VnReview
Hà Nội

CEO Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone 4 khi toàn xã hội bị cách ly: Chúng ta vẫn phải tiếp tục sống!

Trên bàn làm việc của Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bkav là rất nhiều mẫu Bphone. Giám đốc truyền thông của Bkav nhanh chóng chuyển đi một mẫu điện thoại "lạ" trên mặt bàn trước khi phóng viên thực hiện chụp ảnh cho buổi phỏng vấn.

Ngày ra mắt Bphone 4 dự kiến là 7/4/2020 theo hình thức online hoàn toàn nhưng một sự kiện bất ngờ đã xảy ra là yêu cầu cách ly toàn xã hội kể từ 1/4/2020 trong vòng 2 tuần của Thủ tướng. Điều gì sẽ xảy ra với lễ ra mắt của BKAV?

CEO Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone 4 khi toàn xã hội bị cách ly

MÌNH KHÔNG THỂ CỨ NGỒI CHỜ

Đang là cao điểm của đại dịch Covid-19 và người tiêu dùng đang "bất động", nhưng anh vẫn giữ quyết định ra mắt Bphone mới vào 7/4. Vì sao vậy?

Đó là kế hoạch của Bkav từ trước. Khi dịch bệnh xảy ra, ngay sau Tết, công ty đã họp để phân tích. Chúng tôi dự đoán, đó sẽ là một cuộc chiến trường kỳ, bởi vì virus lây lan khắp các nước trên thế giới thì khó có thể biến mất trong ngày một, ngày hai.

Nhưng mình không thể cứ ngồi chờ. Vậy thì chiến lược là gì?

Trước hết là tuân thủ các hướng dẫn của Chính phủ, chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn. Còn lại, mọi việc cứ diễn ra bình thường. Bkav từ đầu năm đến giờ vẫn hoạt động bình thường.

Chúng tôi đặt câu hỏi là Việt Nam làm rất tốt nhưng rồi sau đó sẽ ra sao. Việt Nam chống dịch rất tốt và thực tế trên con số mấy tháng qua đã cho thấy điều đó rõ ràng. Nhìn biểu đồ, châu Âu, Mỹ có diễn biến lây nhiễm tăng dựng đứng. Việt Nam thì hoàn toàn khác và nằm trong số hiếm hoi các nước trên thế giới làm được như vậy. Nhưng Việt Nam rồi cũng phải giao thương với các nước khác mà họ có kiểm soát dịch tốt như mình đâu nên phải luôn sẵn sàng cho các biến động thôi.

Nhận định như vậy, chúng tôi thấy sự kiện ra mắt vẫn có thể tiến hành nhưng với phương thức khác, đó là trực tuyến. Điều này càng đặc biệt hơn khi chúng tôi là một doanh nghiệp công nghệ nên cũng phù hợp.

Thực ra, so với dự kiến ban đầu thì cũng muộn hơn một chút, khoảng hơn 1 tuần vì trước đó kế hoạch là trong tháng 3/2020.

CEO Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone 4 khi toàn xã hội bị cách ly

Cơ sở nào để anh quyết định mọi việc cứ diễn ra bình thường?

Lĩnh vực công nghệ có đặc thù. Mọi người đã quen theo dõi sự kiện online như xem clip, xem livestream, đọc bài viết của phóng viên, của những người đánh giá (reviewer).

Hàng năm, Bkav ra mắt Bphone tại sự kiện với khoảng 2.000 người xem trực tiếp nhưng số lượng theo dõi online thì đông hơn nhiều. Có năm, hàng triệu người theo dõi sự kiện của chúng tôi. Như vậy, việc chuyển sang online là hợp lý vì số lượng người theo dõi nhiều hơn.

Về phần sản phẩm, như đã nhận định đây là cuộc trường kỳ kháng chiến, mọi thứ không thể nào đóng băng trong cả năm. Đến lúc, mọi việc sẽ trở lại bình thường, dù phải trong một khuôn khổ nhất định nào đó.

Hiện nay, Bphone được phân phối qua chuỗi Bphone store của Bkav và một số cửa hàng của các nhà mạng – những điểm phân phối hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Chúng tôi cũng tính toán, kể cả sau khi ra mắt mà các cửa hàng chưa được phép mở cửa vì tình hình dịch bệnh thì cũng phải chấp nhận thôi.

Trong chiến tranh dịch bệnh, mình không thể nào khẳng định sẽ luôn thuận lợi, nhưng với tinh thần "trường kỳ kháng chiến" thì cứ đến đâu mình xử lý đến đấy.

