VnReview
Hà Nội

WhatsApp giới hạn việc chuyển tiếp các tin nhắn "đang trend" để ngăn chặn tin giả

Người dùng ứng dụng nhắn tin WhatsApp sẽ chỉ có thể chuyển tiếp các tin nhắn được xác định là đang "hot" cho một người bạn duy nhất – thay vì 5 người như trước đây.

Trong một động thái nhằm siết chặt việc lan truyền tin giả liên quan đến đại dịch Covid-19 trên ứng dụng nhắn tin riêng tư của mình, WhatsApp đã tuyên bố sẽ giới hạn chặt chẽ hơn việc chuyển tiếp tin nhắn. Bắt đầu từ ngày 7/4, các tin nhắn được hệ thống xác định là "đã được chuyển tiếp nhiều" – tức là đã được chuyển tiếp qua 5 người trở lên – sẽ bị giới hạn việc chuyển tiếp. Mỗi người dùng sẽ chỉ có thể chuyển tiếp những tin nhắn như vậy tới một người bạn duy nhất mà thôi. Động thái này được thiết kế để giảm tốc độ lan truyền thông tin thông qua nền tảng WhatsApp, cho phép mọi người có nhiều thời gian hơn để phân biệt giữa tin thật và tin giả.

WhatsApp giới hạn việc chuyển tiếp các tin nhắn "đang trend" để ngăn chặn tin giả

"Chúng tôi biết rằng đa số người dùng chuyển tiếp các thông tin hữu ích, chẳng hạn như các đoạn video hài hước, meme, các thông điệp và lời cầu nguyện mà họ cho rằng hữu ích. Trong nhiều tuần gần đây, nhiều người cũng đã sử dụng WhatsApp để tổ chức các phong trào công cộng, hỗ trợ các nhân viên y tế ở tuyến đầu", công ty con của Facebook cho biết trong một bài đăng blog.

"Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy có sự gia tăng đáng kể số lượt tin nhắn được chuyển tiếp mà người dùng cho rằng có thể vô tình khiến tin giả lan truyền rộng rãi hơn. Chúng tôi tin rằng việc hạn chế tốc độ lan truyền của những tin nhắn này là rất quan trọng, nhằm giữ WhatsApp là một nền tảng dành cho các cuộc trò chuyện riêng tư."

Kể từ khi hoạt động, WhatsApp cho phép người dùng có thể dễ dàng chuyển tiếp một tin nhắn tới tối đa 256 người khác chỉ với một vài thao tác đơn giản. Ban đầu, những tin nhắn này không được đánh dấu là "tin nhắn chuyển tiếp", cộng với việc mã hoá đầu cuối khiến các nhà chức trách không thể xác định những ai đang sử dụng ứng dụng này để đưa các phát ngôn thù địch hay bạo lực. Điều này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ, nơi WhatsApp được coi là một công cụ hỗ trợ bạo lực.

Năm 2018, WhatsApp bắt đầu thử nghiệm việc giới hạn số lần tin nhắn được chuyển tiếp. Công ty cũng đánh dấu các tin nhắn nào là tin nhắn chuyển tiếp, và sẽ chèn hai dấu tích để đánh đấu những tin nhắn được chuyển tiếp nhiều lần. Năm ngoái, nền tảng này bắt đầu giới hạn người dùng chỉ có thể chuyển tiếp tin nhắn tới 5 người bạn.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một giới hạn "mềm": không có điều gì ngăn cấm bạn thực hiện nhiều lần tác vụ chuyển tiếp để gửi một thông điệp tới nhiều hơn 5 người. Dù vậy, điều đó vẫn phần nào phát huy tác dụng: WhatsApp cho biết số lượng tin nhắn chuyển tiếp đã giảm 25% sau biện pháp này.

Gần đây, giữa tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, WhatsApp tiếp tục bị "soi" là một trong những nền tảng được sử dụng để lan truyền tin giả. Tháng trước, CNN và một số hãng tin đã phát hiện ứng dụng này được sử dụng để truyền bá nhiều mẩu tin không đúng sự thật về cách "chữa" Covid-19 và các tin đồn thất thiệt về các hoạt động quân sự có liên quan đến dịch bệnh. Thủ tướng Ireland, Leo Varadkar, đã kêu gọi người dân "làm ơn dừng việc chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng trên các nhóm WhatsApp".

Phản ứng trước các vấn đề này, WhatsApp đã ra mắt một bot do Tổ chức Y tế Thế giới thực hiện, cung cấp thông tin về đại dịch đã được kiểm chứng bởi các chuyên gia y tế. Ứng dụng này đã được hơn 10 triệu người sử dụng. WhatsApp cũng đóng góp 1 triệu USD cho "Mạng lưới kiểm tra tin tức quốc tế".

Quang Huy

Chủ đề khác