VnReview
Hà Nội

Vĩnh biệt camera thò thụt – chúng ta chưa bao giờ quen nhau!

OnePlus 8 và 8 Pro sẽ ra mắt vào ngày 14/4 tới đây, và qua những hình ảnh rò rỉ, có vẻ như bản Pro của máy sẽ có một sự thay đổi đáng tiếc: không còn camera thò thụt nữa.

popup

Năm ngoái, OnePlus 7 Pro và 7T Pro đều có camera thò thụt, nhưng những thiết bị thế hệ tiếp theo của chúng nhiều khả năng sẽ được trang bị camera "nốt ruồi" trên màn hình. Điều đáng nói ở đây là, thay đổi này không đơn thuần là tín hiệu cho thấy những biến chuyển trong thiết kế của OnePlus, mà còn là dấu chấm hết cho camera thò thụt trên toàn bộ ngành công nghiệp smartphone.

Nhưng điều gì đã khiến camera thò thụt xuất hiện như một tia chớp, và biến mất như một cơn gió?

"Kỳ quan" chớp nhoáng

OnePlus là hãng cuối cùng rời bỏ cuộc chơi sau khi gần như toàn bộ các đối thủ khác đã chào tạm biệt thiết kế thò thụt. Oppo Find X là một trong những thiết bị cao cấp đầu tiên được trang bị camera selfie thò thụt, nhưng chiếc Find X2 Pro vừa ra mắt đã đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài, không còn thiết kế trượt kỳ lạ kia nữa.

Các OEM khác từng thử và từ bỏ bao gồm Motorola, Realme, và Honor. Ngay cả kẻ tiên phong, Vivo, vốn là hãng đầu tiên tung ra thị trường một thiết bị có camera thò thụt – Vivo Nex – sau đó tiếp tục mang thiết kế này lên Vivo V15 và Vivo V17 Pro, nay cũng đã chuyển sang camera selfie trong màn hình với chiếc Vivo Apex 2020. Kẻ duy nhất còn bám víu thành trì camera thò thụt là Redmi K30 Pro và K30 Pro Zoom – cả hai đều giữa lại camera selfie thò thụt từ những mẫu tiền nhiệm là Redmi K20 Pro/Xiaomi Mi 9T Pro. Chấm hết. Không còn một ai cả.

popup

Nếu từng trên tay và sử dụng các thiết bị với camera thò thụt, bạn có lẽ nhận ra rằng từ bỏ thiết kế này không hẳn là một bước tiến. Tại sao camera thò thụt không còn con đường nào khác ngoài việc biến mất trước cả khi thực sự có cơ hội thu hút người tiêu dùng trên các thiết bị phổ thông hơn? Hãy cùng tìm hiểu về điểm mạnh của nó trước.

Một ý tưởng không tồi

Có nhiều lý do tại sao camera thò thụt lại hoạt động tốt mặc cho những nghi ngại ban đầu về concept này.

Nó khá…ngầu: camera thò thụt gây sự chú ý khi mang đến một thứ ít ai ngờ và làm được những điều hoàn toàn khác biệt khi so với các smartphone trước đây. Xét hình dạng và kích cỡ các cụm camera thò thụt, nó còn mang lại cho các nhà sản xuất cơ hội để trang bị cho camera selfie trên smartphone của họ một ống kính lớn hơn và nhiều thành phần quang học hơn.

popup

Nó còn rất khó hư hỏng. Cơ chế thò thụt đã được thử nghiệm rất kỹ càng dưới các bài test về sức chịu đựng. Kỹ thuật được ứng dụng vào các camera thò thụt giúp nó có độ bền cao, hầu như không gặp vấn đề lớn nào. Tất nhiên, không ai có thể chắc chắn được điều đó, bởi các thành phần chuyển động luôn tiềm ẩn nguy cơ hư hỏng. Nhưng một sự thật là cho đến nay, chưa hề có đợt triệu hồi nào, cũng như chưa có báo cáo nào về việc cơ chế thò thụt bị hỏng trên quy mô lớn cả.

Một lý do khác dẫn đến sự tồn tại của camera thò thụt là nó cho phép smartphone có được một màn hình toàn mặt trước thực thụ. Bằng cách ẩn đi các linh kiện của camera selfie, camear thò thụt là giải pháp tốt nhất để có tỉ lệ màn hình so với thân máy gần 100%. Không tai thỏ, không nốt ruồi, không viền dày… Chỉ có duy nhất một màn hình lớn ở mặt trước. Và nếu bạn không có thói quen chụp ảnh selfie, camera thò thụt sẽ yên vị trong "hốc" của nó và không khiến bạn "ngứa mắt" như camera "nốt ruồi" hay tai thỏ.