ĐIỂM SÁNG TRONG BỐI CẢNH "CÁCH LY TOÀN XÃ HỘI"

Trong đại dịch thì ra mắt theo phong cách trực tuyến là lựa chọn hợp lý nhưng anh có sợ rằng nó sẽ làm cho sự kiện bị "nguội", không thể nóng như khi anh đứng thuyết trình trên sân khấu trước hàng nghìn người xem và tương tác trực tiếp?

Lúc đầu tôi cũng băn khoăn chuyện đó. Thậm chí có lúc nghĩ, hay là lùi thời điểm ra mắt? Nhưng với tinh thần nói trên, chiến lược vẫn phải là "bình thường trong khuôn khổ".

Sau đó phân tích kỹ hơn thì thấy hoàn toàn có thể. Giống như chuyển bại thành thắng, từ điều không thuận lợi thành thuận lợi vậy.

Thực tế, nếu ta làm sự kiện với một khán phòng mấy nghìn người, có fan, thậm chí là fan cuồng thì khí thế rất cao! Giờ bớt khán giả đi, chỉ livestream thôi thì chắc chắn là không bằng.

Nhưng như vừa nói, phần lớn mọi người theo dõi sự kiện qua online. Và chúng tôi sẽ làm cho nó thực sự là online, thay đổi về bản chất chứ không chỉ đơn giản là một buổi ra mắt như bình thường và khán giả theo dõi qua livestream.

CEO Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone 4 khi toàn xã hội bị cách ly

Anh có thấy điểm sáng nào khi làm như vậy trong bối cảnh toàn xã hội lo lắng về dịch bệnh" hay không?

Ra mắt vào thời điểm này có bất lợi, nhưng cũng có thuận lợi. Bất lợi rõ ràng là cả xã hội đang lo lắng dịch bệnh, hạn chế di chuyển. Nhưng tôi nghĩ, biết đâu nó lại trở thành một điểm sáng để mọi người thấy rằng chúng ta vẫn có thể sinh hoạt một cách bình thường, tất nhiên là trong khuôn khổ.

Trận dịch này như một cuộc chiến. Ngày xưa các cụ có câu "tiếng hát át tiếng bom". Trong cuộc chiến đó, sự lạc quan là tố chất cực kỳ tốt của người Việt Nam. Vậy thì bây giờ cũng nên vậy.

Tóm lại, mình cứ phải làm công việc của mình với hiệu suất tốt nhất có thể chứ không thể ngồi rồi hy vọng 1 – 2 tuần nữa bệnh dịch sẽ ổn.

Tôi tin tưởng rằng Việt Nam đang chống dịch rất tốt, hiếm nước nào làm tốt như Việt Nam. Thỉnh thoảng dịch bệnh lại bùng lên ở chỗ nào đó nhưng Chính phủ cũng rút ra kinh nghiệm để xử lý. Còn chúng ta vẫn phải tiếp tục sống.

Anh đánh giá gì về chiến lược "ngủ đông" của các doanh nghiệp khác?

Tôi không nghĩ về phía họ, tôi chỉ nghĩ về phía mình thôi. Trong cuộc chiến trường kỳ, tôi phải quyết định và biết đâu có thể chuyển bất lợi thành có lợi. Tôi tin rằng sắp tới sẽ có một buổi ra mắt online rất tuyệt vời và giúp cho mọi người có tâm trạng vui vẻ trong lúc chống dịch như thế này.

THAY ĐỔI LỚN TRONG CHIẾN DỊCH RA MẮT BPHONE

Khi ra mắt Bphone 1, anh đã định vị là phân khúc cận cao cấp. Các đời Bphone sau có mức giá thấp hơn và Bphone 3 ở mức giá tầm trung được đón nhận tích cực hơn cả. Vậy Bphone 4 sẽ là gì?

Tôi đã làm việc gì thì luôn có triết lý rất rõ. Ngay từ đầu, chúng tôi đã chọn sản phẩm cận cao cấp. Vì sao?

Nếu chọn phân khúc cao cấp, chúng tôi sẽ phải cạnh tranh với những tên tuổi lớn. Xây dựng ngay một thương hiệu như vậy là không thể, cho dù về công nghệ thì mình có thể.

Còn nếu chọn cận cao cấp, sau khi thành công, chúng tôi có thể vươn lên cao cấp mà cũng có thể lan xuống tầm trung, giá rẻ. Chiến lược ngay từ đầu đã vậy. Tôi nhận nhiều gạch đá về việc "ông nói làm điện thoại cho người Việt Nam mà sao lại không làm giá rẻ". Tôi chấp nhận việc mọi người chưa hiểu.

