VnReview
Hà Nội

Covid-19 đang ảnh hưởng như thế nào đến ngành công nghệ thế giới?

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại về con người mà còn đang gián tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế và cả ngành công nghệ thế giới.

Những tác động của Covid-19 đối với ngành công nghệ lúc này chắc chắn không gì phải bàn cãi khi ngày càng có nhiều hãng công nghệ buộc phải hủy bỏ các sự kiện công nghệ và ra mắt sản phẩm mới. Đó là chưa kể tình hình kinh tế ảm đạm chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến nhu cầu của thị trường và doanh số sản phẩm.

Dưới đây là một số tác động của đại dịch Covid-19 đối với ngành công nghệ thế giới tại thời điểm này:

Giá trị cổ phiếu của nhiều công ty công nghệ bị giảm trầm trọng

Sự phụ thuộc của nhiều hãng công nghệ đối với Trung Quốc phần nào khiến họ lâm vào thế khó trong bối cảnh Trung Quốc từng là tâm dịch của thế giới. Tác động của đại dịch với các hãng công nghệ cũng được thể hiện rất rõ qua giá trị cổ phiếu của họ trên thị trường chứng khoán.

Ngay cả khi tình hình sản xuất đang dần phục hồi tại Trung Quốc, các nhà phân tích và giới đầu tư giờ đây lại có thêm mối lo mới khi Mỹ đang trở thành tâm dịch mới của thế giới, thậm chí vượt cả nhiều nước Châu Âu. Điều đáng nói là Mỹ là quê hương của rất nhiều hãng công nghệ đình đám nhất trên thế giới.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến giá trị cổ phiếu của nhiều công ty chịu thiệt hại lớn. Mới thứ Hai (23/3) tuần trước, giá trị cổ phiếu của Apple, Nvidia và AMD đồng loạt giảm 1.000 điểm và sau đó là 900 điểm vào thứ Ba (24/3). Thậm chí sau khi tờ Nikkei đưa tin về việc lễ ra mắt iPhone 5G mới có thể bị trì hoãn thêm 1-2 tháng, giá cổ phiếu của Apple đã đóng cửa ở mức 245,5 USD/cổ phiếu, giảm 0,55% so với giá trị trong ngày. Như vậy là Apple đã chính thức mất vị thế là công ty có trị giá ngàn tỷ đô.

Trong khi đó Dell cũng đã mất 12% giá trị cổ phiếu kể từ khi dịch bùng phát tại Ý.

Các sự kiện công nghệ buộc phải tạm hoãn hoặc bị hủy bỏ

Khi LG đột ngột tuyên bố vào ngày 5/2 rằng sẽ không tham dự sự kiện MWC 2020, giới công nghệ đã nghi ngờ rằng, động thái này sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Và quả thực sau đó hàng loạt các hãng công nghệ như Xiaomi, Vivo, Intel, Nvidia, Sony, HMD Global, Amazon,…đã rút lui khỏi sự kiện. Cuối cùng ban tổ chức MWC 2020 cũng đã chính thức ra tuyên bố hủy bỏ sự kiện sau đó không lâu.

Một số sự kiện khác cũng đã buộc phải hoãn, thậm chí là hủy bỏ vì đại dịch Covid-19 như CP+ (Triển lãm ảnh và thiết bị ngành ảnh 2020). Đây là một trong những hội chợ nhiếp ảnh và video lớn nhất được tổ chức tại Nhật Bản.

Tiếp theo đó là hàng loạt sự kiện của các hãng công nghệ lớn như Hội nghị thượng đỉnh tiếp thị toàn cầu của Facebook, Black Hat Asia 2020, hội nghị F8 của Facebook, Google I/O của Google, hội nghị; Build của Microsoft  hay WWDC 2020 của Apple.

Không còn những chuyến công tác để chốt hợp đồng trong giới công nghệ

Chính phủ các nước đều ra thông báo khuyến khích mọi người làm việc tại nhà. Đó là lý do nhiều công ty và đặc biệt là các hãng công nghệ cho nhân viên làm việc tại nhà. Kể từ khi nhiều quốc gia ban bố lệnh phong tỏa, các cuộc họp trực tuyến đã tăng theo cấp số nhân trên khắp thế giới.