Camera thò thụt còn rất tuyệt với những ai quan ngại vấn đề quyền riêng tư. Mọi thiết bị Android hay iOS đều có khả năng bị hack. Có thể ảnh selfie của một người bình thường như tôi hoặc bạn chẳng đáng giá một xu đối với các hacker, nhưng có rất ít những giải pháp giúp bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn việc ẩn đi camera.

Một điều cuối cùng, dành riêng cho các fan của OnePlus: camera thò thụt là một trong những thứ khiến OnePlus 7 Pro và 7T Pro khác biệt với hầu hết các điện thoại flagship khác trên thị trường Mỹ. Các nhãn hiệu điện thoại Trung Quốc khác với camera selfie thò thụt đơn giản là không bán ra tại thị trường Mỹ.

Thứ gì đã giết chết camera thò thụt?

Không may cho những người hâm mộ camera thò thụt, và mặc cho những ưu điểm đã nêu trên, tính năng độc đáo này chưa bao giờ thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng. Thay vào đó, chúng ta có một giải pháp thay thế: camera selfie nốt ruồi. Một giải pháp thay thế nhỏ hơn nhiều, có tính tích hợp cao hơn, và không có thành phần nào di chuyển cả.

popup

Một chiếc smartphone với màn hình nốt ruồi chắc chắn tốt hơn tai thỏ, nhưng nốt ruồi kia vẫn chẳng phải là tương lai mà chúng ta chờ đón. Cái lỗ nhỏ trên màn hình luôn hiện hữu. Dù nó không gây khó chịu, nhưng sự thật vẫn không thay đổi: có một cái lỗ trên màn hình – "tấc đất tấc vàng", mọi điểm ảnh dù là nhỏ nhất cũng quý giá. Một người dùng nhận định rằng những nốt ruồi đó khiến những tấm nền màn hình rực rỡ, đẹp đẽ của smartphone trở nên đứt đoạn.

Chính xác. Nhưng với nhiều người, camera selfie có một tác dụng nhất định. Thêm vào những thành phần phức tạp, như một màn hình phụ phía sau điện thoại để chụp selfie, có vẻ là giải pháp vừa đắt đỏ vừa không cần thiết. Nốt ruồi rõ ràng là giải pháp ít tồi tệ nhất tính đến thời điểm này.

Trong tương lai, camera selfie sẽ được đặt bên dưới màn hình. Nhưng Xiaomi đã chỉ ra rằng giải pháp này vẫn chưa khả thi. Nên chúng ta đành chờ đợi tiếp vậy.

Tất nhiên, có nhiều lý do khiến các OEM chọn nốt ruồi và các giải pháp khác thay vì camera thò thụt. Nếu nó không có nhược điểm, nó sẽ không bị loại bỏ, và sự thật là nó có khá nhiều nhược điểm.

Vấn đề lớn nhất là không gian: thứ thực sự đã giết chết cơ chế thò thụt để đổi lấy màn hình nốt ruồi là nhu cầu nhồi nhét ngày càng nhiều thứ vào trong smartphone. Hãy xem camera thò thụt hoạt động ra sao trong hình dưới:

oneplus 7 pop up camera

Như bạn có thể thấy trong chiếc OnePlus 7 Pro ở trên, một khoảng không gian khá lớn trong thiết bị phải chia cho camera thò thụt và các linh kiện cơ khí di chuyển. Không lạ khi các nhà sản xuất muốn lấy lại khoảng không gian này.

Trong bối cảnh các công ty bắt đầu đua nhau trang bị những viên pin 4.000 mAh (hoặc hơn) cho các thiết bji mới, loại bỏ camera thò thụt sẽ giúp có được không gian cần thiết. Nhờ đó họ có thể làm viên pin lớn hơn, mang lại cho người dùng thời gian sử dụng máy lâu hơn.

Tuần qua, Xiaomi cũng lên tiếng về vấn đề này. Tổng giám đốc Redmi, Lu Weibing, giải thích một vài vấn đề với camera thò thụt, như khả năng tản nhiệt của thiết kế này, cùng thời lượng pin mà các điện thoại 5G sẽ đòi hỏi.

OnePlus có lẽ cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự, khi mà dòng OnePlus 8 sẽ hỗ trợ kết nối 5G.

Vậy nên, nếu bạn yêu thích camera thò thụt, có lẽ bạn không gặp may rồi.

Minh.T.T;theo AndroidAuthority

Chủ đề khác