Định vị thương hiệu là điều quyết định khi kinh doanh. Trong lĩnh vực smartphone, những thương hiệu đã định vị giá rẻ thì không thể nào sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm cao cấp hơn bởi những yếu tố cả về mặt nội dung và hình thức.

Về mặt nội dung, nếu đã làm giá rẻ thì phải cắt giảm nhiều thứ, không thể nào đầu tư R&D đúng mức. Nó dẫn đến hệ quả về hình thức là sản phẩm luôn bị gắn với giá rẻ. Sản phẩm không được đầu tư đúng mức cho R&D sẽ không thể đem lại trải nghiệm tốt. Nó hình thành nên ý niệm là mức độ công nghệ của công ty đó chỉ đến mức như vậy. Về sau khắc phục ý niệm đó cực kỳ khó khăn.

Tại sao Bphone 4 lại có tên là B86?

Lần này chúng tôi có nhiều phân khúc hơn, chia ra các dòng sản phẩm, nên cần đặt ra cái tên. Đơn giản thế thôi.

Nói về Bphone, có người cho rằng anh dùng từ Nhiếp ảnh điện toán là cách nói cố tình gây khó hiểu để sản phẩm có vẻ đặc biệt, thay vì Smart Camera hay AI Camera?

Triết lý của Bkav là "Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề". Mọi việc mà Bkav làm đều hết sức thực chất. Lần này, chúng tôi thực sự đầu tư cho điện toán rất nhiều.

Công ty đầu tiên đưa từ khóa AI Camera trong một lễ ra mắt chính là Bkav – có thể nhiều người sẽ không để ý việc đó đâu. Mấy tháng sau Apple mới sử dụng khái niệm như vậy.

Bkav xuất phát từ công ty phần mềm. Với B86, chúng tôi sử dụng mức độ cao công nghệ điện toán để vượt qua giới hạn về vật lý. Chúng tôi hợp tác với rất nhiều nhiếp ảnh gia để đưa kinh nghiệm của họ vào sản phẩm của mình.

Có thể thấy một sự thay đổi trong cách truyền thông của anh. Trước đây, anh không dùng Facebook công khai, nhưng bây giờ lại sử dụng Facebook cá nhân để chia sẻ thông tin về Bphone 4 một cách rải rác trước thềm sự kiện. Vì sao vậy?

Đó cũng là trăn trở của tôi. Từ Bphone 3, tôi đã đưa ra ý tưởng liệu có nên trao đổi trực tiếp với mọi người qua Facebook hay không, vì tôi nhận thấy rõ ràng về xã hội số và sự thay đổi trong cách thức mọi thứ hoạt động.

Trước đây, doanh nghiệp giao tiếp với mọi người thông qua thông cáo báo chí, bản tin trên website. Rất truyền thống, chuẩn mực. Nhưng xã hội đã thay đổi. Điển hình là Tổng thống Donald Trump – người phá vỡ mọi quy tắc thông thường của một chính trị gia.

CEO Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone 4 khi toàn xã hội bị cách ly

Báo chí cũng thế. Tôi đọc báo qua Facebook. Mọi người giao lưu trên Facebook. Cách truyền thông của xã hội đã thay đổi. Và sự đối thoại trực tiếp sẽ đem đến sự tin cậy, hào hứng hơn.

Chúng tôi cũng thay đổi triết lý.

Năm 2015, khi Bphone 1 ra mắt thì trước đó nửa năm, chúng tôi cũng có các hoạt động gọi là cung cấp thông tin về sản phẩm dưới hình thức "rò rỉ", giống như cách thức tôi "leak" tin trên Facebook thời gian qua.

Nhưng theo triết lý của chúng tôi bây giờ, sự ra mắt của sản phẩm không chỉ gói gọn trong một sự kiện như trước. Từ khi tôi đăng bài viết đầu tiên về B86 trên Facebook, đó đã là ra mắt rồi. Sự ra mắt của sản phẩm giờ là trước, trong và sau sự kiện.

Với quyết định mới của Thủ tướng về việc "cách ly toàn xã hội trong 15 ngày", anh có thay đổi quyết định ngày ra mắt Bphone chính thức của mình?

Buổi ra mắt chính thức Bphone mới vào ngày 7/4 sẽ phụ thuộc cả vào đối tác là Đài truyền hình Việt Nam nữa nên chúng tôi sẽ phải chờ quyết định từ phía VTV. Nhưng như tôi đã nói, thực chất Bphone đã ra mắt từ khi tôi đăng bài đầu tiên trên Facebook. Lễ ra mắt chỉ là một điểm nhấn của sự kiện nhưng ra mắt thời điểm nào không quá quan trọng.

