VnReview
Hà Nội

7 lý do Intel có thể là RIM tiếp theo

Việc doanh số bán hàng của Intel suy giảm lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua chỉ là một trục trặc nhỏ so với những gì sắp xảy ra. Theo bản báo cáo vào ngày 16 tháng 10 vừa qua thì nhà sản xuất chip đổ lỗi việc doanh số bán hàng chậm là do thị trường máy tính sụt giảm lần đầu tiên trong vòng 11 năm cũng như sự suy thoái kinh tế.

Nhưng còn có nguyên nhân sâu xa hơn ẩn sau các tác động của suy thoái toàn cầu đối với sự tăng trưởng thị trường bán dẫn của Intel. Đó chính là sự thay đổi mạnh mẽ trong cách mà chúng ta sử dụng công nghệ. Sự thay đổi này có thể biến một ông lớn trong ngành sản xuất bộ vi xử lý trở thành một công ty chuyên đuổi theo lợi nhuận nhỏ và không bao giờ bắt kịp được cuộc chơi. Dưới đây là 7 lí do tại sao Intel có thể trở thành một RIM thứ hai.

1. Máy tính cá nhân đang dần bị đào thải

Một chiếc máy tính bảng có thể cung cấp mọi tính năng, từ lướt web cho đến trở thành một máy tính tiền; và trong một vài trường hợp, máy tính bảng còn có thể đảm nhận xuất sắc hơn các công việc mà chúng ta thường làm trên máy tính cá nhân. Do đó, doanh số bán ra máy tính bảng đang vượt trội so với máy tính cá nhân. Ước tính đến năm 2016 sẽ có khoảng 750 triệu máy tính bảng được sử dụng trên khắp thế giới. Theo nhà phân tích Gownder thuộc hãng nghiên cứu công nghệ Forrester, thì riêng trong năm 2016 sẽ có khoảng 375 triệu máy tính bảng được bán ra, và 1/3 trong số đó là do đối tượng doanh nhân mua. Trong lĩnh vực giáo dục, riêng doanh số bán ra iPad đã vượt qua cả máy tính cá nhân. Theo một cuộc thăm dò bởi hãng Forrester thì 13% người tiêu dùng sở hữu máy tính bảng cho biết họ chọn mua máy tính bảng thay vì laptop, 18% nói họ sẽ chờ thêm một thời gian nữa mới mua laptop mới và 14% tiết lộ họ sẽ không mua laptop mới.

Smartphone và máy tính bảng đang dần thay thế laptop

2. Thị phần của Intel trên thị trường máy tính bảng hay chip di động hầu như là không đáng kể

Với 16,5% thị phần trong thị trường thiết bị bán dẫn toàn cầu, Intel hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới. Việc hãng là ông vua trong việc sản xuất chip hiệu năng cao dùng cho các máy chủ là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, ở lĩnh vực chip điện thoại yêu cầu sử dụng ít năng lượng thì Intel chỉ chiếm 0,2% thị trường. Trong khi đó, các đối thủ của Intel ở lĩnh vực này lại rất nhiều với Nvidia đang ở vị trí thống trị, Samsung và Apple đã bắt đầu thiết kế chip riêng, thậm chí ngay cả Amazon cũng sẽ sớm chế tạo bộ vi xử lý cho máy tính bảng (có thể cả điện thoại) của riêng mình.

3. Xu hướng chuyển sang dùng điện thoại sẽ khiến lợi nhuận của Intel suy giảm

Chip hiệu suất cao của Intel thường có mức giá khoảng 250 USD, xấp xỉ 1/4 tổng giá thành một chiếc laptop siêu mỏng giá 1000 USD mà các đối tác của hãng này đang cố gắng bán ra. Theo ông Vijay Rakesh, chuyên gia phân tích nghiên cứu cao cấp thuộc mảng vi xử lí tại hãng môi giới Sterne Agee, thì chip dùng trong điện thoại và máy tính bảng lại có mức giá rất thấp, vào khoảng 10-25 USD. Tuy bộ vi xử lí Atom mà Intel thiết kế riêng cho dòng máy tính bảng chạy Windows 8 sắp tới có mức giá khá phù hợp tầm 42-47 USD, nhưng lợi nhuận mà Intel thu về từ loại chip này chỉ là một phần nhỏ so với lợi nhuận mà hãng có được nhờ bán chip máy tính. Ông Vijay Rakesh cũng cho rằng Intel chắc chắn sẽ thành công với chip Atom, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu việc bán ra chip Atom có làm giảm mức lợi nhuận vốn có của hãng?

CEO Paul Otellini giới thiệu mẫu Ultrabook Lenovo Yoga mới.

