về kiểm soát xuất khẩu của Liên Hợp Quốc, Mỹ và EU" – người phát ngôn này nói.

Minh.T.T (theo SCMP)

Chủ đề khác