TÔI CÓ NIỀM TIN VÀO CON ĐƯỜNG CỦA MÌNH

Theo đuổi việc tự thiết kế và sản xuất smartphone nhiều năm trong khi rất ít người ở Việt Nam làm điều đó vì quá khó. Anh nghĩ gì về việc mình đang làm?

Câu chuyện của Bphone cũng đã hơn 10 năm. Mỗi năm, chúng tôi dành ra trên dưới 100 tỷ đồng tiền mặt cho R&D (nghiên cứu phát triển). Mà với sản lượng bán ra như công bố, chắc chắn là chưa có lãi và đã chi cả nghìn tỷ rồi, mà lĩnh vực này thì ngân hàng không cho vay.

Dựa vào đâu mà tôi có thể kiên trì bền bỉ như vậy? Lại phải dẫn lại một triết lý làm việc của chúng tôi: "Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề". Khi mình đã hiểu triết lý công việc đang làm thì cứ thế làm thôi, cho dù nó kéo dài bao lâu, dù khó khăn bao nhiêu. Quan trọng, mình biết mình đang làm gì, làm như thế nào, chiến lược như thế nào và mục đích là gì.

Anh lấy nguồn tiền từ đâu để đầu tư cho Bphone khi ngân hàng không cho vay?

Nguồn thu lớn nhất cho Bkav để tiếp tục đầu tư cho Bphone đến nay vẫn là phần mềm. Nếu không có phần mềm thì không thể nào đầu tư cho mảng điện thoại.

Anh nói rằng hơn 10 năm qua BKAV muốn và nỗ lực đem tới cho người Việt Nam chiếc điện thoại có mọi thứ tốt nhất với mức giá hợp lý nhất. Thế nhưng Bphone bán được rất ít, trong khi Vsmart mới ra đời mà tăng thị phần rất nhanh. Anh nghĩ gì về điều đó?

Khi Vsmart công bố làm điện thoại thì thoáng qua ban đầu chúng tôi là những băn khoăn. Nhưng ngay sau đó, phân tích bản chất thì tôi thấy đó là điều tốt. Nói rất thật lòng đấy. Hai cách làm của 2 tập đoàn là khác nhau.

Vsmart chọn phân khúc giá rẻ trước, còn chúng tôi là cận cao cấp. Nếu chọn phân khúc giá rẻ thì chắc chắn có số lượng ngay, nhưng phải nói thẳng thắn là để lên phân khúc cao cấp sẽ rất khó khăn.

Tôi từng nghĩ sẽ lan sản phẩm xuống phân khúc giá rẻ, nhưng giờ có người khác làm, thì 2 doanh nghiệp có thể "cộng lại" với nhau tạo nên sức mạnh thương hiệu Việt. Đấy cũng là mục đích của tôi ngay từ những ngày đầu: Tạo ra ngành công nghiệp smartphone ở Việt Nam chứ không chỉ tạo ra sản phẩm của Bkav.

CEO Nguyễn Tử Quảng ra mắt Bphone 4 khi toàn xã hội bị cách ly

Anh làm rất nhiều năm với smartphone nhưng chưa lãi đồng nào. Có lúc nào anh chán quá muốn bỏ chưa?

Nói tuyệt đối không, là nói dối, vì con người dù thế nào cũng có cảm xúc. Nhưng chỉ thoáng qua thôi. Vì tôi biết tôi đã và sẽ làm như thế nào. Cho dù gặp khó khăn thì phần lớn vẫn trong triết lý mình đã đặt ra. Khi đã có nền tảng vững chắc thì tôi sẽ vượt qua.

Nhìn lại bức tranh của BKAV lẫn bức tranh chung của ngành smartphone Việt Nam, anh thấy gì?

Tôi rất tự hào vì ngành smartphone Việt Nam do BKAV khởi xướng đã có dấu hiệu thành công. Hãy để ý, tham gia cạnh tranh vào thị trường smartphone hiện nay chỉ có vài nước và đều là các nước lớn nhất trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Việt Nam – một đất nước không giàu nhưng lại có công ty sản xuất smartphone như BKAV và Vingroup. Nó thực sự đã làm thay đổi bộ mặt Việt Nam và tôi tự hào đã đóng góp vào sự khởi xướng cho ngành công nghiệp đó.

Chúng tôi có niềm tin vào con đường của mình, vậy thì việc phải bỏ ra 1.000 tỷ đồng hay cả chục năm có là vấn đề gì đâu, có sá gì đâu.

Theo báo Tổ Quốc

Chủ đề khác