4. Ngay cả mảng chip máy chủ của Intel cũng đối mặt với khó khăn

Như đã đề cập ở trên, Intel vượt trội trong việc sản xuất chip hiệu suất cao dùng trong các máy tính cao cấp, hệ thống máy chủ hay hỗ trợ các vấn đề liên quan đến điện toán đám mây tích hợp trên web. Tuy nhiên, chi phí dùng cho việc làm mát bộ vi xử lí và hệ thống máy chủ là rất lớn, do đó các nhà quản trị mạng cần phải tìm ra cách giảm bớt lượng điện năng tiêu tốn bởi bộ vi xử lí. Điều này có nghĩa là Intel đang phải đối mặt với khó khăn trong việc sản xuất siêu chip cho máy chủ điện toán đám mây.

Intel cũng gặp khó khăn trong thị trường chip máy chủ

5. Intel đang dần mất lợi thế độc đáo của mình

Một cách mà bấy lâu nay Intel dùng để duy trì mức tỷ suất lợi nhuận thấp và công nghệ riêng đó là không giống với các nhà sản xuất chip vi xử lí khác, Intel sở hữu nhà máy chế tạo chip của riêng mình. Nhưng việc xây dựng một nhà máy chế tạo mới sẽ tiêu tốn của Intel 7 tỉ USD, mà điều này lại cần thiết đối với việc phát triển công nghệ chip mới. Do đó, nếu như Intel không thể nhanh chóng phát triển thị trường của mình, hãng này sẽ không có đủ vốn để cân bằng việc xây dựng nhà máy và sẽ mất đi thị trường hiện tại của mình. Ngay cả khi Intel xây dựng được nhà máy mới thì hãng này cũng phải đối mặt với một thị trường đầy cạnh tranh và ít lợi nhuận.

6. Đừng dựa vào Windows 8 để thay đổi bất cứ điều gì

Chip máy tính bảng của Intel sẽ được thiết kế dành cho Windows 8, nhưng không phải ai cũng muốn nâng cấp lên hệ điều hành mới. Theo nhà phân tích Vijay Rakesh thì việc nâng cấp lên Windows 8 là không cần thiết và phần lớn mọi người đều thấy hài lòng với Windows 7. Do đó, chip của Intel cần phải có khả năng vượt trội.

7. Đối với các hãng công nghệ, doanh thu "phẳng" thường báo hiệu sự tụt dốc

Theo ông Horace Dediu, một nhà phân tích ngành công nghiệp điện thoại từng dành 8 năm làm việc tại Nokia, thì báo cáo tài chính quý thường đại diện cho mức độ hiệu quả của một chiến lược kinh doanh. Ông Horace Dediu cũng trích dẫn ví dụ về doanh thu của RIM (nhà sản xuất smartphone Blackberry đang chịu nhiều sự chế giễu) trong giai đoạn 2008-2010 đều bám sát sự phát triển của thị trường điện thoại, ngay cả khi iPhone được tung ra. Nhưng khi những smartphone khác dần trở nên rẻ hơn với các ứng dụng được cải thiện thì người tiêu dùng bắt đầu vứt bỏ Blackberry. Vào năm 2011, doanh thu của RIM tụt dốc không phanh và giá trị thị trường của công ty còn xuống thấp hơn giá trị tài sản.

Dường như Intel sẽ không chịu chung số phận giống RIM bởi hãng này vẫn đang đi đầu trong mảng chip dành cho máy chủ. Hơn nữa, sự phát triển của Internet thường gắn liền với sự phát triển của thị trường dành cho máy chủ, và máy tính cá nhân sẽ chưa bị thay thế hoàn toàn ngay trong thời gian ngắn. Nhà phân tích Vijay Rakesh cũng cho biết thêm hiện nay mỗi năm vẫn có hơn 300 triệu máy tính để bàn và máy chủ được bán ra.

Tuy nhiên, như đã đề cập phía trên, các đối thủ của Intel cũng bắt đầu thiết kế chip máy chủ giá thành thấp hơn mà lại tiêu tốn ít điện năng hơn. Một lần nữa, nhà phân tích Horace Deidu đưa ra nhận xét của mình về RIM cũng như cả ngành công nghiệp di động:

"Chặng đường phát triển của RIM giống như một câu chuyện đặc trưng về sự thay đổi, sự đảo ngược vận mệnh. RIM chính là ví dụ điển hình cho việc mọi thứ đều có khả năng xảy ra. Đối với ngành công nghiệp hiện tại, mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng, và các chỉ tiêu như doanh thu hay lợi nhuận cũng không thể phản ánh hết được mọi việc. Bản thân tôi chỉ mới chứng kiến sự tăng hoặc giảm mạnh, chứ chưa từng thấy thị trường công nghệ tăng trưởng ở mức ổn định bao giờ, và điều dẫn đến thành công cũng có thể đem lại thất bại."

Sự thành công bấy lâu nay của Intel đều là nhờ vào hệ thống nhà máy chế tạo chip của hãng, cũng như vị trí dẫn đầu trong mảng chip hiệu suất cao. Tuy nhiên, hai điều này cũng chính là thứ có thể khiến Intel trở thành một RIM thứ hai.

Phương Phương

Chủ đề khác