VnReview
Hà Nội

Xiaomi đang học tập OnePlus để bước chân vào thị trường cao cấp?

Mi 10 Series là thế hệ flagship đắt nhất từ trước đến nay của Xiaomi. May mắn thay, chúng vẫn có mức giá tốt so với các đối thủ cạnh tranh. Thậm chí, Xiaomi còn không chạy theo trào lưu smartphone giá 1 nghìn USD mà các nhà sản xuất khác tạo nên.

Năm 2019, Xiaomi Mi 9 ra mắt tại Trung Quốc với giá khởi điểm 2.999 NDT (khoảng 9,8 triệu đồng). Trong khi năm nay, Xiaomi Mi 10 có giá nhỉnh hơn đôi chút, từ 3.999 NDT (khoảng 13,1 triệu đồng) và Mi 10 Pro cao cấp có giá 4.999 NDT (khoảng 16,3 triệu đồng). Như truyền thống, khi bán ra ở thị trường quốc tế, Xiaomi sẽ tăng giá bán sản phẩm.;

Cụ thể, Mi 10 và Mi 10 Pro đã được công bố ở Châu Âu vài ngày trước với mức giá khởi điểm lần lượt là 799 EUR (khoảng 20,8 triệu đồng) và 999 EUR (khoảng 26 triệu đồng). Trong khi vào năm ngoái, Mi 9 được bán ra với giá chỉ 549 EUR (khoảng 14,2 triệu đồng).

Trước đó, công ty đã thông báo rằng họ sẽ chuyển lên phân khúc smartphone cao cấp trong tương lai và Mi 10 Series là phát súng đầu tiên

Đây được xem là bước nhảy vọt về giá của Xiaomi khi chỉ trong một năm, công ty đã đẩy giá bán flagship lên cao ngất ngưởng. Rõ ràng, công ty Trung Quốc đang muốn bước chân vào phân khúc điện thoại cao cấp. Thông qua việc tự đem bản thân ra so sánh với các ông lớn Apple và Samsung, Xiaomi đang muốn chứng minh vị thế của mình. 

Nghe đến đây, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự tương đồng giữa chiến lược kinh doanh của Xiaomi và OnePlus trong nhiều năm qua.

Nét tương đồng giữa Xiaomi và OnePlus

Ba thế hệ flagship đầu tiên mà OnePlus ra mắt đều có giá dưới 300 USD, chỉ bằng một nửa so với các flagship cùng thời. Chiến lược của OnePlus là gầy dựng một lực lượng người hâm mộ riêng và độ nhận diện thương hiệu tốt nhờ mức giá rẻ, cấu hình cao.

Đến nay, bộ đôi OnePlus 7T và 7T Pro đã có giá khởi điểm lần lượt là 499 USD và 699 USD. Tuy vẫn còn thấp so với thị trường nhưng trong tương lai, OnePlus chắc chắn sẽ nhảy chân vào phân khúc điện thoại cao cấp. So về mức giá, flagship của OnePlus vẫn phải chăng hơn so với chiếc Mi 10 Pro cao cấp nhất của Xiaomi.

Đừng ngạc nhiên nếu OnePlus 8 Pro có giá từ 800 USD

Để hợp lý hóa việc tăng giá bán, OnePlus đã trang bị hàng tá công nghệ vượt trội cho chiếc smartphone của mình, từ màn hình đến camera. Thậm chí, OnePlus còn công bố một vài mẫu điện thoại nguyên bản với nhiều ý tưởng, tính năng ấn tượng. Và nếu chúng được ứng dụng trong tương lai, hứa hẹn OnePlus sẽ tăng giá bán sản phẩm lên mức hơn 1.000 USD.

Và Xiaomi cũng vậy. Trên Mi 10 Series, Xiaomi đã trang bị khả năng chụp ảnh và quay video tốt nhất, đi cùng với đó là một thiết kế đẹp để có thể cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Camera 108MP là một trong những điểm nhấn chính giúp bộ đôi flagship của Xiaomi trở nên cao cấp hơn.

