VnReview
Hà Nội

FPT Retail bổ nhiệm Tổng giám đốc mới thay bà Nguyễn Bạch Điệp

CTCP Bán lẻ kỹ thuật số - FPT Retail (Mã CK: FRT) công bố quyết định HĐQT thông qua miễn nhiệm bà Nguyễn Bạch Điệp thôi giữ chức vụ Tổng giám đốc kể từ ngày 7/3/2020.

Người thay thế bà Điệp trong vai trò Tổng giám đốc FPT Retail nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 7/3/2020 đến hết ngày 6/3/2023 là ông Hoàng Trung Kiên. Bà Nguyễn Bạch Điệp vẫn nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT FPT Retail.

FPT Retail bổ nhiệm Tổng giám đốc Hoàng Trung Kiên thay bà Nguyễn Bạch Điệp

Ông Hoàng Trung Kiên

Ông Hoàng Trung Kiên sinh năm 1978, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, sau đó lấy bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh và Hệ thống thông tin (MBIS) tại Đại học Tổng hợp Tự do Bruxelles, Vương quốc Bỉ. Ông Kiên gia nhập FPT từ năm 2000 với vị trí tư vấn và kinh doanh giải pháp phần mềm khối doanh nghiệp, ngân hàng tài chính... tại Công ty Giải pháp Phần mềm FPT. Ông Hoàng Trung Kiên là Phó Tổng giám đốc FPT Telecom từ ngày 1/7/2012.

Trước đó, năm 2007, ông Kiên tham gia mảng kinh doanh Domain và Hosting, Datacenter. Ông giữ chức Phó Tổng giám đốc Công ty IDS trước khi hợp nhất với FTI; là Giám đốc FPT Telecom Vùng 1 và Vùng 2 trước khi được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc Viễn thông của FPT.

Từ tháng 3/2018, ông Hoàng Trung Kiên được bổ nhiệm là thành viên Hội đồng quản trị FPT Retail và am hiểu về công ty. Ngày 3/2 vừa qua, nhà Bán lẻ công bố phân công thêm cho anh vai trò điều hành mảng kinh doanh FPT Shop và khối hỗ trợ kinh doanh.

Theo chiến lược 3 năm tới, dược phẩm là động lực tăng trưởng của FPT Retail. Công ty đặt mục tiêu năm nay tăng số lượng cửa hàng gấp 3 lần và doanh thu đạt 1.500 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh khác như bán lẻ điện thoại, laptop và các sản phẩm phụ như đồng hồ, kính mát cũng được kỳ vọng giúp tối ưu lợi nhuận.

Hiện FPT Retail hoạt động trên nhiều lĩnh vực: sản phẩm viễn thông kỹ thuật số, dược phẩm, mỹ phẩm… Sau 7 năm phát triển, công ty sở hữu hơn 500 cửa hàng với quy mô 5.600 nhân sự. Nhà Bán lẻ FPT đặt sứ mệnh mở rộng độ phủ cửa hàng trên toàn quốc, cung cấp tới mọi tầng lớp khách hàng những trải nghiệm mua sắm tích cực, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hoá với giá cả cạnh tranh và dịch vụ chăm sóc khách hàng thân thiện.

FPT Retail tiến hành thay đổi nhân sự trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đang gặp không ít khó khăn. Mảng kinh doanh truyền thống của FPT Retail là bán điện thoại, laptop đang trong chu kỳ bão hòa và công ty đang loay hoay tìm hướng đi mới. Các mảng kinh doanh như dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu hay mỹ phẩm với chuỗi F.Beauty nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng đối mặt áp lực cạnh tranh lớn. FPT Retail từng thử sức trong lĩnh vực điện máy với việc hợp tác với Nguyễn Kim nhưng cũng không mang lại nhiều kết quả. Báo cáo hợp nhất năm 2019 cho biết FPT Retail chỉ đạt 204 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 41% so với năm trước đó. Hiện cổ phiếu FRT chỉ giao dịch quanh ngưỡng 20.000 đồng/cp, giảm 75% so với vùng giá khi mới lên sàn.

V.H

Chủ đề khác