VnReview
Hà Nội

Huawei và những scandal hối lộ đình đám

Rất nhanh chóng, sau khoảng một thập kỷ, Huawei đã vươn lên trở thành hãng thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Có điều, tên tuổi Huawei gắn liền với thiết bị giá rẻ và cả rất nhiều vụ scandal hối lộ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Một báo cáo về Argentina của Viện nghiên cứu chiến lược quân sự Mỹ (A U.S. Army Strategic Studies Institute) công bố tháng 9/2007 đã mô tả Huawei là "nổi tiếng với hối lộ và bẫy khách hàng", như khách hàng được "bao" những chuyên du hí tới Trung Quốc trọn gói và những món quà tặng bằng tiền để giành được hợp đồng. Báo cáo này không có những chứng cứ cụ thể về cáo buộc Huawei hối lộ nhưng thực tế thì tai tiếng Huawei dùng tiền, quà tặng, chuyến du lịch để mua chuộc đối tác, quan chức nước sở tại đã diễn ra từ nhiều năm nay ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Đương nhiên là Huawei luôn phủ nhận việc nhân viên chi nhánh nước sở tại của họ có hành vi hối lộ hoặc hứa sẽ hết sức điều tra cáo buộc hối lộ mà thường là chẳng có kết quả điều tra nào của Huawei được công bố. Trong khi đó, tòa án ở nhiều nước sở tại đã ra lệnh trục xuất nhân viên Huawei hoặc truy nã nhân viên Huawei vì các tội danh hối lộ; cấm Huawei tham gia vào các dự án hạ tầng viễn thông.

Vụ việc mới đây nhất là Alliance for Accountable Governance - một tổ chức phi chính phủ ở quốc gia Tây Phi Ghana đã cáo buộc Huawei vi phạm luật bầu cử bằng cách tài trợ cho đảng cầm quyền Ghana trong cuộc bầu cử năm 2012. Đổi lại, Huawei đã được tri ân bằng một trong những hợp đồng béo bở nhất. Hợp đồng này được giành cho Huawei hồi tháng 9/2011 có tổng đầu tư là 150 triệu USD để cung cấp hạ tầng công nghệ và các dịch vụ hỗ trợ cho ngành dầu khí Ghana đổi lấy miễn thuế 43 triệu USD.

Trước đó, vào hồi tháng Sáu vừa qua, báo chí Trung Quốc và Algieria đưa tin nhân viên của Huawei và ZTE bị kết tội hối lộ trong một vụ scandal tham nhũng ở Algeria và bị tòa án xử vắng mặt với mức án 10 năm tù. Hai hãng viễn thông Trung Quốc nói trên cũng bị phạt và bị cấm trong các quan hệ đối tác với các công ty nhà nước ở Algeria trong vòng 2 năm. Báo chí Algeria cũng cho rằng khó có khả năng các nhân viên Trung Quốc nói trên phải thọ án vì họ đã cao chạy xa bay, trong khi chắc chắn Huawei, ZTE sẽ không dẫn độ họ về Algeria.

Tại châu Âu, vào tháng 8/2011, tên tuổi Huawei bị vấy vết nhơ khi hãng viễn thông Áo Telekom Autria tuyên bố điều tra các cáo buộc Huawei hối lộ. Theo tạp chí Format của Áo, Huawei bị cáo buộc đã hối lộ khoản tiền đến 6 triệu euro để giành được hợp đồng trị giá 60 triệu euro của Telekom Austria. Trung tâm của các cáo buộc này là ông Peter Hochegger, người hoạt động như một nhà tư vấn cho Telekom Autria và ông này đã nhận các khoản tiền từ Huawei qua các tài khoản ngân hàng ở quốc đảo Cyprus.

Tại Mỹ, trong báo cáo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ cũng có đoạn Huawei và ZTE nhiều lần tìm cách hối lộ các viên chức Mỹ trong các vụ gọi thầu. Ủy ban này đã trao các bằng chứng về khả năng tham nhũng và hối lộ của Huawei cho Cục điều tra liên bang (FBI).

Cùng với những tai tiếng về hối lộ và quan ngại về an ninh, nhiều quốc gia đang "cấm cửa" hoặc được kêu gọi loại Huawei ra khỏi các dự án hạ tầng viễn thông quốc gia như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand.

Thanh Xuân

Chủ đề khác