VnReview
Hà Nội

Nhiều nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc lợi dụng sơ hở để làm giàu từ Covid-19

Các nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc đang tận dụng nhiều lỗ hổng trong quy trình pháp lý của Mỹ và châu Âu để tăng tốc độ sản xuất và bán thiết bị, chạy đua đáp ứng nhu cầu bùng nổ khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều mối quan ngại về chất lượng thiết bị do các công ty Trung Quốc sản xuất, sau khi các nhà chức trách Tây Ban Nha, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ từ chối khẩu trang và bộ kit xét nghiệm không đạt chuẩn gần đây.

Theo Finantial Times, hiện nay, các nhà sản xuất Trung Quốc chiếm đến một nửa sản lượng khẩu trang toàn cầu. Họ thường dùng những thủ thuật để "lách luật" như điều chỉnh mô tả sản phẩm và đẩy nhanh quá trình thử nghiệm.

Ngành kinh doanh khẩu trang, thiết bị y tế đã nhanh chóng mở rộng kể từ tháng Một khi các nhà máy tăng công suất để đáp ứng nhu cầu của các chuyên gia y tế và người dân Trung Quốc. Vào cuối tháng Hai, Trung Quốc đã sản xuất 116 triệu khẩu trang/ngày, gấp khoảng 12 lần so với đầu tháng.

Bắc Kinh đã nới lỏng các điều khoản xuất khẩu thiết bị y tế vào tháng Ba sau khi các quan chức khẳng định đại dịch Covid-19 đang chậm lại tại quê nhà. Điều đó đã thúc đẩy các nhà máy tìm kiếm nhu cầu ở nước ngoài. Khắp châu Âu và Mỹ rơi vào tình trạng thiếu thiết bị y tế khi coronavirus lan rộng.

Ở Anh, nhiều nhân viên y tế phàn nàn về việc thiếu thiết bị bảo vệ. Trong khi đó, Mỹ chỉ có 1% trong số 3,5 tỷ khẩu trang mà họ cần.

Giám đốc của Tập đoàn dịch vụ thiết bị y tế Osmunda có trụ sở tại Quảng Châu, công ty vẫn giúp các nhà máy sản xuất khẩu trang địa phương có được chứng nhận của EU và Hoa Kỳ, cho biết hoạt động kinh doanh đã tăng gấp ba lần từ đầu năm vì mọi người đều muốn kiếm lợi từ sự thiếu hụt toàn cầu.

Nhưng Jian Runfu, lãnh đạo Học viện quản lý thiết bị y tế Quảng Đông, một hiệp hội thương mại, cho biết tỷ lệ khẩu trang bị lỗi đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm 2020.

"Một số nhà máy Trung Quốc muốn tận dụng cơ hội kiếm tiền khi virus lây lan, nên họ cắt giảm bất cứ gì có thể", ông Jian nói.

Một số không có kinh nghiệm sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế cũng gia nhập cuộc đua. Gần 1/5 các nhà máy sản xuất khẩu trang Trung Quốc chỉ bắt đầu hoạt động sau tháng Một, trước đó họ chỉ là các nhà máy may mặc hoặc các nhà sản xuất điện tử.

Một quan chức của Joyson Electronics, hãng sản xuất phụ tùng ô tô có trụ sở tại Chiết Giang, bắt đầu sản xuất khẩu trang vào tháng 2, cho biết: "Cần phải chớp cơ hội ngay khi có thể nếu không dịch bệnh sẽ chấm dứt ở nước ngoài".

Các nhà máy Trung Quốc thường trải qua một quy trình quản lý nghiêm ngặt mới giành được sự chấp thuận của EU hoặc Mỹ, từ khâu thử nghiệm sản phẩm đến xem xét tài liệu công nghệ.

Một quan chức tại TÜV SÜD, cơ quan chứng nhận có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết phải mất ít nhất 60 ngày để có được chứng nhận khẩu trang phẫu thuật ở châu Âu và sáu tháng ở Mỹ.

Nhưng một số nhà máy Trung Quốc đã cố gắng tìm cách đẩy nhanh quá trình này.

Một quan chức tại công ty Tian Hai Test Technology ở Thâm Quyến cho biết công ty có thể hoàn thành thử nghiệm khẩu trang phẫu thuật trong vòng 10 ngày. Để đạt được điều này, công ty đã đề nghị khách hàng không sử dụng những từ như "y tế", "phẫu thuật" hoặc "thuốc" trong hồ sơ cấp chứng nhận, vì Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ thực thi các biện pháp nghiêm ngặt hơn đối với khẩu trang y tế so với khẩu trang loại thường.

"Chúng tôi cần tận dụng những sơ hở của FDA", một quan chức của Tian Hai, nói.

Shengjingtang Biotechnology, một khách hàng của Tian Hai có trụ sở tại Liêu Ninh, bắt đầu sản xuất khẩu trang vào tháng Hai. Công ty cho biết họ đã bán 20 triệu khẩu trang y tế cho Mỹ và 23 triệu cho châu Âu.

"Chúng tôi có khả năng phục vụ thị trường nước ngoài vì đã nhanh chóng đạt được các chứng chỉ liên quan", một quan chức của Shengjingtang Biotechnology, nói.

Finantial times cho biết FDA đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cho biết họ không phát hiện ra trường hợp các nhà sản xuất Trung Quốc lợi dụng các lỗ hổng pháp lý.

Các quy định của EU cho phép các thiết bị y tế thuộc phạm vi của một trong hai khung pháp lý. Trong đó, Thiết bị bảo vệ cá nhân, bao gồm khẩu trang dùng một lần và khẩu trang có thể tái sử dụng, đảm bảo chống lại mối nguy hiểm ô nhiễm hạt, yêu cầu chứng nhận của bên thứ ba. Tuy nhiên, một số sản phẩm như khẩu trang phẫu thuật có thể nằm trong khung pháp lý về thiết bị y tế, cho phép tự chứng nhận.

Anthony Wilkinson, một luật sư tại Bird & Bird có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên về thiết bị y tế, cho biết cả EU và Mỹ đều nới lỏng các quy định về nhập khẩu thiết bị y tế vì "chúng tôi đang ở trong một tình huống rất khác với quy trình thông thường".

Các quy tắc của FDA, ông nói thêm, đã tạo ra một lỗ hổng miễn trừ khiến một số thiết bị y tế không bị kiểm tra chặt chẽ. Nhưng "việc một công ty ở Trung Quốc nói rằng họ có chứng nhận không có nghĩa là nó sẽ được chấp nhận ở quốc gia nhập khẩu".

Các chuyên gia cho rằng điều này có thể có tác động tiêu cực đến ngành kinh doanh thiết bị y tế và khách hàng. Bởi vì dù có ít rào cản trong sản xuất khẩu trang, song chất lượng sản phẩm vẫn cần phải duy trì. Các nhà máy thiếu kinh nghiệm có thể sẽ làm tổn thương cả khách hàng nước ngoài và chính họ.

Hoàng Lan

Chủ đề khác