Tuy nhiên lợi ích từ việc nhiều người phải làm việc ở nhà là giảm tình trạng tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí hay thậm chí nó khiến nhiều người nhận ra rằng, họ không cần phải đi máy bay hàng tuần chỉ để ký kết một thỏa thuận hoặc hợp đồng nào với các đối tác trên thế giới.

Ảnh hưởng kinh tế

Hồi tháng trước, Apple đã tuyên bố hạ mục tiêu doanh số trong Q2/2020 (theo cách tính của Apple là từ tháng 1-tháng 3/2020) do tác động của đại dịch, tức là Apple sẽ khó đạt được mức 63-67 triệu chiếc iPhone như đã định. Thậm chí trong tháng 2/2020, Apple chỉ bán được chưa đầy 500 ngàn chiếc iPhone tại thị trường Trung Quốc.

Không chỉ có Apple, hàng loạt các công ty công nghệ Châu Á, trong đó có cả các đối tác "ruột" lâu năm của Apple cũng đang gặp khó. Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs dự báo lợi nhuận của Foxconn trong năm tài chính 2020 có thể giảm tới 39%, tức khoảng 1,8 tỷ USD so với ước tính ban đầu. Đặc biệt doanh thu cũng có thể thấp hơn so với dự báo trước đây là 15,4 tỷ USD.

Trong khi đó hãng gia công chip hợp đồng TSMC cũng có thể bị mất tới 3% lợi nhuận hàng năm, tương đương khoảng 500 triệu USD và doanh thu giảm khoảng 1,4 tỷ USD.

Đặc biệt là Samsung cũng không thoát khỏi sự nghiệt ngã của đại dịch Covid-19. Hãng điện tử Hàn Quốc có nguy cơ mất trắng 1,4 tỷ USD vì dịch bệnh. Thậm chí theo một thông tin gần đây, doanh số của model Galaxy S20 còn thấp hơn cả Galaxy S10. Nguyên nhân chủ yếu là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Nguồn cung bị trì trệ

Hồi tháng Hai khi Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố lớn, trong đó có cả những nơi đặt nhà máy sản xuất các thiết bị điện tử cho nhiều hãng công nghệ lớn như Apple, Sony, Samsung, các nhà phân tích đã dự báo về việc nguồn cung sẽ hạn chế trong thời gian tới.

Đặc biệt các chuyên gia còn cảnh báo doanh số smartphone có thể giảm tới 50% trong suốt Q1/2020 vì lý do thiếu nguồn cung. Sự nghi ngờ này là có lý do vì Trung Quốc nói chung và một số đối tác gia công như Foxconn nắm phần lớn nguồn cung các thiết bị di động, bao gồm iPhone ra thị trường.

Việc một số nhà máy buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh và thiếu nguồn nhân công đủ để vận hành 100% công suất khiến một số dây chuyền sản xuất iPhone mới của Apple gặp khó trong suốt tháng Hai. Tuy nhiên theo thông tin mới đây, Foxconn đã phục hồi được 100% công suất các nhà máy tại Trung Quốc. Đây sẽ là tín hiệu vui cho Apple và một số hãng công nghệ khác.

Trong khi đó theo ước tính của hãng nghiên cứu TrendForce, nguồn cung sẽ giảm mạnh khoảng 8,1% đặc biệt với lĩnh vực xe hơi và smartwatch là 16%. Các lĩnh vực khác như video game giảm 10,1%, laptop giảm 12,3%, TV giảm 4,5% và loa thông minh là 12,1%. Ngoài ra TrendForce cũng lo ngại về khả năng sản lượng chất bán dẫn, pin và bộ nhớ DRAM và bộ nhớ flash NAND giảm mạnh trong thời gian tới.

Hãng phân tích Canalys ước tính, lượng xuất xưởng PC cũng sẽ giảm tới 3,4% trong năm 2020 này. Thậm chí kịch bản xấu nhất có thể lên tới 9% nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài tới hết năm.

Mai Huyền

Chủ đề khác