Cả Xiaomi và OnePlus đang từng bước nâng cao nhận thức người dùng, biến mình trở thành một thương hiệu cao cấp sánh ngang với các ông lớn smartphone. Ngoài ra, không thể không nhắc đến các biến thể Pro cũng phần nào phục vụ các đối tượng khách hàng cao cấp hơn.

5G là vỏ bọc hoàn hảo để Xiaomi và OnePlus trở nên "cao cấp hơn"

Xiaomi đã cố gắng biện minh cho việc tăng giá bán trên Mi 10 Series. Cụ thể, Giám đốc Lu Weibing cho rằng những nâng cấp màn hình, sạc nhanh hay camera 108MP chính là yếu tố khiến giá bán sản phẩm tăng cao. Ngoài ra, ông nói thêm việc chuyển sang sử dụng vi xử lý Snapdragon 865 với modem 5G tích hợp đã phần nào khiến chi phí sản xuất đội lên gấp đôi.

Dĩ nhiên, người dùng hoàn toàn chấp nhận được việc giá bán điện thoại tăng khi có thêm trang bị 5G. Nhưng qua đó cũng giúp một số nhà sản xuất như Xiaomi hay OnePlus chen chân vào phân khúc giá cao hơn.

Trong năm 2020 hoặc thậm chí là đến năm 2021, 5G vẫn được xem như một tùy chọn bổ sung chứ chưa đủ phổ biến để trở thành tính năng cần thiết. Mặc dù điện thoại 5G tầm trung đã bắt đầu xuất hiện nhưng phần lớn người dùng chỉ quan tâm đến 5G trên các smartphone cao cấp. 

Có thể nói, 5G và biến thể Pro là hai yếu tố giúp các thương hiệu như Xiaomi và OnePlus "làm giá". Nhưng không biết các công ty có thể giữ vững chiến lược này lâu dài hay không khi sức hấp dẫn ban đầu của 5G hạ nhiệt và không còn đắt đỏ như trước.

Tại sao các nhà sản xuất non trẻ lại bận tâm đến thị trường cao cấp?

Dần dần, các nhà sản xuất smartphone không còn mặn mà với việc kinh doanh ở phân khúc tầm trung, giá rẻ. Nhất là khi thu nhập và nhu cầu sử dụng ngày càng tăng khiến người dùng chọn mua các mẫu máy cao cấp. Từ đó các tên tuổi như Xiaomi hay OnePlus bắt đầu để tâm đến thị trường đầy tiềm năng này. Có thể nhiều người chưa biết, biên lợi nhuận mà phân khúc cao cấp mang lại lớn hơn nhiều so với phân khúc tầm trung, giá rẻ.

Đơn cử như Galaxy S20 Ultra, Samsung đã chi 530 USD để hoàn thiện sản phẩm nhưng lại bán với giá cực kỳ cao 1.399 USD. Tương tự, iPhone 11 Pro Max ước tính có vốn khoảng 490 USD cho vật tư linh kiện, trong khi được bán với giá 1.099 USD, cao hơn gấp đôi so với con số sản xuất thực tế.

Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng có thể làm được như Samsung và Apple, bởi họ đã có kinh nghiệm trong việc sản xuất smartphone cao cấp và tầm nhận diện thương hiệu lớn.

Hiện tại OnePlus và Xiaomi đang định vị bản thân để giành lấy một phần nhỏ trong thị trường smartphone cao cấp, đồng thời chú ý phát triển thương hiệu ở các thị trường tiềm năng như Trung Quốc và Ấn Độ.

Nói tóm lại, các thương hiệu di động Trung Quốc dù đã chiếm lĩnh thị trường trung cấp với nhiều giá trị vượt trội thì nay, họ đang từng bước tiến vào thị trường cao cấp với lợi thế về giá, trang bị cấu hình tương tự nhưng lại có giá thấp hơn so với các đối thủ, cụ thể đây là kết nối 5G.

Thái Âu theo Android Authority

Chủ đề khác